Hậu Covid, lãi sau thuế của 942 doanh nghiệp niêm yết giảm mạnh

 Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp Việt đồng loạt giảm mạnh
Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp Việt đồng loạt giảm mạnh
TPO - Trong quý I/2020, tổng lợi nhuận sau thuế của 942 doanh nghiệp niêm yết, đạt 47.945 tỷ đồng. Con số này giảm 28,4% so với mức 66.960 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Điểm danh  3 doanh nghiệp lãi nhất  sàn chứng khoán

Tính đến hôm nay, đã có 955 doanh nghiệp niêm yết trên HSX, HNX và Upcom công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý I năm 2020, chiếm 94,41% tổng vốn hóa trên sàn.   Trong đó, có 359 doanh nghiệp báo lãi, chiếm 37,59%.

Lợi nhuận sau thuế (LNST) lớn nhất quý I thuộc về CTCP Vinhomes (mã: VHM) với 7.645 tỷ, tiếp đến là Vietcombank (mã: VCB) với 4.182 tỷ,  Vinamilk (VNM) với 2.776 tỷ. Tuy nhiên, trong 3 doanh nghiệp này chỉ có VHM là có mức tăng trưởng dương về lợi nhuận so với cùng kỳ còn VCB và VNM đều có mức tăng trưởng âm.

Hậu Covid, lãi sau thuế của 942 doanh nghiệp niêm yết giảm mạnh ảnh 1 VCB lãi quý 1 sau thuế đứng vị trí thứ hai trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán

Tổng lợi nhuận của 10 doanh nghiệp có LNST lớn nhất trong quý I chiếm 37,92% lợi nhuận của 955 doanh nghiệp đã có kết quả kinh doanh. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp lỗ lớn nhất quý I là HVN với giá trị lỗ -2.612 tỷ, tiếp đến là các doanh nghiệp BSR với -2.347 tỷ, FLC với -1.891 tỷ. 

Theo dõi kết quả kinh doanh của 942 doanh nghiệp có đầy đủ lợi nhuận của quý đầu năm 2019 và 2020, công ty chứng khoán BVSC   tính toán được kết quả: tổng lợi nhuận sau thuế của 942 doanh nghiệp này trong quý I/2020 đạt 47.945 tỷ đồng, giảm 28,4% so với mức 66.960 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Những doanh nghiệp có mức tăng trưởng đột biến nhất trong quý I có thể kể đến như ABR (+30.324%), TPP (+5.866%), PGN (+3.926%), OGC (+3.353%)…

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết bị tác động mạnh ngay trong quý đầu tiên của năm 2020. Trong kịch bản dịch bệnh sớm được kiểm soát trong quý II, các hoạt động kinh tế, giao thương hoạt động bình thường trở lại, KQKD của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ hồi phục trở lại trong các quý cuối năm

Chỉ số đo lường sức khỏe kinh tế tụt mạnh

Theo kết quả khảo sát của tổ chức IHS Markit, chỉ số PMI (chỉ số đo lường “sức khoẻ” kinh tế của ngành sản xuất) của Việt Nam giảm mạnh trong tháng 4, xuống mức 32,7 điểm từ mức 41,9 điểm trong tháng 3.

Dịch bệnh COVID-19 đã có tác động tiêu cực lên số lượng đơn hàng mới, khi các đơn hàng bị hủy. Do tính lây nhiễm toàn cầu của dịch COVID-19, mức giảm của số lượng đơn hàng xuất khẩu mới giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm của tổng số lượng đơn đặt hàng mới. Sản lượng sản xuất cũng được ghi nhận giảm với 2/3 số lượng người tham gia khảo sát nói rằng sản lượng giảm trong tháng 4 và lĩnh vực sản xuất hàng hóa trung gian là lĩnh vực có mức giảm lớn nhất.

Theo IHS Markit, việc các đơn hàng mới giảm cũng làm giảm lượng hàng tồn động, đồng thời khiến các nhà sản xuất cắt giảm lao động. Khảo sát cũng cho thấy, mức độ giảm việc làm là mức giảm lớn nhất được ghi nhận và là tháng thứ 2 liên tiếp việc làm giảm. Do cầu giảm, việc mua thêm hàng đầu vào cũng giảm mạnh.

Tồn kho hàng mua giảm mạnh trong khi tồn kho thành phầm tuy cũng giảm nhưng ở mức độ thấp hơn so với mức giảm của tháng 3. Do sự đứt gãy chuỗi cung ứng và khó khăn trong đi lại, việc giao hàng của các nhà cung cấp nguyên vật liệu đầu vào bị kéo dài và ở mức lớn nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 03/2011.

Việc giá dầu giảm mạnh trên thế giới và nhu cầu hàng hóa đầu vào giảm mạnh, giá cả hàng hóa đầu vào giảm trong tháng 4 – đây là mức giảm đầu tiên trong 16 tháng và là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 09/2015. 

Với việc giá cả hàng hóa đầu vào giảm và nhu cầu hàng hóa đầu ra giảm – do số lượng đơn hàng mới giảm, giá cả hàng hóa đầu ra cũng giảm tháng thứ ba liên tiếp với  tốc độ giảm là mạnh và nhanh nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu – tương đương với mức giảm trong tháng 06/2012.

Đáng chú ý, lần đầu tiên kể từ tháng 03/2011, các nhà sản xuất thể hiện thái độ tiêu cực về triển vọng ngành sản xuất trong năm tới – có tới 40% lượng người được khảo sát cho rằng triển vọng ngành sản xuất sẽ tiêu cực.

MỚI - NÓNG