Hạnh phúc trào dâng sau gần 40 năm đón Tết tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đi du học Hungary từ năm 1986, rồi ở lại làm việc và định cư tại Hungary và Hà Lan, năm nay lần đầu tiên anh Lâm Việt Tùng trở về Việt Nam tham dự chương trình Xuân Quê hương 2023 và ăn Tết tại quê nhà. Anh chia sẻ: “Tôi rất vui được gặp lại gia đình và bạn bè sau đại dịch, cảm thấy mình thực sự may mắn”.
Hạnh phúc trào dâng sau gần 40 năm đón Tết tại Việt Nam ảnh 1
Chuyên gia Lâm Việt Tùng tham dự chương trình Xuân Quê hương 2023

Trong không khí Xuân, Tết nhộn nhịp, vui tươi ở Việt Nam, anh Tùng thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Anh chạnh lòng nhớ lại những cái Tết nơi "đất khách quê người", ngày mùng Một Tết chỉ có một chiếc bánh chưng, một chiếc bánh tét và một cành đào thắp hương dâng ông bà tổ tiên từ nơi xứ người.

Anh Lâm Việt Tùng học đại học tại Budapest (Hungary), tốt nghiệp năm 1986 và ở lại làm cộng tác viên khoa học tại Đại học Budapest (nghiên cứu về công nghệ thông tin, viễn thông). Anh đã kết hôn với một cô gái Hungary và có 3 con (1 con trai và 2 con gái). Anh và gia đình chuyển sang làm việc và sinh sống tại Hà Lan từ 1995 đến nay.

Tại Hà Lan, anh Tùng thành lập công ty riêng về công nghệ thông tin và làm tư vấn tin học cho nhiều công ty lớn khác của thế giới có chi nhánh tại Hà Lan như: Liberty Global, Siemens, Compaq, AT&I....

Hạnh phúc trào dâng sau gần 40 năm đón Tết tại Việt Nam ảnh 2

Anh Lâm Việt Tùng (bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn kiều bào tiêu biểu tại Phủ Chủ tịch.

Anh Tùng đã từng là chuyên gia tư vấn, kiến trúc sư trưởng công nghệ thông tin của Tổng công ty Mobifone tại Hà Nội và hiện vẫn là cố vấn (từ xa). Anh luôn có những quan điểm đánh giá khách quan và tích cực về những vấn đề xã hội quan tâm tại Việt Nam (vấn đề giáo dục, môi trường, công nghệ...).

Là "dân" công nghệ, nhưng anh lại rất thích làm thơ. Hầu hết các bài thơ anh viết đều liên quan đến Việt Nam, là những nỗi nhớ quê hương, những kỷ niệm của người Việt nơi xa. Mỗi dịp Tết đến Xuân về thì nỗi niềm nhớ "nhà" của người Việt xa quê lại càng khắc khoải hơn bao giờ hết. Anh đã viết bài thơ "Hẹn đến năm sau" trong tâm trạng đó.

“Đây là lần đầu tiên tôi được ăn tết tại Việt Nam sau 40 năm xa quê. Được sống lại trong không khí ngày Tết, tôi càng vui hơn khi thấy đất nước mình, đặc biệt là TPHCM quay lại bình thường với mức tăng trưởng tốt sau COVID-19”, anh Tùng chia sẻ.

Mong muốn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam

Hạnh phúc trào dâng sau gần 40 năm đón Tết tại Việt Nam ảnh 3

Anh Lâm Việt Tùng (thứ hai từ trái sang) nhận quà tặng của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong sự phát triển của quê hương, với lĩnh vực chuyên môn của mình, anh luôn quan tâm và muốn đóng góp cho việc chuyển đổi số. Từ năm 2017 khi còn là kiến trúc sư trưởng công nghệ thông tin của Tổng công ty Mobifone tại Hà Nội, anh đã đề nghị Chính phủ cần quản lý tập trung các ứng dụng và cơ sở dữ liệu, tránh tình trạng phân tán ở mỗi bộ, ngành. Việc này nhằm dễ quản lý thông tin dữ liệu, bớt tốn ngân sách Nhà nước và bảo quản, bảo mật an toàn thông tin tốt hơn. "Song song đó, cần xây dựng một trung tâm dự phòng để tránh những rủi ro về an toàn thông tin. Chuyển đổi số cần bàn tay của kiến trúc sư trưởng”, anh Tùng nhấn mạnh.

