Hàng xách tay thật giả lẫn lộn

Tình trạng hàng giả trà trộn trong các shop bán đồ xách tay không còn là chuyện hiếm và cơ quan quản lý cũng khó lòng kiểm soát.

Phố Nguyễn Sơn (Gia Lâm, Hà Nội) là nơi đặt trụ sở hãng hàng không và các đoàn bay. Đây cũng từng được coi là thiên đường hàng xách tay, với đủ loại hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, EU mang về qua đường hàng không. Nhưng với việc cửa hàng đồ bay thi nhau mọc lên, hàng hóa bán khắp phố, khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi đặt câu hỏi về chất lượng cũng như nguồn gốc. Trong khi đó, bản thân các chủ shop đều than nguồn cung từ tiếp viên, phi công... rất phập phù, hạn chế.

Hàng xách tay thật giả lẫn lộn ảnh 1

Thật giả lẫn lộn trên thị trường hàng xách tay. Ảnh: P.V

Tại cửa hàng bán đồ trẻ em tại quận Cầu Giấy, có khoảng chục loại sữa và rất nhiều vitamin, thực phẩm chức năng cũng được giới thiệu là hàng xách tay từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Quản lý tại đây cho biết, cửa hàng nhập cả nguồn hàng của tiếp viên và hàng dạng ship (loại được gửi qua đường chuyển phát nhanh quốc tế, thường do dân kinh doanh có mối ở nước ngoài gom hàng rồi gửi về).

"Thời gian đầu, quy mô kinh doanh của chúng tôi còn nhỏ, chủ yếu nhập hàng của tiếp viên. Tuy nhiên, gần đây, hệ thống mở thêm mấy chi nhánh, nhu cầu hàng nhiều hơn nên chúng tôi không thể chỉ trông chờ vào nguồn hàng này được vì số lượng thất thường", chị này cho hay.

Cùng nhãn mác, một số loại sữa xách tay từ Nhật, Hàn Quốc như Meiji, XO, Morigana... có giá cao hơn so với hàng nhập chính ngạch. Ví dụ, sữa Meiji hàng nhập khẩu chỉ 350.000-480.000 đồng một hộp 850g (tùy lứa tuổi) thì loại xách tay dao động trong khoảng 600.000-660.000 đồng. "Sữa xách tay được sản xuất theo tiêu chuẩn dành cho trẻ em nước ngoài nên tốt và đắt hơn", quản lý một cửa hàng lớn tại quận Hoàn Kiếm lý giải.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VnExpress, không ít loại sữa được bán theo dạng xách tay từ Singapore, Đức, Pháp với giá rẻ hơn hoặc tương đương với nước ngoài. Ví dụ, tại nhiều cửa hàng trên phố Nguyễn Sơn, Thái Thịnh, Cầu Giấy, một hộp sữa Đức mang nhãn Aptamil đang được bán với giá hơn 500.000 đồng. Đây cũng là mức mà người tiêu dùng có thể mua tận gốc tại Đức. "Phí gửi sữa về đến Việt Nam chắc chắn không dưới 150.000 đồng một kg", chị Thủy - một người Việt đã sống 7 năm nay tại Đức cho biết.

Để xác định hàng thật - giả, người mua hàng xách tay, đặc biệt là sữa, thực phẩm thường truyền tai nhau cách phân biệt nguồn gốc thông qua mã code, hạn sử dụng... Tuy nhiên, theo chị Hằng - người chuyên kinh doanh đồ trẻ em xách tay thì những thông tin này ở một số mặt hàng không khó để tẩy xóa, phù phép lại. Ngoài ra, nhiều mặt hàng như thực phẩm chức năng, vitamin... do được xách tay, nên không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Do đó, ngay về cách sử dụng, bảo quản, người tiêu dùng đa số làm theo hướng dẫn của người bán hoặc tham khảo trên mạng.

Thời trang, túi xách, nước hoa cũng là những mặt hàng xách tay được nhiều người tìm mua. Tuy nhiên, chị Tuyết - một người chuyên kinh doanh thời trang hàng hiệu cho biết, trừ các loại túi còn dễ phân biệt hàng thật-giả, các loại quần áo, nước hoa rất khó xác định hàng nhái trà trộn.

Chị Nga (Ngã Tư Sở, Thanh Xuân) có lần đã mua phải lọ nước hoa nhái nhưng được bán bằng giá hàng chính hãng. "Nhìn vẻ bề ngoài khó mà phân biệt được. Mình chủ yếu dựa vào tư vấn của người bán để quyết định mua. Chỉ khi về dùng mới ngã ngửa, nước hoa nhanh bay mùi, dùng một thời gian chuyển sang màu đục", khách hàng này cho hay.

Vì thế, với mỗi lô sản phẩm, chị Tuyết đều nhờ đầu mối giữ lại hóa đơn giao dịch tại nước ngoài để khách xem và phần nào cảm thấy tin tưởng hơn. Theo chị, với một số nước mà Vietnam Airlines có đường bay thẳng thì còn có hàng xách tay của tiếp viên, phi công. Còn những nơi không có thì chỉ có hàng ship.

"Vận chuyển theo cách này cũng phải mất ít nhất là nửa tháng, lâu thì phải tới hơn một tháng mới có hàng. Vậy mà không hiểu sao nhiều shop quảng cáo hàng về liên tục, cũng chẳng có hóa đơn khi mua hoặc vận chuyển hàng để khách có thể kiểm chứng", chị Tuyết cho hay.

Ngoài những cửa hàng bán đồ xách tay mọc lên nhan nhản khắp các phố thì nhiều shop online cũng đua nhau xuất hiện trên các diễn đàn, website rao vặt, mạng xã hội... Trong đó, phổ biến hơn cả là mặt hàng quần áo, giày, nước hoa, đồng hồ... có giá từ 300.000 đồng đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, giá bán giữa các shop cũng rất khác nhau, chênh lệch từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.

Trả lời câu hỏi của VnExpress tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 1/4 về việc quản lý chất lượng, nguồn gốc các mặt hàng xách tay đang trôi nổi trên thị trường, Thứ trưởng Công Thương - Đỗ Thắng Hải cho biết đúng là có tình trạng trà trộn nêu trên.

Đại diện cơ quan quản lý cho biết Chính phủ ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc quản lý nguồn gốc, hạn chế hàng giả, hàng nhái... nên đã cho thành lập ban chỉ đạo phòng chống, do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải hy vọng ban chỉ đạo này sẽ có những biện pháp triệt để để hạn chế tình trạng trên, trong đó có việc chặn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc từ cửa khẩu, biên giới...

Tuy vậy, đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, việc này trước hết phụ thuộc vào ý thức của người dân: "Nếu người tiêu dùng biết đó là hàng lậu, hàng giả mà vẫn mua thì không cách nào ngăn chặn được", ông nói.

Theo Ngọc Minh

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG