Ngạt thở cửa khẩu, vắng lặng đường biên
Theo Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh, chỉ trong khoảng 10 ngày cuối tháng 11 trung bình mỗi ngày có xấp xỉ trên 1 vạn lượt người dân xuất nhập cảnh (XNC) qua cửa khẩu để sang Trung Quốc xách hàng thuê. Kỷ lục là ngày 29/11, có tới hơn 2 vạn người XNC. Mặc dù được phân luồng khẩn cấp để đối phó với việc có quá nhiều người làm thủ tục sang Trung Quốc, nhưng có ngày người dân xếp hàng dài gần 1 km để chờ làm thủ tục.
Trung tá Nguyễn Văn Hùng, Đồn Phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái cho biết, chưa bao giờ lượng người làm thủ tục xuất cảnh lớn như trong thời gian qua. Lực lượng biên phòng căng mình để kiểm soát lượng người cũng như hàng hóa qua cửa khẩu này. Các lực lượng như hải quan, thuế, công an… cực kỳ vất vả làm thủ tục, kiểm đếm hàng hóa, thu thuế bổ sung và đặc biệt là giữ gìn an ninh trật tự. Những ngày qua, các cán bộ chiến sĩ làm việc liên tục không nghỉ ngơi từ 3-4 giờ sáng hằng ngày đã có hàng ngàn người xếp hàng chờ sẵn để làm thủ tục dù 7 giờ cửa khẩu mới bắt đầu làm việc. Liên tục nhiều ngày, cán bộ, chiến sĩ chỉ kịp ăn vội bánh mì cầm hơi…
Ngày căng thẳng nhất là ngày 29/11 vừa qua khi có tới hơn 2 vạn người làm thủ tục. Đoàn người kéo dài gần 1km từ Khách sạn Cao Su ở Đại lộ Hòa Bình, phường Trần Phú tới cửa khẩu khiến đại lộ gần như tắc nghẽn. Dòng người chen lấn, xô đẩy dù được các lực lượng chức năng phân luồng. Rất nhiều người đã không thể kiềm chế, nổi khùng, xô xát khi phải chen lấn trong dòng người như bất tận. Nhiều người đã ngất vì ngạt thở… Theo quan sát của phóng viên, kể từ ngày 29/11 kỷ lục cho tới ngày 1/12 lượng người làm thủ tục đã giảm đáng kể, tuy nhiên, với lượng người này vẫn lớn gấp nhiều lần những ngày trong các tháng khác…
Trái ngược với sự nhộn nhịp tại cửa khẩu, đường biên, lối mòn, lối mở tại Móng Cái vắng lặng. Theo khảo sát của phóng viên, một số khu vực sông Ka Long tại phường Hải Hòa, Ka Long trước đây vẫn thường có hàng lậu xuôi đò từ Trung Quốc vào Việt Nam giờ tịnh vắng. Một chủ hàng cho biết, hiện nay không ai dám đưa hàng Trung Quốc về qua đường sông hay lối mòn, lối mở vì bị các cơ quan chức năng kiểm soát cực kỳ gắt gao. Thậm chí, đến việc đậu đò trên sông cũng không được phép chứ đừng nói là có thể làm luật để qua.
Chị Nguyễn Thị Hòa, trú tại Ka Long, TP Móng Cái, người chuyên sang Trung Quốc xách hàng thuê cho các chủ hàng cho biết, gần 10 năm thường xuyên sang Trung Quốc, nhưng chưa khi nào chị thấy người ta đi nhiều đến thế. Trước đây, mỗi ngày chị sang Trung Quốc 2-3 lượt, nhưng nay mỗi ngày giỏi lắm chỉ đi được một lượt. Vì chỉ xếp hàng chiều đi và chiều về cũng hết đứt một ngày. Lạ là, những ngày đông người chủ hàng không hiểu sao lại trả công cao hơn ngày thường. Trước đây, mỗi ngày chị thu nhập được 200.000 – 300.000 đồng tiền công nhưng những ngày vừa qua dù đi ít chuyến hơn chị vẫn được trả cao gần gấp đôi. Rất nhiều người huy động cả nhà, người già, trẻ em, học sinh cũng sang Trung Quốc. Chen lấn xô đẩy đến nghẹt thở nhưng mặc, miễn là sang được bên kia…
Hàng khan tới nỗi, giá một chiếc áo khoác được chủ thuê từ 20.000-30.000 đồng/chiếc. Vì vậy, có người mặc cả chục chiếc áo để qua cửa khẩu. Người ta không từ bất kỳ chiêu thức nào để đưa được hàng về mà không phải tính thuế.
