Hàng nghìn lít xăng ở sân bay Tân Sơn Nhất bị trộm như thế nào?

Hàng nghìn lít xăng ở sân bay Tân Sơn Nhất bị trộm như thế nào?
Sau mỗi chuyến bay của hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines một số nhân viên lợi dụng công tác kiểm tra mang theo xô hứng dầu từ máy bay sau đó đổ vào các thùng phuy, tiếp đó san vào các can nhựa rồi mang đi ra ngoài vào lúc ăn trưa.

Nhân viên hàng không trộm hàng ngàn lít xăng dầu

Từ đầu tháng 1/2015, các trinh sát Cục C45 phát hiện trên thị thường xuất hiện một loại xăng dầu đặc chủng có tên ZA1 với số lượng lớn. Tiến hành xác minh, cơ quan Công an phát hiện, loại xăng dầu này là nhiên liệu phản lực sử dụng cho máy bay của hãng hàng không. Nguồn xăng bán ra thị trường là lượng dư thừa từ các máy bay sau mỗi chuyến hạ cánh, nên nếu sử dụng trên thị trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các động cơ, máy móc.

Hàng nghìn lít xăng ở sân bay Tân Sơn Nhất bị trộm như thế nào? ảnh 1

Các đối tượng tại cơ quan Công an.

Ngay sau đó, Cục Cảnh sát hình sự đã xác lập chuyên án đấu tranh do Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục C45 làm trưởng Ban chuyên án. Với biện pháp nghiệp vụ sắc bén, các anh đã xác định được phương thức, thủ đoạn của băng nhóm này.

Cụ thể, các chuyến bay của hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines sau khi thực hiện xong các chuyến bay trong ngày đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất sẽ lưu tàu bay qua đêm, chuẩn bị cho chuyến bay ngày hôm sau. Khi đó, các nhân viên sẽ lợi dụng công tác kiểm tra, bảo trì động cơ, máy móc, tiếp nhiên liệu trước khi bay chuyến tiếp theo để dùng xô đã chuẩn bị sẵn hứng dầu từ máy bay.

Sau đó, chúng đổ vào các thùng phuy có dung tích 200 lít đặt trên xe ô tô kỹ thuật và sử dụng xe này chở dầu về phòng kỹ thuật. Lợi dụng lúc rạng sáng, các đối tượng tiến hành san dầu từ các thùng phuy sang các can nhựa dung tích 30 lít (số can này của các nhóm đối tượng tiêu thụ đã đặt “hàng” trước). Những can này được cất giấu vào những thùng gỗ cách phòng kỹ thuật khoảng 25 mét. Đến trưa mỗi ngày, lợi dụng các nhân viên khác đi ăn trưa thì chúng sử dụng xe tải nhỏ đem ra ngoài tiêu thụ.

Lộ diện kẻ đặt “hàng” là chủ kho xăng dầu

Đúng theo kế hoạch phá án, chiều 28/1, hơn 40 cán bộ, chiến sĩ thuộc Cục C45 được chia thành nhiều tổ phối hợp cùng với K20 (Bộ Công an), Công an TP.Hồ Chí Minh và một số đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Quốc phòng. Theo sự chỉ đạo của Ban chuyên án, một tổ công tác bắt giữ Huỳnh Đức Dũng và Trần Văn Sửu khi chúng đang vận chuyển xăng dầu bằng xe ô tô đi tiêu thụ.

Một tổ công tác khác được triển khai nhanh chóng tiến hành khám xét địa điểm chuyên tiêu thụ xăng dầu tại phường Phú Mỹ, quận 7 (TP.Hồ Chí Minh). Tang vật tạm giữ gồm, 2 xe ô tô tải BKS 54N-9644 và 54X-6133, 36 can nhựa loại 30 lít, trong đó có 31 can chứa đầy chất lỏng màu vàng (sơ bộ kiểm tra xác định là dầu D.0 đã được pha chế), 5 can chứa đầy chất lỏng màu trắng (được xác định là nhiên liệu phản lực dùng cho máy bay); bình trụ có thể tích 5.000 lít, bên trong chứa 4.000 lít dầu… Ngoài ra, còn tạm giữ một số giấy tờ, sổ sách liên quan đến việc mua bán xăng dầu của Sửu.

