Hát Quốc ca bằng cả trái tim

TP - Ở nơi "địa ngục trần gian", những người lính cộng sản đứng dựa vào nhau, vai kề vai, tay nắm tay, hướng về phía Bắc, nơi có Bác Hồ, có Đảng. Họ cùng nhau cất tiếng hát Quốc ca. Tiếng hát khe khẽ như bật ra từ trái tim…

Tết Độc lập nơi "địa ngục trần gian"

Mỗi năm đến ngày Quốc khánh 2/9, người cựu binh lại lâng lâng cảm xúc khó tả. Ký ức về Tết Độc lập trong chốn “địa ngục trần gian Phú Quốc” hiện về như mới hôm qua. “Bao nhiêu năm trôi qua là bấy nhiêu lần tôi được đón Tết Độc lập, từ khi đất nước còn muôn vàn khó khăn, gian khổ sau thống nhất, đến những Tết Độc lập của thời kỳ đổi mới, nhưng Tết Độc lập ở nhà lao Phú Quốc vẫn đặc biệt nhất”, ông Thắng xúc động.

“Trong chốn lao tù, chúng tôi không cờ hoa, không băng rôn, khẩu hiệu. Tất cả nhắm mắt lại, tưởng tượng phía trước là lá cờ đỏ sao vàng và hát Quốc ca bằng cả trái tim với một niềm tin vào chiến thắng của chính nghĩa, vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ để hòa mình vào ngày lễ lớn của dân tộc. Với tôi, đó luôn là kỉ niệm không thể phai mờ”.

cựu tù

Nguyễn Nhất Thắng rưng rưng

18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Nhất Thắng rời quê Hưng Lợi (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, biên chế vào Tiểu đoàn 15 công binh, Sư đoàn 324A. Năm 1965, đơn vị của ông lên đường đi B, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Hai năm sau, trận đánh phục kích sư đoàn thủy quân lục chiến Mỹ từ Cửa Việt lên Khe Sanh đã không diễn ra như kế hoạch, đơn vị tổn thất nặng nề. Chuẩn úy - Trung đội trưởng Nguyễn Nhất Thắng cùng 11 đồng đội bị thương và bị bắt làm tù binh. “Sau khi sơ cứu, địch đưa tôi và đồng đội về căn cứ, tổ chức cứu chữa nhằm khai thác thông tin. Sau một thời gian tra khảo bằng đủ ngón đòn roi tàn bạo nhất nhưng không thể khai thác được thông tin gì, địch đày chúng tôi ra nhà lao Phú Quốc (Kiên Giang)”, ông Thắng kể.

Năm 1973, sau Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, những người tù binh trong nhà lao Phú Quốc được trao trả. Họ được trở về địa phương công tác ở những lĩnh vực khác nhau nhưng những ký ức về ngày Tết độc lập trong chốn lao tù mãi đọng lại trong tâm trí người lính.

Ở nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, ông và các đồng đội bước vào một cuộc chiến mới, không kém phần khốc liệt và dữ dội. Ở trong tù, dưới sự chỉ huy của tổ chức bí mật, cuộc đấu tranh giữa những người lính cách mạng và bọn cai ngục khét tiếng vẫn diễn ra quyết liệt. Địch dùng mọi đòn tra tấn man rợ nhất nhưng những người lính vẫn kiên định lý tưởng, một lòng tin với Đảng, với cách mạng. Năm 1969, Nguyễn Nhất Thắng được đưa đến phòng giam số 13, khu B5. Đó là một phòng giam rộng khoảng 50 m2 nhưng nhốt hơn 100 tù binh. Ngày 2/9/1969 trở thành ký ức không thể phai mờ trong tâm trí của người tù binh này.

“Chiều hôm đó, chúng tôi được thông báo về lễ kỷ niệm ngày Tết Độc lập sẽ diễn ra vào buổi tối. Anh em ai cũng bồn chồn, háo hức chờ đợi. Khoảng 9h đêm, giờ giới nghiêm, đèn điện tắt hết. Trong bóng tối, một giọng nói vang lên khe khẽ: ‘Xin mời các đồng chí đứng dậy. Đồng chí nào không đứng được thì quàng tay người bên cạnh để đứng, dựa vào nhau mà đứng. Mời tất cả các đồng chí quay mặt về hướng Bắc. Hôm nay là ngày 2/9, ngày Quốc khánh Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, các đồng chí hình dung trước mặt có chiếc bàn, trên bàn có ảnh Bác và cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Chúng ta làm Lễ chào cờ mừng ngày Quốc khánh. Chúng ta sẽ hát Quốc ca, hát khẽ thôi. Bắt đầu!”, cựu tù Nguyễn Nhất Thắng nhớ lại.

