Thomas Shugart, phụ tá chương trình quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nói con tàu "chắc chắn đang bắt đầu trông giống như một tàu sân bay CATOBAR (tàu có hệ thống phóng máy bay-PV) thực sự."
Vẫn còn một số ẩn số, nhưng khi ngày càng có nhiều bức ảnh xuất hiện, chúng đang vẽ nên một bức tranh rõ ràng hơn về quá trình đóng con tàu mới này, một con tàu vẫn chưa được đặt tên và tạm gọi là Type 003, đang tiến triển như thế nào.
Thậm chí đã có một số bức ảnh chụp cận cảnh con tàu sân bay mới.
Và một số nhà quan sát đã bắt đầu cố gắng tìm hiểu xem tàu sân bay mới sẽ như thế nào dựa trên những hình ảnh về quá trình xây dựng, mặc dù một số chuyên gia cho rằng vẫn còn hơi sớm để nói một cách chắc chắn.
Matthew Funaiole, một thành viên cấp cao và là chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đã xem xét hình ảnh vệ tinh về việc đóng tàu sân bay tại Giang Nam trong tuần này.
"Họ vẫn chưa đưa đài chỉ huy vào vị trí cũ. Họ vẫn đang làm việc trên sàn đáp. Vẫn còn khá nhiều việc phải làm", ông nói với Insider. Nhưng một số điều về con tàu đang bắt đầu trở nên rõ ràng hơn.
Con tàu này lớn hơn đáng kể so với hai tàu sân bay đầu tiên là Sơn Đông và Liêu Ninh, mang lại cho Trung Quốc khả năng trang bị một phi đội lớn hơn và đa dạng hơn, một bước đi cần thiết khi Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một lực lượng hải quân hiện đại có thể triển khai sức mạnh ra xa bờ biển của mình.
Ông nói rằng xem xét sự phát triển của hàng không mẫu hạm thứ ba, cũng như lợi ích của Trung Quốc, có lý do để nghi ngờ nước này sẽ có một số loại hệ thống máy phóng để phóng tàu sân bay, nhưng điều đó chưa được xác nhận.
Funaiole nói: “Họ vẫn đang thi công ở mặt trước của con tàu”.
"Rất có thể con tàu sẽ có một dạng hệ thống máy phóng", ông nói thêm. "Chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem nó sẽ như thế nào, nhưng thật khó để tưởng tượng nó không có hệ thống máy phóng."
Ông nói: “Sẽ không thực sự có ý nghĩa, theo như những gì Trung Quốc đang nhắm tới với chương trình tàu sân bay của mình, để có một tàu sân bay kiểu “nhảy cầu” khác. (“Nhảy cầu” là kiểu tàu sân bay không có máy phóng, cất cánh máy bay bằng một dốc thoai thoải ở mũi tàu, hạn chế tầm hoạt động và vũ khí của máy bay).
Đánh giá của ông Funaiole nhìn chung phù hợp với quan sát của Bộ Quốc phòng Mỹ trong báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Việc đóng tàu sân bay Type 003 bắt đầu vào năm 2018. Năm sau, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố bản đánh giá về dự án, viết rằng con tàu "có thể sẽ lớn hơn" so với tàu Liêu Ninh và Sơn Đông "và được trang bị hệ thống phóng máy phóng".
"Thiết kế này sẽ cho phép nó mang thêm máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo sớm cánh cố định và thực hiện các hoạt động bay nhanh hơn", báo cáo cho biết.
Hai tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đều sử dụng hệ thống phóng nhảy cầu, hỗ trợ cất cánh ngắn (STOBAR) để xuất kích máy bay. Thiết kế này có thể được nhìn thấy trên các tàu sân bay khác, như Đô đốc Kuznetsov của Nga và Queen Elizabeth của Anh.
Thiết kế đó đặt ra một số vấn đề đối với tiêm kích J-15, máy bay chiến đấu chủ lực trên tàu sân bay của Trung Quốc.
Máy bay này dựa trên nguyên mẫu chưa hoàn thiện của tiêm kích chiếm ưu thế trên không Sukhoi Su-33 của Nga mà Trung Quốc mua lại từ Ukraine và sau đó sao chép, là một trong những máy bay chiến đấu trên tàu sân bay nặng nhất hiện nay.
J-15 là một máy bay chiến đấu đa năng có khả năng mang theo một lượng lớn vũ khí và nhiên liệu.
Vấn đề lớn là thiết kế của các tàu sân bay hiện tại của Trung Quốc có nghĩa là nó có thể cất cánh chỉ với một phần nhỏ vũ khí và nhiên liệu mà nó được thiết kế để mang theo, điều này làm giảm đáng kể tầm hoạt động và khả năng tác chiến tổng thể của nó.