Hàng nghìn lít xăng ở sân bay Tân Sơn Nhất bị trộm như thế nào? ảnh 2

Đối tượng Sửu.

Trần Văn Sửu khai nhận, khoảng tháng 6/2014, đối tượng mở kho xăng dầu tại địa điểm 206/6 Đào Trí (phường phú mỹ). Hoạt động của kho không đăng ký giấy phép kinh doanh với cơ quan chức năng. Để kho hoạt động ổn định, Sửu đã thu mua và tiêu thụ rất nhiều loại xăng dầu khác nhau như, dầu D.O; F.O;K.O…

Trong các “đối tác”, Sửu mua nhiều xăng dầu từ Huỳnh Đức Dũng, lái xe ô tô BKS 54N-9644 với giá 390.000/can 30 lít. Nhiều lần dò hỏi nguồn gốc xăng dầu, Sửu được Dũng cho biết rằng, đây là dầu mà bạn Dũng (tức nhân viên hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines-PV) trộm tại sân bay Tân Sơn Nhất. Vì hám lời, Sửu đã nhờ Dũng cung cấp dầu cho mình.

Về phía Huỳnh Đức Dũng, khi vừa bị bắt đã kiên quyết không chịu khai ra đồng bọn. Chỉ khi điều tra viên đưa ra những tài liệu, chứng cứ thuyết phục thì y mới cúi đầu nhận tội. Dũng khai nhận, hàng ngày, chuyên chở xe tải thuê. Đối tượng thường xuyên đỗ xe tại bãi xe của công ty Phương Đô trong khu vực sân bay.

Sau nhiều lần đậu xe tại đây, một số đối tượng là lái xe sân bay làm quen với Dũng và hỏi hắn rằng, có mua dầu D.O không (?). Qua tìm hiểu, Dũng cũng biết số dầu đó do chúng trộm cắp được nên thỏa thuận với giá 370.000đ/can 30 lít. Sau đó, Dũng dùng xe tải để chở xăng dầu bán cho Sửu để hưởng số tiền chênh lệch.

Mở rộng điều tra đến tối cùng ngày, tổ công tác Cục C45 đã khám xét khẩn cấp tại bãi đỗ xe do Công ty cổ phần An Hiền quản lý, liên doanh với Tổng Công ty xây dựng Công trình Hàng không thuộc phường 2 (quận Tân Bình), bắt giữ Vũ Thế Hưng. Tại đây, cơ quan điều tra đã tạm giữ, 4 xe tải (mỗi xe có trọng tải 1,4 tấn), 33 can dầu 30 lít, 2 máy nén khí và ống nhựa.

Cùng thời điểm trên, một tổ công tác khác tiến hành bắt giữ Ngụy Như Thành, Đỗ Văn Hưng và Lê Văn Hùng (cùng là nhân viên phòng kỹ thuật Công ty Cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines) và Vũ Văn Dũng.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, đã trộm dầu ZA1 và móc nối với Hưng-Dũng. Sau đó, các đối tượng này vận chuyển bán cho Sửu để hưởng lợi. Trung bình mỗi ca trực, các đối tượng rút từ 20-30 can 30 lít tương đương từ 600 đến 900 lít dầu. Để tránh sự phát hiện, chúng thường nhờ người sắp xếp cùng một ca trực để hoạt động theo “ê kíp” và lựa chọn thời gian hợp lý để lấy hàng, cũng như trong quá trình tuồn hàng từ sân bay ra ngoài cho nhóm đối tượng tiêu thụ.

Chiều 29/1, Cục Cảnh sát hình sự đã tạm giữ hình sự Huỳnh Đức Dũng (44 tuổi, ngụ quận 3, TP HCM), Trần Văn Sửu (42 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM), Vũ Thế Hưng (51 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP HCM), Vũ Văn Dũng (47 tuổi, ngụ quận 12, TP HCM), Ngụy Như Thành (50 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM), Đỗ Văn Hưng (32 tuổi, quê huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) và Lê Văn Hùng (34 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) để điều tra mở rộng về hành vi trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Theo Báo Công an Nhân dân
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.