Hành trình 'vá' rừng ở Hang Kia - Pà Cò

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hai xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu, Hoà Bình) vốn là “chảo lửa” của nạn buôn bán ma túy của Tây Bắc. Nhưng đó lại là vùng đất mát mẻ, tuyệt đẹp. Đồng bào người Mông nơi đây đã chuyển dần làm sang làm du lịch, kinh doanh homestay. Nay, họ lại quay ra trồng rừng để cải thiện môi trường sống và phát triển du lịch sinh thái…

Trồng rừng trong sương sớm

Sáng sớm ở Mai Châu, trời se lạnh. Cơn mưa rào vừa ngớt. Mùi ngai ngái của đất ẩm vẫn còn vương trong màn sương mờ ảo. Ở thôn Thung Mài thuộc xã Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình), hàng chục người dân tộc Mông đang tập trung tại nhà văn hóa thôn. Ai cũng mang theo cuốc, xẻng và buộc trên lưng một chiếc gùi, bên trong đựng cây giống của nhiều loại cây gỗ lớn như dổi, quế, lát hoa, chò chỉ, gù hương...

Họ đang chờ tham gia vào một sự kiện trồng rừng mang tên “Góp lá vá rừng”, do UBND các xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu, Hoà Bình) phối hợp tổ chức cùng Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hang Kia - Pà Cò và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và một số nhà tài trợ thực hiện.

Hành trình 'vá' rừng ở Hang Kia - Pà Cò ảnh 1

Người dân hai xã Hang Kia, Pà Cò hăng hái tham gia trồng rừng

7 giờ sáng, đoàn người bắt đầu xuyên qua màn sương, đi sâu vào những cánh rừng thuộc Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò. Người đứng từ xa quan sát sẽ thấy họ như đang đi vào trong những tầng mây trắng. Những hạt sương mát lạnh, nhỏ li ti vương trên mái tóc của những thiếu nữ Mông như một loại trang sức tự nhiên.

8 giờ sáng, sương tan dần, nắng ươm vàng rừng núi. Những người Mông bắt đầu hạ gùi, cuốc đất, trồng cây. Khuôn mặt ai cũng ướt đẫm mồ hôi. Thấp thoáng nụ cười ngại ngùng của những thiếu nữ Mông sau vành nón lá. Phía xa, hai cháu bé Mông đang cẩn thận đắp những vốc đất nhỏ vào gốc cây quế vừa trồng. Bàn tay chai sần của một người đàn ông trung niên đang buộc chặt những cành cây. Màu thổ cẩm rực rỡ trên trang phục truyền thống của người Mông hòa với sắc xanh của núi rừng Tây Bắc.

Hành trình 'vá' rừng ở Hang Kia - Pà Cò ảnh 2

Nhiều em nhỏ người dân tộc H’Mông cũng vui vẻ tham gia trồng rừng

“Có mệt không em?”, tôi hỏi Giàng Thị No, một thiếu nữ người Mông ở Hang Kia, vừa tròn 18 tuổi. “Dạ. Trồng cây mệt, nhưng vui. Có nhiều người trồng lại càng vui!”, No hồn nhiên trả lời. No dắt theo một em bé chừng 2 tuổi và địu trên lưng một em bé chừng vài tháng tuổi. Cả hai đều là con của No. Chồng đi làm công nhân tít tận Hải Phòng, một mình No ở nhà vừa làm nương rẫy, vừa chăm nuôi hai con nhỏ. Bây giờ, em kiêm thêm cả việc trồng rừng.

Theo bà Hào Thị Sênh, 45 tuổi, người Mông ở Pà Cò, nhiều năm qua, người dân ở Hang Kia và Pà Cò thường xuyên bị thiếu nước mỗi khi hè về. Nguyên nhân là do không có đủ cây rừng để giữ lại nước ngầm (do nước mưa sau khi thấm xuống đất tạo thành). Rừng thiêng nhưng nước không hề độc, mà là nguồn sống của thiên nhiên và con người nơi đây. Vì vậy, việc trồng rừng cũng chính là mang nước ngọt về cho đồng bào.

