Không những là thách thức đối với nền quốc phòng Mỹ, tên lửa siêu thanh của Trung Quốc có thể bắn trúng các mục tiêu quân sự tại Nhật Bản, Ấn Độ với độ chính xác cực cao.
Những đánh giá này đã được tạp chí The Diplomat có trụ sở tại Tokyo đưa ra. Tờ tạp chí này cho biết, các cuộc thử tên lửa của Trung Quốc đã được tiến hành hồi năm ngoái với thế hệ máy bay không người lái mang tên lửa siêu thanh, hay còn gọi là HGV.
So với các hệ thống đạn đạo thông thường, đầu đạn hạt nhân của HGV có thể di chuyển ở tốc độ cực cao và quỹ đạo bay là "không thể theo dõi được". Cách tiếp cận này khiến cho các hệ thống phòng thủ không có thời gian để đánh chặn.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên vào ngày 1/11/2017 và lần thứ hai diễn ra hai tuần sau đó. Theo các nguồn tin tình báo Mỹ, cả hai cuộc thử nghiệm trên đều thành công và tên lửa này có thể được vận hành vào khoảng năm 2020.
Ông Tống Trung Bình, nhà bình luận quân sự Đài truyền hình Phượng Hoàng tại Hong Kong cho biết, hệ thống HGV có thể được sử dụng với nhiều loại tên lửa đạn đạo khác nhau, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa với tầm bắn ít nhất là 5.500km. Ngoài ra, nhiều đầu đạn hạt nhân của HGV có thể được sử dụng với DF-41, có tầm bắn ít nhất 12.000km -14 .000 km và có thể bắn trúng bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ trong vòng chưa đầy một giờ.
Theo ông Antony Wong Dong, quan sát viên quân sự có trụ sở tại Macau, HGV cũng có thể được sử dụng để tiêu diệt hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ THAAD. Mỹ đã lắp đặt THAAD ở Seoul, Hàn Quốc hồi năm ngoái để ngăn chặn nguy cơ bị tấn công từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng Trung Quốc lại coi THAAD là mối đe dọa đối với hệ thống quốc phòng của họ.
Ông Anthony cho biết thêm: "HGV của Trung Quốc có thể phá huỷ hệ thống rada THAAD nếu hai nước nổ ra chiến tranh. Một khi các radar của THAAD không hoạt động được ở giai đoạn đầu tiên, nó có thể làm giảm cửa sổ báo động và Mỹ mà không có đủ thời gian để đánh chặn".
Nhà phân tích quân sự Chu Chấn Minh tại Bắc Kinh cho biết, công nghệ HGV đã trở thành một phần của chiến lược hạt nhân giữa 3 cường quốc hạt nhân trên thế giới là Trung Quốc, Mỹ và Nga. So với tên lửa đạn đạo thông thường, HGV phức tạp hơn và khó đánh chặn.
Các chuyên gia quân sự nhận định, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ nên thận trọng và lo lắng trước sự phát triển HGV của Trung Quốc vì nó có thể đạt tới mục tiêu nhanh hơn và chính xác hơn.
Hiện nay, Mỹ và Nga cũng đang phát triển công nghệ tên lửa trượt siêu thanh, nhưng Mỹ đã bị chậm chân hơn Nga và Mỹ vì họ tập trung vào các loạt máy bay siêu thanh tiên tiến khác và trì hoãn việc phát triển HGV trong nhiều năm.