Hát Quốc ca bằng cả trái tim ảnh 1

Cựu tù Nguyễn Nhất Thắng trong lễ tưởng niệm những đồng đội đã ngã xuống ở nhà lao Phú Quốc

Buổi lễ chào cờ nhỏ đã được âm thầm tổ chức, những người chiến sĩ cộng sản, đứng dựa vào nhau, vai kề vai, tay nắm tay, hướng về phía Bắc, nơi có Bác Hồ, có Đảng. Trong đầu là hình ảnh lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay. Họ cùng nhau cất tiếng hát Quốc ca. Tiếng hát khe khẽ như bật ra từ trái tim… Buổi lễ kết thúc, đêm đó, không một ai trong phòng giam chợp mắt. Họ ngồi sát bên nhau, kể cho nhau nghe về gia đình, quê hương và chặng đường hành quân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Họ động viên nhau giữ vững tinh thần cách mạng, ý chí chiến đấu trong chốn lao tù và tin tưởng vào ngày mai chiến thắng.

Hát Quốc ca bằng cả trái tim ảnh 2

Ông Thắng đưa ra bức ảnh tại Hội nghị biểu dương các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tiêu biểu toàn quốc năm 2011

Lễ truy điệu Bác Hồ trong nhà tù giặc

Tiếp mạch cảm xúc, người cựu tù chia sẻ về kỷ niệm tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ ngay trong nhà lao Phú Quốc.

“Khoảng đầu tháng 9/1969, thông tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần đã bắt đầu râm ran trong các phòng giam. Lúc này, việc liên lạc thông tin từ trong tù ra ngoài và từ bên ngoài vào trong rất khó khăn. Tổ chức Đảng của nhà tù động viên anh em, có thể đây là một ngón đòn tâm lý của bọn cai ngục, anh em bình tĩnh chờ thông tin chính thức từ tổ chức”, ông Thắng nhớ lại.

Một ngày đầu tháng 10/1969, tổ chức Đảng thông báo, sau giờ giới nghiêm tối nay sẽ có một thông báo đặc biệt. Suốt cả ngày, những người tù binh lòng như lửa đốt. Đợi mãi cũng đến giờ giới nghiêm. Đèn điện tắt, xung quanh là một màu tối đen.

Trong bóng tối, một giọng nói nghẹn ngào vang lên: “Các đồng chí ạ, dù không muốn nhưng chúng tôi phải thông báo cho các đồng chí một thông tin hết sức đau buồn. Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã qua đời. Đây là thông tin chính xác do các đồng chí vừa bị địch bắt chuyển vào...”.

Không gian lặng ngắt như tờ bỗng vang lên những tiếng khóc nghẹn: “Thật rồi! Vậy là Bác đã đi thật rồi”. Mọi người nắm chặt bàn tay nhau kìm nén nỗi đau.

“Ngay bây giờ, chúng ta sẽ làm Lễ truy điệu Bác. Điều kiện của chúng ta ở đây khó có thể làm tươm tất được, chắc Bác cũng hiểu cho chúng ta. Nào, các đồng chí chúng ta đứng dậy, quay mặt về hướng Bắc, tưởng tượng trước mặt chúng ta là bàn thờ và di ảnh Bác. Phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại bắt đầu!”.

Vẫn giọng nói quen thuộc: “Biến đau thương thành hành động, càng thương nhớ Bác, chúng con càng nhớ lời Bác dạy, càng căm thù địch, kiên quyết giữ vững khí tiết của người cách mạng trong lao tù”. Một đêm trắng của những người lính trong chốn lao tù. Những giọt nước mắt, những tiếng nấc nghẹn, những cái siết tay thật chặt, động viên nhau trong cuộc chiến ở nơi cách biệt với đất liền... Trong đêm tối, những dòng thơ bật ra trong đầu người tù Nguyễn Nhất Thắng: “Thật rồi Bác đã đi xa/ Đảo khơi cũng khóc như là mưa tuôn/ Ngoài rào họng súng chập chờn/ Trong rào thổn thức những hồn xa quê/ Chúng con không nghĩ ngày về/ Chỉ mong Bác được yên bề cõi tiên”.