Hàng trăm bạn trẻ kề vai, chung sức 'cõng' nhà vượt cổng trời

0:00 / 0:00
0:00
Hàng trăm người chung sức “cõng” nhà di chuyển đến vị trí an toàn
Hàng trăm người chung sức “cõng” nhà di chuyển đến vị trí an toàn
TP - Hình ảnh hàng trăm bạn trẻ kề vai, chung sức “cõng” những ngôi nhà gỗ của đồng bào trên cổng trời Ch’nốc khiến nhiều người ngỡ ngàng. Sau 4 ngày, 100 ngôi nhà ở vùng có nguy cơ sạt lở được đưa nguyên vẹn đến nơi an toàn. Câu chuyện tình nguyện ấm áp ghi ở “cổng trời” Ch’nốc (xã Ch’ Ơm, huyện Tây Giang, Quảng Nam).

Làng Ch’nốc được mệnh danh là cổng trời biên giới Việt - Lào, nằm cheo leo trên dãy núi Bạch Mã có độ cao hơn 1.000 mét so với mặt nước biển. Từ đây qua cụm bản Tà Vàng (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) chỉ mất khoảng 4 giờ đi bộ.

Hàng trăm bạn trẻ kề vai, chung sức 'cõng' nhà vượt cổng trời ảnh 1

Đoàn Thanh niên tặng quà cho các hộ dân làng Ch’nốc

Ông Alăng Rép, Phó chủ tịch UBND xã Ch’Ơm cho hay, làng Ch’ nốc có khoảng 110 hộ dân, với 500 nhân khẩu. Đợt mưa lũ cuối năm 2020 khiến ngôi làng bị cô lập hơn 3 tháng do con đường độc đạo bị hư hỏng nặng. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng gùi, cõng gạo, lương thực, thực phẩm vào tiếp tế cứu đói tạm thời.

Sau tai ương, vấn đề sắp xếp lại dân cư, đưa những ngôi nhà, ngôi làng khỏi vùng nguy cơ sạt lở được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, để tháo dỡ và di dời 100 ngôi nhà theo cách cũ phải mất ít nhất một tháng. Bài toán nhanh chóng được giải khi có sự tình nguyện chung tay của hàng trăm ĐVTN, bộ đội, công an. Huyện Đoàn Tây Giang huy động 200 ĐVTN ở 10 xã và các chi đoàn trực thuộc phối hợp với lực lượng biên phòng, công an huyện giúp dân tháo dỡ, dời nhà.

Giữa cái nắng oi ả những ngày tháng 5, các bạn trẻ mồ hôi đẫm áo, kiên trì vượt hơn 3km đường núi trắc trở để vào tới làng. Trên vai người cõng lương thực thực phẩm, lỉnh kỉnh đồ tự túc nấu ăn.

Để di dời được một căn nhà, các thanh niên phải cột chằng cho chắc chắn, đào hố xung quanh các trụ, buộc các tay đà vào trụ, sau đó cùng nhau “cõng” nguyên cả ngôi nhà đến vị trí mới. Anh Cơlâu Hoài, Bí thư Huyện Đoàn Tây Giang cho hay, trong số 200 ĐVTN tham gia, một nửa lực lượng giúp dân san ủi mặt bằng nền nhà, một nửa tham gia “cõng” nhà. Khoảng cách từ ngôi nhà cũ đến nơi di dời xa nhất là 300 m, gần nhất 5 m. “Công việc nhiều, dù mệt nhưng không ai than một tiếng. Mỗi người tự bảo nhau cố gắng, làm giúp người dân. Sau 4 ngày, đoàn đã hoàn thành di dời 100 ngôi nhà đến nơi an toàn. Ngoài ra, Đoàn tặng 20 suất quà cho các hộ nghèo”, anh Cơlâu Hoài cho biết.

Già làng Cơlâu Hênh chân tình bày tỏ, làng mình nằm ở khu vực biên giới Việt - Lào, bao năm nay bà con vất vả, nghèo đói nhưng thương yêu đùm bọc nhau. Tai ương rình rập nên ai nấy đều mong muốn về nơi an toàn. Trước đây, muốn dời nhà, bà con phải tháo rời từng bộ phận đưa đến vị trí mới rồi sau đó lắp lại, mất rất nhiều thời gian công sức. Chưa kể nhà cũ, tháo ra càng khó ráp lại. “Cả trăm ngôi nhà phải di chuyển đi thì dân làng không biết làm khi nào mới xong. May mắn, các bạn thanh niên không quản đường xa tìm đến giúp, người làng mình cảm động và biết ơn lắm”, già Hênh chia sẻ.

Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Nguyễn Văn Lượm cho hay, hiện địa phương đã rà soát toàn bộ hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, triển khai di dời về nơi ở mới và cơ bản ổn định dân cư. Ít nhất 105 khu đã được san ủi mặt bằng ở 63 thôn, làm nơi sắp xếp, bố trí chỗ ở mới… Để hoàn thành kế hoạch, việc chung tay giúp sức của các bạn trẻ ĐVTN đã giúp địa phương khép lại một hành trình vượt thoát vùng sạt lở ở vùng cao, giúp bà con yên tâm với nơi an cư mới.

MỚI - NÓNG