Lý giải sự bất thường
Một lãnh đạo Chi cục Hải quan Móng Cái - Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, từ đầu tháng 11 đến nay, chi cục phải tăng cường cán bộ để kiểm soát lượng hàng hóa đưa về qua đường xách tay. Việc xác định kiểm tra, mặt hàng có trong danh mục được phép đưa qua số lượng cũng như giá trị rất mất thời gian và công sức để tính đúng, tính đủ tiền thuế. Chủ yếu hàng hóa xách tay qua cửa khẩu là hàng quần áo người lớn may sẵn. Những hàng không trong danh mục cũng được hải quan thu giữ một lượng đáng kể hiện được đưa vào kho chưa kiểm đếm được. Chỉ tính riêng trong tháng 11, thuế bổ sung từ những hàng hóa trong danh mục được phép qua cửa khẩu theo chính sách cư dân biên giới, chi cục đã thu thuế bổ sung hơn 400 triệu đồng, trong khi tính từ đầu năm, lượng hàng hóa phải thu bổ sung chỉ mới hơn 1,4 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái cho biết, vùng biên Móng Cái được hưởng cơ chế biên mậu. Cư dân biên giới có đường biên với Trung Quốc khi làm sổ thông hành được sang Trung Quốc mua hàng hóa với số lượng hạn chế và trị giá không quá 2 triệu đồng. Tại Móng Cái, có một lực lượng khá đông đảo người dân chuyên làm công việc sang xách hàng ở Trung Quốc về. Những đối tượng này mỗi ngày hai lượt sang Trung Quốc mua hàng hoặc được thuê sang bên kia để xách hàng cho các thương lái. Thậm chí, những người bán hàng ở các chợ cũng đi xách hàng về bán vì hàng được miễn thuế…
Nguyên nhân cơ bản được xác định là, thời gian qua do hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa không còn sôi động như trước, lượng hàng hóa tạm nhập tái xuất rất khó khăn để có thể xuất sang Trung Quốc khiến hàng ngàn người dân mất việc làm hoặc thu nhập giảm sút. Mới đây, cơ quan chức năng triệt phá hàng loạt vụ buôn lậu, phát hiện nhiều kho hàng lậu nên khiến lượng hàng hóa tại các chợ khan hiếm. Để duy trì hoạt động, buộc các chủ hàng phải thuê người sang Trung Quốc xách hàng về bán. Mọi năm, năm nào đến tháng gần Tết hiện tượng người dân sang Trung Quốc xách hàng cũng tăng nhưng đột biến và căng thẳng như những ngày gần đây là bất thường.
Không cấp sổ mới cho những đối tượng lợi dụng việc sang Trung Quốc để xách hàng. Từ ngày 30/11, lực lượng chức năng làm quyết liệt nên đến ngày 1/12 số người làm thủ tục qua cửa khẩu giảm xuống còn khoảng 7.000 lượt. Trong những ngày tiếp theo dự kiến sẽ còn giảm nữa…
Theo thống kê của UBND TP Móng Cái và Hiệp hội DN Móng Cái, chỉ riêng trong năm 2013, trên địa bàn Móng Cái đã có trên 600 doanh nghiệp trong tổng số gần 1.000 DN phải hoạt động cầm chừng hoặc tiến hành giải thể. Ước tính từ năm 2013 đến nay có trên dưới 1 vạn lao động tại Móng Cái thất nghiệp.