Hàng Thái 'đổ bộ' về Việt Nam ngày càng nhiều

Hàng tiêu dùng Thái Lan ngày càng hiện diện nhiều trên thị trường. Ảnh: Pháp Luật.
Hàng tiêu dùng Thái Lan ngày càng hiện diện nhiều trên thị trường. Ảnh: Pháp Luật.
Không chỉ tràn vào Việt Nam thông qua đường chính ngạch, hàng Thái sang Việt Nam còn thông qua kênh tiêu ngạch hay đường xách tay, đặc biệt là quần áo, mỹ phẩm.

Trong hàng chục quốc gia có mối quan hệ thương mại với Việt Nam, Thái Lan luôn nằm trong top 10 thị trường lớn nhất. Hàng hóa nước này chủ yếu tấn công phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình khá, khi giá cả "nhỉnh" hơn hàng trong nước và cao hơn nhiều so với hàng Trung Quốc. Người Thái cũng không chạy theo những chiêu khuyến mại "sốc" mà thu hút khách hàng bằng chất lượng. 

"Khách hàng sử dụng đồ Thái Lan chủ yếu là nhân viên văn phòng, công chức có mức thu nhập trung bình khá. Ban đầu, khách hàng đến với hàng Thái Lan có thể thắc mắc về giá cả, nhưng khi đã mua về sử dụng họ sẽ quay lại vì chất lượng tốt hơn các mặt hàng cùng chủng loại", anh Thanh - chủ một cửa hàng bán đồ nhựa Thái Lan cho biết.

Trong những năm qua, hàng "Made in Thailand" ngày càng gia tăng sự hiện diện nhờ vào những ưu điểm trên. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, đồ điện gia dụng và linh kiện Thái Lan chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này vào Việt Nam, gấp đôi con số từ Trung Quốc và cao hơn 4 lần hàng hóa có xuất xứ từ Malaysia.

Nhập khẩu các sản phẩm từ chất dẻo năm 2014 cũng đạt gần 190 triệu USD, đứng sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc song đã liên tục tăng trong bốn năm qua, phản ánh sự ưa chuộng của người dân trong nước với bát, cốc, hộp nhựa, chậu... Thái Lan. Là một quốc gia nhiệt đới, Việt Nam cũng nhập tới hơn 140 triệu USD rau củ quả từ Thái Lan, chỉ đứng sau Trung Quốc. 

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến sản phẩm Thái Lan ngày càng len lỏi sâu vào thị trường Việt Nam và đang là đối thủ cạnh tranh đáng gờm với hàng nội địa, hàng Trung Quốc là mức thuế xuất khẩu hấp dẫn 0% với hơn 95% chủng loại hàng hóa và sự lưu thông dễ dàng giữa hai nước nhờ quy định miễn thị thực được áp dụng 15 năm qua, khiến thương nhân hai nước có thể dễ dàng gặp nhau trao đổi, hợp tác phân phối.

Bên cạnh đó, người Thái luôn có những chính sách ưu đãi lâu dài với các đối tác ở Việt Nam. Đại diện một đại lý mỹ phẩm Lanna tại Việt Nam cho hay trong một năm rưỡi khi làm đại lý cho hãng, trong 10 sản phẩm nhập về, nếu chỉ bán được 3 món hàng thì phía Thái Lan sẽ cho phép đổi 7 sản phẩm còn lại sang những mặt hàng khác, bán chạy hơn. 

"Điều này sẽ giảm sự thiệt hại cho các đại lý khi lấy hàng về nhưng không bán được do không hợp thị hiếu", vị này cho biết. Ngoài ra, phía Thái Lan cũng có chính sách trích phần trăm, chiếu khấu không dưới 15% để phát triển thị trường.

"Bán hàng cho người Thái rất thích, sản phẩm được khách hàng ưa chuộng và quan trọng là họ giữ chữ tín, làm ăn lâu dài. Nhãn hiệu đã có đại lý ở TP HCM và đang hy vọng năm sau sẽ có đại lý ở Hà Nội", ông chia sẻ.