11 giờ trưa, mặt trời đang chậm rãi leo qua những đỉnh núi. Trên khoảng rừng trống trải chỉ toàn cỏ, cây bụi và các loài dây leo nhỏ, đã thấy lác đác những mầm xanh của cây quế, dổi, chò chỉ, gù hương… Mai đây, chúng sẽ vươn mình thành những cây gỗ lớn, hồi sinh những khoảng rừng đã chết.

“Góp lá vá rừng” là chương trình hướng tới phục hồi 50 ha rừng trên hành lang kết nối giữa Mai Châu (Hòa Bình) và Vân Hồ (Sơn La) trong năm 2024, trong đó có 25 ha rừng thuộc Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò.

Rừng như máu thịt

Anh Nguyễn Thành Lương, Trưởng Ban quản lý Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò cho biết, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án trồng 1 tỷ cây xanh vào năm 2021, khu bảo tồn bắt đầu phối hợp với các tổ chức bảo vệ môi trường, nhóm thiện nguyện, trường học, doanh nghiệp… để triển khai các chương trình phục hồi rừng.

Theo anh Sùng A Vàng, Phó Trưởng Ban quản lý Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò, việc trồng rừng ở Mai Châu gặp rất nhiều thách thức. Địa hình nơi đây chủ yếu là núi đá vôi hiểm trở, khiến việc đi lại rất khó khăn. Diện tích rừng cần phục hồi manh mún, nhỏ lẻ, nằm rải rác trong khu bảo tồn chứ không tập trung, giống như một chiếc áo bị rách lỗ chỗ. Vậy nên, các anh mới gọi đi trồng cây đợt này là “vá” rừng! Khó khăn nữa là thời tiết vùng núi Tây Bắc lại khá khắc nghiệt, không phù hợp cho nhiều loại cây trồng sinh trưởng.

Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân cũng khó khăn không kém. “Người Mông đã phát rừng làm nương từ hàng trăm năm nay rồi. Phải giúp họ nhìn được lợi ích lâu dài và thiết thân thì họ mới thay đổi. Rừng giúp lưu trữ nguồn nước ngầm, chống hạn hán. Rừng là chốt chặn ngăn các thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất và động đất xảy ra. Nếu biết khai thác đúng cách, người dân có thể phát triển du lịch sinh thái từ rừng, mang lại thu nhập cao hơn nhiều so với làm nương, rẫy”, anh Lương nói.

Vì vậy, các kiểm lâm viên phải bám sát chính quyền địa phương, nhờ những vị cao niên có uy tín trong cộng đồng người Mông như các già làng, trưởng bản… giúp đỡ. Các tổ bảo vệ rừng ở địa phương đều có một người già làng hoặc trưởng bản tham gia. “Một lời họ nói bằng vạn lời mình nói”, anh Vàng chia sẻ.

Hiện nay, nhận thức của đồng bào Mông đã thay đổi rất nhiều. Nhiều gia đình không còn chặt gỗ rừng làm nhà, mà chấp nhận đi hàng chục, hàng trăm cây số về dưới xuôi mua gạch và bê tông để thay thế gỗ. Ở hai xã Hang Kia, Pà Cò hiện đã có hơn chục hộ gia đình kinh doanh homestay. Và ngày càng có nhiều người dân hào hứng tham gia trồng rừng, xung phong nhận quản lý một số diện tích rừng trong khu bảo tồn. Họ bắt đầu coi rừng như một phần máu thịt của mình…

Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò có diện tích 5.258 ha, thuộc địa phận huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, nằm ở độ cao 500 - 1.500m so với mực nước biển. Được thành lập năm 2000, khu bảo tồn hướng đến bảo vệ hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, các loài thực vật hạt trần và các loài động vật quý hiếm có trong vùng.

MỚI - NÓNG