Hàng trăm bao xác gia cầm trôi sông

Lực lượng chức năng vớt các bao xác gia cầm chết trên sông Krông Ana
Lực lượng chức năng vớt các bao xác gia cầm chết trên sông Krông Ana
TP - Dịch cúm đang lan rộng, xác gia cầm chết trôi lềnh bềnh trên nhiều đoạn sông, suối ở huyện Krông Ana (Đắk Lắk). Chỉ cần đi dọc đoạn sông Krông Ana thuộc địa phận xã Bình Hòa và xã Quảng Điền, đã thấy hàng trăm bao tải đựng xác gia cầm chết đang trong giai đoạn phân hủy.

Dòng nước hôi thối

Từ phản ánh của người dân, chúng tôi về thôn 4, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tận mắt thấy người dân bên sông Krông Ana ngày đêm phải hứng chịu sự ô nhiễm trầm trọng từ hàng trăm bao đựng xác gia cầm chết đang phân hủy trên sông.

Ông Trần Tùng, ở thôn 4, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana bức xúc: “Từ sau Tết đến nay, ngày nào tôi cũng thấy người ta vứt vung vãi gà vịt chết xuống sông gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của dân, hôi thối cả dòng nước không thể chịu nổi”.

Trong cái lều tạm canh đồng, ông Nguyễn Văn Lộc (cùng thôn 4) mở khẩu trang ra nói với vẻ mặt mệt mỏi: “Dân có đề nghị nhưng chính quyền chưa thấy động tĩnh gì. Chúng tôi mong cấp trên phải ngăn chặn tình trạng thả dịch ra sông, nguy hiểm lắm”.

Từ sau Tết đến nay, ngày nào tôi cũng thấy người ta vứt vung vãi gà vịt chết xuống sông gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của dân, hôi thối cả dòng nước không thể chịu nổi”

Ông Trần Tùng

Tình trạng vứt xác gia cầm ra sông khiến nhiều hộ chăn nuôi ở gần sông rất lo lắng. Họ đang tự cứu bằng cách không cho gia cầm tiếp xúc với nguồn nước sông Krông Ana. Ông Vũ Đình Bảy, một trong 5 chủ trang trại nuôi gần 10 nghìn con vịt ở thôn Sơn Trà, xã Bình Hòa lo lắng: “Xác gia cầm dạt vào bờ sông rất hôi thối, chịu không nổi, tụi tôi phải tự vớt lên chôn. Dù bầy vịt nhà tôi đã tiêm vắc xin đầy đủ, nhưng sợ nhất là dịch bệnh từ đầu nguồn trôi về lây lan”.

Ông Phạm Bá Trình, cán bộ thú y xã Bình Hòa lý giải: Đặc điểm đoạn sông này là chảy từ trên kia về, qua nhiều huyện, nhiều xã, không thể tìm được nguồn gốc gia cầm chết từ đâu vứt ra nên chúng tôi chỉ biết vận động bà con hễ thấy bao trôi thì nên vớt lên rồi chôn, đốt để hạn chế lây lan.

Người chăn nuôi và chính quyền phải chịu trách nhiệm

Mặc dù tình trạng hàng nghìn gia cầm chết thả sông gây ô nhiễm đã diễn ra cả tháng nay, nhưng theo ông Võ Văn Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Ana, thông tin này cơ quan vừa nhận được, huyện mới chỉ vớt được 10 bao gia cầm chết để tiêu hủy và lấy mẫu bệnh phẩm để gửi đi xét nghiệm, đồng thời sẽ siết chặt việc phòng chống dịch cúm.

Không chỉ ở huyện Krông Ana mà ngay tại vùng ven thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đa số người nuôi gia cầm với quy mô nhỏ lẻ vẫn đang 3 không: Không vệ sinh chuồng trại, không phun thuốc tiêu độc khử trùng, không dùng vắc-xin phòng dịch cho đàn gia cầm. Thậm chí khi gia cầm chết hàng loạt cũng không báo cho cơ quan chức năng. Hộ ông Nguyễn Đình N., ở khối 7, tổ dân phố 3, phường Ea Tam, có đàn gà mái đang đẻ hơn 20 con đột nhiên chết sạch. Ông cho lợn ăn và vứt ra suối, không báo với thú y cơ sở nên không rõ nguyên nhân gà chết.

Chiều 7/3, ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm tỉnh cho biết: Khi nhận được tin báo từ huyện Krông Ana về việc xác gia cầm trôi trên đoạn sông Krông Ana, chúng tôi đã chỉ đạo trục vớt, lấy mẫu bệnh phẩm để đi xét nghiệm và tiêu hủy. Nguồn gốc xác gia cầm có thể do người dân ở 2 xã đó thả trôi sông hoặc có thể xác đó từ trên thượng nguồn trôi về.

Trong cam kết phòng chống dịch cúm gia cầm, những hộ chăn nuôi từ 100 con trở lên buộc phải tiêm vắc xin phòng bệnh. Nếu thực hiện đúng cam kết, khi gia cầm chết sẽ được hỗ trợ từ 10 - 30 nghìn đồng/con và được tiêu hủy đúng quy trình. Ngược lại, nếu không thực hiện đúng cam kết, cả người chăn nuôi lẫn chính quyền và ngành chức năng cơ sở đều phải chịu trách nhiệm.

MỚI - NÓNG