Tháng 10/2020, cậu học trò nhút nhát Cao Gia Bảo khăn gói từ quê ra Hà Nội, nhập học ĐH VinUni. Trước đó, Bảo là học sinh Trường THPT Quốc học Huế. Khi đó, với thành tích học tập xuất sắc, Bảo dễ dàng vào được nhiều trường đại học danh giá trong nước. Em cũng có thể thử sức với các trường đại học quốc tế. Nhưng Bảo lại lựa chọn “không giống ai” khi thử sức với VinUni.
“Ban đầu em chỉ nghĩ thử tìm kiếm học bổng ở VinUni xem sao,không ngờ em đã được nhà trường lựa chọn”, Gia Bảo, cựu sinh viên Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính, chia sẻ về cơ duyên em đến với VinUni.
Tâm lý thử xem sao, hay bị hấp dẫn bởi học bổng “khủng” không chỉ có ở Bảo mà còn ở nhiều sinh viên khóa đầu tiên của VinUni. Các em đều có xuất phát điểm vượt trội với thành tích xuất sắc ở bậc phổ thông. Không ít em có định hướng du học nước ngoài, cho đến khi biết về VinUni.
Dương Bảo Tiên là một ví dụ khác. Nữ sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên nổi tiếng toàn tỉnh khi tự ôn bài thi chuẩn hoá SAT và IELTS, tự mò mẫm nộp hồ sơ và trúng tuyển đến 15 trường đại học của Mỹ. Trong đó có những trường thuộc top 50 thế giới với các suất học bổng lên tới hàng trăm nghìn USD. Khi đã sẵn sàng lên đường du học, ở “phút 89”, Bảo Tiên bất ngờ chọn VinUni.
“Em đã quyết định đặt cược vào đây với hi vọng sẽ nhận được ảnh hưởng tốt từ những người giỏi. Bên cạnh đó, VinUni xác định xây dựng đại học tinh hoa và có nguồn lực rất lớn từ Vingroup, lại hợp tác với ĐH Cornell và Pennsylvania – 2 đại học Ivy của Mỹ nên về mặt chất lượng, rất đáng để thử. Nếu không hợp, sau 1 năm, em vẫn có thể đi du học”, Bảo Tiên, tân khoa Viện Kinh doanh và Quản trị, cho hay.
Tâm lý không chắc chắn này ở Bảo Tiên là điều dễ hiểu. Bởi lúc đó VinUni là một trường đại học 0 tuổi. Thành tích đào tạo chưa có gì để kiểm chứng.
“Lúc đó em nhận được học bổng của 4 đại học bên Mỹ. Nhưng em nói chuyện với bố, cả hai bố con đều nhận định rất lâu nữa Việt Nam mới có một dự án đại học tầm vóc như thế này. Bố em mong em phải là người Việt trước khi bước ra thế giới. Con gái của bố phải biết mặc áo dài, ăn nước mắm, ngắm hoa sen. Và đây là cơ hội để em được trở thành một trong những viên gạch đầu tiên đặt nền móng xây dựng một trường đại học tinh hoa”, Giáp Vũ Nam Dương, cựu sinh viên Viện Kinh doanh Quản trị, nhớ về lý do chọn VinUni, một ngôi trường Việt Nam, 4 năm trước.
“Em sinh ra và lớn lên ở Hưng Yên, nhà em làm nông và em cũng làm nông cùng gia đình. Với em, tương lai có một công việc tại khu công nghiệp gần nhà dường như đã được định sẵn. Hồ sơ đầu tiên của em đã bị trường từ chối. Nhưng em quyết tâm nộp lại, bởi việc có một cơ hội học tập ở VinUni là ước mơ lớn nhất của em, là cơ hội thay đổi cuộc đời tưởng chừng đã được sắp đặt sẵn cho em”. Nguyễn Vân Anh, cựu sinh viên Viện Kinh Doanh Quản trị chia sẻ đầy cảm xúc.
“Em đến từ Bảo Lộc. Ở cao nguyên nơi em sống, không có trung tâm luyện thi tiếng Anh, kỳ thi SAT hoàn toàn chưa phổ biến, cũng rất khó khăn để có CLB ngoại khóa. Hồ sơ của em chỉ được xếp vào danh sách “chờ”. Ngày ấy, em đã viết một tâm thư nói về sự nỗ lực, khó khăn của học trò tỉnh lẻ. Em cần VinUni trao cơ hội, để chứng tỏ rằng học sinh từ tỉnh lẻ thực sự có năng lực, quyết tâm và có thể thành công không thua gì so các bạn từ các thành phố lớn”. Trần Phước Lâm Duy, cựu sinh viên VinUni khẳng định.
Học ở VinUni với chương trình chuẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế, Gia Bảo cho hay những kiến thức chuyên môn được VinUni trang bị cho sinh viên rất bài bản. Nhưng các thầy cô luôn yêu cầu sinh viên phải tự học. Môi trường nơi đây thúc đẩy sinh viên phải tự trải nghiệm, qua đó tự rèn giũa kỹ năng.
“Định hướng đào tạo của trường là đào tạo thực chiến, tạo cơ hội cho sinh viên làm nhiều, thất bại nhiều, thất bại nhanh nhưng lớn lên cũng rất nhanh”, Bảo nói.
Vậy là ngay từ năm thứ 2, Bảo đã được tham gia một dự án khởi nghiệp, năm thứ 3 được thực tập tại một công ty phần mềm và năm thứ 4, tiếp tục được giao quản lý dự án nâng cấp website của trường. Học tập song song với va chạm thực tế, mang lại nhiều kiến thức, kỹ năng, song cũng khiến em đôi lúc bị áp lực, quá tải.
“Nhưng đây cũng là giai đoạn cho em thấy VinUni là môi trường luôn đầy ắp yêu thương khi mọi người đều sẵn sàng đứng ra hỗ trợ. Website mà nhóm em cùng xây dựng chính là website mà VinUni đang sử dụng. Em hiểu không phải nơi nào cũng kiên nhẫn cho em thất bại, và tiếp tục cho em cơ hội để thành công.”, Bảo xúc động nói.
Nhìn lại 4 năm gắn bó với VinUni, Ngọc Trân, cựu sinh viên Viện Khoa học Sức khỏe, cũng không giấu được sự xúc động khi chia sẻ bản thân cảm thấy may mắn vì đã đưa ra lựa chọn đúng. Khi học ngành Điều dưỡng, Trân không chỉ được VinUni trang bị những kiến thức chuyên ngành, em còn được học về nghiên cứu và phát triển tư duy, năng lực lãnh đạo.
“Năm đầu tiên chúng em được học rất rộng, học Triết, học Luật, học Kinh tế chính trị toàn cầu…Em đã phải nghiên cứu rất nhiều, nhìn nhận vấn đề tổng thể, trong bối cảnh toàn cầu. Các kỹ năng này tưởng như không liên quan, nhưng khi xuống bệnh viện, em đã có cách tiếp cận lâm sàng một cách thực chứng và có sự thấu cảm rất lớn với bệnh nhân…”, Trân kể.
Ngày tốt nghiệp, Trân sở hữu bảng thành tích đáng tự hào khi đã giúp nhóm nghiên cứu sức khỏe phụ nữ của Viện giành 6 khoản tài trợ, riêng em có một khoản để tự thực hiện nghiên cứu của bản thân, viết 15 bài báo nghiên cứu khoa học (2 bài em là tác giả đầu tiên), tham gia báo cáo tại 5 hội nghị trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Trân được tài trợ tham gia chương trình trao đổi tại Trung tâm Nghiên cứu Chương trình AIDS ở Nam Phi (CAPRISA).
“Nếu không học ở VinUni, em sẽ không có nhiều cơ hội được thầy cô kèm cặp sát sao về mặt nghiên cứu như vậy. Em luôn thấy may mắn vì có thầy cô nâng đỡ, tin tưởng, và chắp cánh cho em”, Trân chia sẻ.
Còn với Giáp Vũ Nam Dương, môi trường ở VinUni đã cho em cơ hội thỏa sức vẫy vùng như “cá gặp nước”. Trong vai trò phụ trách tiếp thị hội nghị Blockchain Cornell 2023, Dương có cơ hội hiếm có được tham gia sự kiện rung chuông ở sàn chứng khoán NASDAQ tại Times Square (Mỹ). Ngoài ra, Dương cũng là người tiên phong trong nhiều hoạt động của sinh viên VinUni, như làm Tổng biên tập Tạp chí VinMagazine (một tạp chí của sinh viên ĐH VinUni), phụ trách biên tập cuốn "Từ điển 202X" (một dự án sách giải thích đơn giản về những phát minh và công nghệ then chốt đương đại)…
“Mình có thể làm tốt hơn, đó là cách suy nghĩ mà bố mẹ đã dạy cho em từ nhỏ. Vào VinUni, các thầy cô lại tiếp tục chắp thêm cho em đôi cánh can đảm. Tại VinUni, chúng em sống với tinh thần không gì là không thể. Em chưa từng một phút hối tiếc vì đã chọn VinUni để dành 4 năm tuổi trẻ của mình”, Dương xúc động nói trong ngày tốt nghiệp.
Chứng kiến thời khắc “cất cánh bay cao” của lứa sinh viên đầu tiên, người có nhiều suy nghĩ nhất có lẽ là TS. Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH VinUni, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Dù biết trước sẽ phải có ngày hôm nay nhưng chặng đường mà bà cùng VinUni đã trải qua không hề dễ dàng.
Những ngày cuối năm 2016, đoàn công tác của dự án trường ĐH VinUni nhẫn nại đi "gõ cửa" từng trường đại học thuộc khối Ivy League - nhóm 8 trường đại học tư thục xuất sắc, danh giá và lâu đời nhất nước Mỹ. TS. Lê Mai Lan cho biết, bà đã nhận thấy sự nghi ngờ và nhận nhiều lời từ chối, lời khuyên nên đổi hướng.
Bằng sự kiên trì và khát vọng mãnh liệt, VinUni đã nhận được cái gật đầu từ Cornell và Pennsylvania - thuộc top 20 thế giới. Từ khi bắt đầu có ý tưởng, VinUni đã mất hai năm để có thể đặt bút ký với Cornell và Pennsylavania (năm 2018) trong vai trò đối tác chiến lược, giúp VinUni xây dựng một trường đại học xuất sắc tại Việt Nam theo chuẩn quốc tế.
Ngay sau đó, trên cánh đồng làng Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội), một trường đại học chuẩn quốc tế đã nhanh chóng được xây dựng chỉ trong hơn một năm. Cũng từ đây, một hành trình mới của VinUni chính thức bắt đầu. Với khát vọng lớn lao trở thành một trong 50 trường đại học trẻ hàng đầu thế giới, VinUni cùng đội ngũ giảng viên, cán bộ và cả sinh viên đã nỗ lực làm việc, học tập không ngừng nghỉ.
Đã từng giảng dạy tại các trường đại học lớn trên thế giới như Harvard, Columbia, California, nhưng khi tới Việt Nam đảm nhận vai trò Hiệu trưởng của VinUni, GS Bangsberg vẫn vô cùng ấn tượng và khâm phục sự tận hiến của các đồng nghiệp.
“Tất cả đều mới mẻ và chưa có tiền lệ. Vì thế cường độ cũng như năng suất làm việc ở đây gấp 3-4 lần, nỗ lực thậm chí gấp nhiều lần so với cả những đội ngũ giảng viên ở trường khác, kể cả Harvard. Bản thân chúng tôi đều mang khát vọng lớn, chúng tôi đặt ra tiêu chuẩn và kỳ vọng cao. Chúng tôi vận hành như một công ty khởi nghiệp để có thể triển khai mọi thứ thật nhanh và hiệu quả”, GS. Bangsberg chia sẻ.
Chính nhờ tinh thần khởi nghiệp đó mà VinUni đã đạt được những thành công với tốc độ và đẳng cấp. Chỉ trong 2 năm rưỡi, VinUni đạt chứng nhận QS 4 sao, và hết năm nay dự kiến trường sẽ đạt QS 5 sao trẻ nhất toàn cầu.
Trước đó, tháng 7/2023, VinUni đã chính thức được ACGME - I (Chương trình Giáo dục Y khoa Sau đại học Hoa Kỳ) chứng nhận là cơ sở đào tạo đạt chất lượng kiểm định quốc tế. Tại Đông Nam Á, VinUni là cơ sở đào tạo y khoa đầu tiên của Việt Nam và thứ 2 sau Đại học Quốc gia Singapore đạt chứng nhận này.
VinUni đã bước đầu đào tạo ra những cử nhân có năng lực và phẩm chất vượt trội. Trong số 145 sinh viên ra trường khóa đầu tiên, 25% tân khoa đã được top trường danh tiếng nhất thế giới như Harvard, Cornell, Pennsylvania nhận đào tạo sau đại học, 32% tân khoa được các Tập đoàn toàn cầu hàng đầu như McKinsey, Boston Consulting Group, National Australia Bank, Google, Bosch, IBM… chào đón ngay khi chưa tốt nghiệp.
Hành trình “chẳng giống ai” của VinUni đã khép lại ở chặng đầu tiên với những “trái ngọt” đầy tự hào. VinUni phải tiếp tục mở rộng, tiến lên, chinh phục các thành công mới trong lĩnh vực nghiên cứu, tạo ra các tác động, các thay đổi tích cực trong xã hội và xây dựng các giá trị bền vững. Những chặng đường tiếp theo của VinUni, theo TS. Lê Mai Lan là “vẫn còn phải cố gắng rất nhiều”.
Nhưng những gì đạt được hôm nay đã khẳng định, VinUni đang đi đúng hướng trên con đường trở thành trường Đại học tinh hoa, đẳng cấp quốc tế của Việt Nam.