Ngày ấy như con chim mới ra ràng, thấy bầu trời cao rộng thì khát khao khám phá, chỉ cần tung cánh là bay giữa bao la bạt ngàn, có gì mà thầy phải lo. Thầy tôi bảo, con cứ nhớ cho thầy hai điều đơn giản ấy là được, rồi muốn làm gì thì làm. Nhà mình từ ông bà cụ kỵ đến bố con mình bây giờ đều thờ chữ Tâm chữ Phúc, thấy tờ giấy có chữ thánh hiền là cấm được ngồi lên hay bước qua, vào đền chùa hay nhà thờ? đều không được vô tâm chỉ trỏ, ồn ào, chạy nhảy. Còn vật chất thì phải biết coi trọng hạt gạo hạt cơm như hạt ngọc. Giọt mồ hôi người là hạt ngọc cho đời đấy con ạ.
Bây giờ tôi bằng tuổi thầy tôi ngày ấy, chiêm đi nghiệm lại những điều người dặn , cả hai vế ấy tôi đều chưa thỏa. Cõi người ta trăm sự vạn điều, có điều cẩn trọng quá,? run tay quá, thành ra hỏng việc. Lại có điều sao nhãng ngẩn ngơ mà vẫn cứ thành. Người đời hễ việc gì không giải thích được thì quy ngay vào “cái số”. Bộ quần áo, đôi giầy, cái mũ còn có số huống là con người!
Thầy tôi là một ông đồ của cái làng Sưa hẻo lánh. Mãi mãi hẻo lánh cái ông đồ làng Sưa, ngày tết cắp ô ra khỏi làng, lên chợ huyện “cho chữ” thiên hạ. Nói là người “thiên hạ” cho oai chứ thật ra đều là dân quê mùa quanh vùng, cũng lam lũ hẻo lánh và thơm thảo hiền lành như hạt thóc nồi cơm.
Bây giờ cái khung cảnh chợ tết thôn dã với ông đồ trải chiếu hoa dưới gốc bàng đầu chợ “cho chữ” bà con với xếp giấy điều màu hồng, màu đỏ bên cạnh là khay mực tầu đen nhánh do chú nhóc để tóc quả đào là tôi mắm môi mắm lợi mài xong, thoang thoảng mùi hương keo da trâu thum thủm quện với mùi hương trầm cùng mùi khét xịt ra từ những chùm tiếng pháo tép đì đẹt của lũ nhóc đã trở thành ký ức, trở thành hoài niệm. Tuổi thơ tôi gắn liền với đêm ba mươi tết pháo nổ đì đùng, đèn trời bay ngút trời cùng tiếng hò reo và tiếng trống ếch rộn ràng, chập chờn đâu đó có tiếng loa tay di động chúc tết của chú Lịch trưởng thôn.
Lần đầu tiên trong đời, khi tôi còn là chú lính tỉnh đội Gia Lai, có lần đi công tác, tình cờ gặp một tốp dân công người dân tộc Bahnar đi gùi gạo cho bộ đội phía trước. Họ gùi những gùi gạo trắng thơm, nhưng đến chỗ nghỉ họ lại mở những bọc sắn ra ăn, gạo dành cho lũ con bộ đội phía trước. Hạt gạo để dành ưu tiên cho lũ con đánh giặc khoẻ. Bà con mình ăn củ mì (sắn) quen rồi.
Bây giờ thời thế đã đổi thay. Bên ngoài làng Sưa của tôi nhiều cánh đồng bỗng dưng biến thành khu công nghiệp. Người nông dân bỗng chốc biến thành công nhân. Người nhà quê bỗng chốc biến thành dân kẻ chợ, thị thành. Bác Bịt cô Bùng, chú Tro, cô Trấu, bà Đất, anh Ruộng, bà Lúa, bà Khoai, cô Tấm, cô Gạo, tất thảy đều bỗng dưng biến thành con người khác, cũng nhao nhao nhận chỗ đất mặt tiền khi người ta chia lô xí phần quyết liệt .
Câu chuyện trong nhà ngoài ngõ không còn mặn mòi tình làng nghĩa xóm tắt lửa tối đèn mà đâu đâu cũng hấp hoảng lo kiếm tiền. Làng quê trai gái vãn dần vì mách nhau ra thành phố kiếm việc làm. Có người gặp may ăn nên làm ra, đôi ba năm kiếm được một tấm một món đem về mở quán internet, karaoke loa đài xập xình, đèn màu nhấp nháy,? có hút, có chích, ăn cơm gạo Thái, chê gạo làng mình nhạt, chung quanh ngõ xóm cũng đủ thứ trò mua bán nhăng nhít bệnh hoạn hơn cả chốn thị thành. Lại cũng có người thân tàn ma dại, đem cái xác ve về? cũng được gọi là may! “Cái số” nó hẩm hiu chứ đâu phải tại không biết đường tu nhân tích đức, chỉn chu làm ăn, may mà còn dẫn được cái xác về.
Câu chuyện làng quê bây giờ là thế, hạt thóc, hạt gạo là hạt thóc, hạt gạo, thứ hàng hóa rẻ như... thóc gạo,? chứ đâu có còn được trọng vọng là hạt ngọc
cho đời.
Dẫu nước mình là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Dẫu chín mươi phần trăm dân ta nguồn gốc là dân nhà quê, đất nước vẫn được gọi là đất nước nông nghiệp. Hạt gạo bây giờ cũng vẫn chỉ là hạt gạo mà thôi. Hạt gạo là hạt ngọc cho đời có lẽ bây giờ chỉ còn trong ký ức người già, vậy thôi!