Theo anh Tùng, Việt Nam cần tiến tới dịch vụ công không cửa (làm trực tuyến), giảm số dịch vụ công ở mức tối thiểu. Muốn vậy, cần làm tốt công tác xác thực, định danh công dân; lập bản đồ số và tất nhiên là cần một kiến trúc sư trưởng để thiết kế kiến trúc tổng thể cho việc phát triển hệ thống công nghệ thông tin.

Anh Tùng cũng đề cập đến nền kinh tế số và nhấn mạnh tầm quan trọng của một chiến lược phát triển phần mềm. Ở đó, Việt Nam cần giảm nhập khẩu sản phẩm phần mềm viễn thông, khơi thông những rào cản để doanh nghiệp trong nước phát triển.

"Theo kinh nghiệm của bản thân, làm chiến lược cho Tổng Công ty Viễn thông Liberty Global ở châu Âu trong thời gian dài, thì chúng ta cần xác định và phân tích được các điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và thời cơ của đất nước. Cần có thời gian và những nghiên cứu nghiêm túc, đánh giá khách quan mới có thể đưa ra những đề nghị chính xác, trong đó chỉ ra những thế mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục, những thách thức cần giải quyết như biến đổi khí hậu, tham nhũng… và nắm bắt thời cơ để phát triển đất nước", anh Tùng chia sẻ, đồng thời cho biết thêm: "Tôi làm việc thường xuyên ở 12 nước châu Âu trong hơn 14 năm nên cũng nhìn thấy nhiều điều và những khi có thời gian tôi hay tranh thủ vào các viện bảo tàng để tìm hiểu xem họ đã phát triển ra sao. Một câu chuyện theo tôi mãi từ khi đến thăm các cung điện ở thành phố Potsdam ở Đức, cách Berlin 30km do Frederick cho xây dựng (1740 - 1786, vua nước Phổ). Khi xây cung điện Frederick phát hiện tất cả lụa thảm đều phải nhập khẩu từ Pháp và Ý. Ông rất buồn về sự lạc hậu của nền công nghiệp Đức và cảm thấy cần phải dồn tất cả sức lực và tiền bạc đặt nền móng xây dựng nền công nghiệp Đức từ con số 0 trở thành đỉnh cao của châu Âu như hiện nay.

Câu chuyện cho thấy Frederick rất có tâm, có tầm mặc dù trong chế độ phong kiến và thông tin hạn chế nhưng ông ta vẫn thành công. Tôi nghiên cứu, tập hợp các điểm nói trên và suy nghĩ Việt Nam nên tập trung phát triển gì. Theo đó, chúng ta cần xác định Việt Nam đang ở đâu và sẽ đi về đâu trong thời gian tới phát huy giá trị cốt lõi của dân tộc mình".

Chuyên gia Lâm Việt Tùng cũng nhận thấy rằng, nếu mỗi bộ giữ dữ liệu riêng như hiện tại thì câu chuyện chính phủ số sẽ mãi mãi là giấc mơ. Rồi kiến trúc tổng thể vẫn cần xem lại vì phát triển phân tán rất tốn kém, không an toàn thông tin (ATTT), mỗi đơn vị hiểu theo ý riêng của mình, tích hợp chậm và mất văn bản tài liệu…. Hiện tại, các cơ quan vẫn lưu tất cả các văn bản và tài liệu, vừa trên máy tính và trên giấy, rất lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường, cần thay đổi thành văn phòng không giấy với chữ ký điện tử - đó là việc chuyển đổi ý nghĩa, có thể làm được ngay trong thời gian ngắn và tiết kiệm nhiều tỷ đồng.

MỚI - NÓNG