Theo các hộ dân, thửa đất người dân đang sử dụng gồm các thửa đất số 04, 07, 08, 09 của tờ bản đồ số 02, lập năm 1986 (bản đồ 229). Nguồn gốc là đất ở do tổ tiên cha ông để lại, sử dụng ổn định không có tranh chấp, đã xây nhà ở và đóng nộp thuế nghĩa vụ nhà nước đầy đủ. Đồng thời khẳng định đất thuộc loại có giấy tờ theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 100 Luật Đất đai năm 2013.
Một khu đất dịch vụ tại xã Di Trạch, huyện Hoài Đức |
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lý Tiến Quy, Chủ tịch UBND xã Di Trạch cho biết, hiện chỉ còn 5 hộ dân có ý kiến về vấn đề thu hồi đất nông nghiệp khu Ao Đấu. Việc 5 hộ dân chưa bàn giao đất, ảnh hưởng đến việc giao đất dịch vụ cho 1.220 hộ trên địa bàn xã (đã 16 năm từ khi thu hồi đất). Ngoài ra còn làm trì trệ chậm phát triển kinh tế, khó khăn trong việc hoàn thành các tiêu chí để xây dựng xã thành phường.
Về nguồn gốc đất 5 hộ khu Ao Đấu, từ bản đồ năm 1939 đến 1982 đều thể hiện là ao. Tại bản đồ quy hoạch sử dụng đất của xã do UBND huyện phê duyệt năm 2003, xác định khu vực Ao Đấu là khu vực quy hoạch trồng cây lâu năm. Cho đến trước thời điểm quy hoạch dự án đất dịch vụ giao cho nhân dân theo Nghị định 17, chưa có văn bản, quyết định nào xác định chuyển đổi khu đất này sang đất phi nông nghiệp.
Cũng theo ông Quy, các thửa đất có nguồn gốc cha ông các hộ đã sử dụng. Tuy nhiên sau đó đã được đưa vào HTX để sử dụng nuôi trồng thủy sản. Do HTX làm ăn không hiệu quả nên các hộ tự ra HTX để sử dụng lại, chủ yếu vào mục đích nông nghiệp, chỉ có 3 nhà tạm được dựng lên trên diện tích khoảng 200m2.
Theo lãnh đạo xã, đối với đất dịch vụ, UBND xã thực hiện việc tổ chức xét, bắt thăm số thứ tự giao đất, thu tiền xây dựng hạ tầng, triển khai xây dựng hạ tầng cơ sở, đại đa số cán bộ, nhân dân đều nhất trí cao. Tuy nhiên, đến nay mới giao đất được cho 219/1237 hộ.
Hơn 3 năm Thanh tra chưa ban hành kết luận
Ngày 16/10/2018, Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định số 916/QĐ-TTCP về việc thanh tra trên địa bàn huyện Hoài Đức với 7 nội dung. Trong đó có nội dung liên quan đến việc thu hồi đất của một số hộ dân khu vực Ao Đấu, thôn Dậu I, xã Di Trạch để thực hiện dự án đất dịch vụ giao cho các hộ dân bị thu hồi. Quá trình thanh tra, huyện Hoài Đức và xã Di Trạch đã phối hợp cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ hoạt động thanh tra. Tuy nhiên cho đến nay đã trên 3 năm vẫn chưa có kết luận, ảnh hưởng lớn đến việc giao đất dịch vụ đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.
Theo UBND huyện Hoài Đức, trước khi cưỡng chế thu hồi đất của 5 hộ nêu trên, huyện và thành phố UBND huyện Hoài Đức, UBND thành phố Hà Nội đã xem xét giải quyết đơn thư khiếu nại của các hộ và đều khẳng định việc thu hồi đất của các hộ là đúng quy định của pháp luật. Việc chậm ban hành Kết luận Thanh tra đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Do đó, UBND huyện đề nghị Thanh tra Chính phủ sớm ban hành Kết luận Thanh tra để đảm bảo quyền lợi cho người dân.