Anh Linh - phụ trách bán hàng Công ty Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu THT chuyên phân phối hàng tiêu dùng Thái Lan từ năm 2007 cho biết người Thái đang rất khuyến khích đưa hàng vào siêu thị. Nếu mua ở các cửa hàng thông thường, khách hàng sẽ ít có cơ hội hưởng chính sách khuyến mãi, nhưng khi vào siêu thị công ty sẵn sàng chạy các chương trình "kích cầu" như mua một tặng một, bán hàng trả chậm... Những cá nhân muốn mở đại lý bán hàng Thái Lan cũng có kênh riêng để tiếp cận với chính sách chiết khấu, thanh toán hấp dẫn.

Không chỉ tràn vào Việt Nam thông qua đường chính ngạch, hàng Thái sang Việt Nam còn thông qua kênh tiêu ngạch hay đường xách tay, đặc biệt là quần áo, mỹ phẩm. Chị Hương (Chùa Láng, Hà Nội) - chủ một shop bán quần áo cho biết một năm chị sang Thái Lan không dưới 3 lần bởi ở đây có rất nhiều đợt giảm giá, các thương hiệu quốc tế cũng tràn ngập mà giá vé máy bay khứ hồi lại rẻ. "Quần áo Thái Lan đang là một trong những mặt hàng cạnh tranh với đồ Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam nhờ chất liệu bền và giá cả phải chăng", chị Hương nói.

Nhiều chủ hàng khác cũng chia sẻ ban đầu tiếp cận với hàng Thái chủ yếu qua những chuyến du lịch. Theo chị Giang - tiểu thương trên phố Tây Sơn (Hà Nội) không ai khi ra nước ngoài ra không mua sắm, người Thái biết làm dịch vụ, quảng cáo nên việc mua hàng ở xứ sở chùa tháp này rất dễ dàng với giá cả phải chăng. Do đó, chuyện du khách tranh thủ khuân vài món hàng về nước không hiếm. "Những sản phẩm này về nhà được chia cho họ hàng, còn thừa thì đem bán. Dần dần, thấy những đồ đạc này được ưa thích, nhiều người đã chuyển sang buôn hàng về nước bán", chị cho hay.

Tích tiểu thành đại, người Thái đứng trước cơ hội giành miếng bánh to hơn tại thị trường Việt Nam, vốn được xếp trong top 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất châu Á. Từ việc chỉ xuất hiện cùng kệ với vô vàn sản phẩm từ các quốc gia khác đến khi có các cửa hàng chuyên bán đồ Thái, Thái Lan đã có hẳn những siêu thị, trung tâm thương mua sắm của chính họ trên đất Việt Nam.

Berli Jucker (BJC) đã biến chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart thành B's Mart - thương hiệu bán lẻ lâu đời của tỷ phú giàu thứ ba đất nước, sau đó gây chấn động khi ngỏ ý mua lại chuỗi siêu thị Metro Việt Nam. Central Group hiện cũng có hai trung tâm mua sắm tại Hà Nội và TP HCM và đầu năm nay còn hoàn tất mua 49% cổ phần tại hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim...

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội nhận định với việc các rào cản thị trường dần bị dỡ bỏ hoàn toàn, chuyện các ông chủ Thái Lan bành trướng tại Việt Nam là điều dễ hiểu. Ông cũng thừa nhận điểm mạnh của đối thủ nằm ở chất lượng sản phẩm tốt mà giá thành lại không quá cao, đáp ứng nhu cầu của người dân ở thành thị đang "hoang mang" bởi các thông tin về độ an toàn của sản phẩm.

Tuy nhiên, vị này đặc biệt nhấn mạnh doanh nghiệp trong nước phải nhanh chóng nâng cao năng lực để đối phó với hàng ngoại, đặc biệt là thực phẩm. "Cuộc chiến khốc liệt nhất phải là ở lĩnh vực thực phẩm, Việt Nam không thể để kênh này rơi vào tay nước ngoài, trong đó có người Thái", ông Phú nhấn mạnh.

Theo Huyền Thư

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG