Hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc

TP - Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ) vừa tổ chức tọa đàm “Cán bộ, sĩ quan trẻ phát huy truyền thống, cống hiến tài năng xứng danh bộ đội Cụ Hồ” nhằm đánh giá tình hình nhận thức tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, thái độ của đội ngũ cán bộ, sĩ quan, đảng viên trẻ; những khó khăn, vướng mắc về chế độ, chính sách, điều kiện công tác, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm…

Các ý kiến tại tọa đàm đều thống nhất rằng, đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ đều được đào tạo, học tập trang bị đầy đủ về các mặt từ chuyên môn quân sự đến nhận thức chính trị, đạo đức…

“Trong những đợt luyện tập, các đồng chí lãnh đạo xuống với chúng tôi trên từng mâm pháo, từng đài ra đa, từng trận địa tên lửa để trao đổi kinh nghiệm chiến đấu, không chỉ bằng trách nhiệm của một chỉ huy mà còn là tình thương của người anh, người chú trong gia đình”, Trung úy Vũ Minh Nghĩa, Sư đoàn phòng không 365 chia sẻ.

Cũng theo Nghĩa, trong đơn vị, nhiều đồng chí còn rất trẻ đã được bổ nhiệm những vị trí quan trọng, đồng thời, xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong thực hiện nhiệm vụ để mọi người noi theo.

Trung úy Vũ Trọng Tuyển, Trung đoàn không quân 961 cho rằng, để phát huy hơn nữa vai trò của tuổi trẻ trong quân chủng, các đồng chí chỉ huy, lãnh đạo đi trước có nhiều kinh nghiệm hãy nghe thanh niên nói, nói cho thanh niên hiểu, hiểu những việc thanh niên làm và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức để góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng đơn vị chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

“Như thế, cán bộ sỹ quan trẻ sẽ khẳng định được mình để vững vàng về chuyên môn, đường hoàng, chững chạc về đạo đức, lối sống, nắm vững mọi kỹ thuật hiện đại, làm chủ bầu trời”, Tuyển nói.

Phát biểu tại tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách, Phó Chính ủy Quân chủng PKKQ nhấn mạnh, từ khi Quân chủng ra đời đến nay, tất cả những người lập được thành tích trong chiến đấu, được phong anh hùng đều còn rất trẻ.

Theo tướng Cách, có thể kể đến anh hùng Phạm Tuân bắn rơi máy bay B52 khi mới 25 tuổi; anh hùng Nguyễn Đức Soát bắn rơi 6 máy bay khi mới 26 tuổi; trung tướng Phạm Phú Thái khi bắt đầu chiến đấu trận đầu tiên đang là binh nhất, lái máy bay chiến đấu khi chưa đến 20 tuổi; anh hùng Nguyễn Văn Bảy khi mới trông thấy máy bay đã nôn, thế mà phấn đấu bay được và bắn rơi 4 máy bay, sau khi được phong anh hùng còn bắn rơi thêm 3 chiếc nữa…

“Những tấm gương rèn luyện rất gian khổ, khó khăn chứ không phải nghiễm nhiên mà làm được việc như thế. Chỉ có lúc trẻ mới có tinh thần, mới có khí thế, có can đảm để chiến đấu. Chỉ có thanh niên mới phấn đấu và làm những việc lớn lao như vậy”, ông Cách nói.

Theo ông Cách, hiện nay, cũng rất nhiều tấm gương phấn đấu vươn lên khi còn rất trẻ, sẵn sàng hy sinh, vượt khó. “Có đồng chí bay cách đất liền 180km, một động cơ chết máy mà vẫn bay vào hạ cánh an toàn. Có đồng chí máy bay không thả được càng, phải hạ cánh bằng bụng. Có người bị trục trặc máy bay ở trên không, anh em hô nhảy dù mấy lần vẫn kiên quyết lái tiếp, đảm bảo an toàn cho máy bay, tiết kiệm cho nhà nước hàng chục triệu đô la”, ông Cách chia sẻ.

Theo ông Cách, dù còn nhiều khó khăn, gian khổ, thanh niên, sỹ quan trẻ nên thông cảm, thấu hiểu với điều kiện đang có để cố gắng phấn đấu, vươn lên. “Các đồng chí nên nghe lời bài hát Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc. Cứ nghĩ cho riêng mình thôi thì không được”, ông Cách nói.

MỚI - NÓNG