Dấu hiệu trục lợi bảo hiểm
Thanh tra TPHCM vừa ban hành kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế và đấu thầu thuốc chữa bệnh giai đoạn từ 2014 đến hết tháng 9/2019.
Qua thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện vi phạm việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhưng chậm xác minh, xử lý. Cụ thể, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội TPHCM có 7 trường hợp có dấu hiệu hoặc bị khiếu nại vi phạm, lạm dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ năm 2015 đến năm 2019 đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn chưa có kết quả xử lý.
Vẫn theo kết luận thanh tra, việc đấu thầu, mua sắm thuốc chữa bệnh tại một số bệnh viện và Sở Y tế TPHCM còn để xảy ra vi phạm, tồn tại. Điển hình như các bệnh viện Ung Bướu, Nhân dân Gia Định và Nhi Đồng 1 không thực hiện hủy thầu đối với các mặt hàng thuốc không lựa chọn được nhà thầu, vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 35 Thông tư số 11/2016/TT-BYT của Bộ Y tế.
Ngoài ra, Bệnh viện Ung Bướu không đăng tải thông tin mua sắm trực tiếp trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định; Sở Y tế chậm trễ trong việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu năm 2018 - 2019 tại Bệnh viện Ung Bướu.
Chênh lệch hơn 80 tỷ đồng do chỉ định mua thuốc trực tiếp
Đáng chú ý, tại văn bản kết luận của Thanh tra TPHCM cho thấy năm 2013 -2014, do chậm tổ chức đấu thầu tập trung mua sắm, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ sở y tế mua thuốc trực tiếp gây chênh lệch giá thuốc hơn 80 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Cụ thể, qua thanh tra việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty cổ phần VN Pharma, Thanh tra Chính phủ xác định:
“Năm 2013 và quý I năm 2014, UBND TPHCM không tổ chức đấu thầu để mua thuốc, chỉ đạo các cơ sở y tế mua thuốc theo hình thức gia hạn hợp đồng, mua sắm trực tiếp, áp đơn giá trúng thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy năm trước…, là vi phạm quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2012. Việc chỉ đạo mua thuốc theo phương thức mua sắm trực tiếp và áp giá trúng thầu Bệnh viện Chợ Rẫy dẫn đến đơn giá thuốc đã mua cao hơn giá thuốc các địa phương lân cận tổ chức đấu thầu mua thuốc theo quy định. Số tiền chênh lệch giá thuốc đã bị cơ quan Bảo hiểm xã hội từ chối thanh toán 82 tỷ đồng. Tại thời điểm thanh tra, mới xử lý được 31 tỷ đồng…”.
Nhùng nhằng chỉ đạo
Liên quan số tiền 82 tỷ đồng chênh lệch giá thuốc nêu trên, theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, ông Hứa Ngọc Thuận, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM là người ký các văn bản liên quan cho phép các cơ sở y tế mua thuốc theo hình thức gia hạn hợp đồng và mua sắm trực tiếp, áp đơn giá của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Cụ thể, tháng 12/2012, nhằm đảm bảo nguồn gốc thuốc, hóa chất và các loại vật tư y tế sử dụng cho năm 2013, Sở Y tế TPHCM đề nghị UBND thành phố cho phép các cơ sở y tế công lập tự tổ chức đấu thầu mua thuốc theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2012, trong khi chờ thành lập Trung tâm đấu giá mua sắm tài sản công của ngành y tế TPHCM.
Ngày 6/2/2013, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận đã ký văn bản 689/UBND-VX có nội dung: “Chấp thuận cho các cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu mua thuốc năm 2013 theo nhu cầu sử dụng từng đơn vị. Sau khi Trung tâm đấu giá mua sắm được thành lập, Trung tâm sẽ tổ chức đấu thầu tập trung từ năm 2014 theo lộ trình”.
Tuy nhiên, khi Sở Y tế trình báo cáo thẩm định kế hoạch đấu thầu của các đơn vị y tế công lập thành phố, UBND TPHCM đã không phê duyệt và lại ra văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Hứa Ngọc Thuận: “Việc mua sắm thuốc và vật tư y tế tiêu hao trong năm 2013 giao Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện công lập của thành phố tập trung, khẩn trương lập danh mục, số lượng sử dụng để báo cáo Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế, chuẩn bị kế hoạch đấu thầu theo quy định”. Điều này có nghĩa các cơ sở y tế không được tự tổ chức đấu thầu mua thuốc như văn bản chỉ đạo trước đó.
Tiếp đó, ngày 11/9/2013, ông Thuận ký văn bản số 4784/UBND-VX về việc cho phép mua thuốc y tế trong khi chờ kết quả đấu thầu tập trung năm 2013 với nội dung cho phép các bệnh viện, cơ sở y tế thuộc Sở Y tế và quận huyện được mua sắm trực tiếp theo kết quả trúng thầu năm 2013 của Bệnh viện Chợ Rẫy (Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế - PV)…
Thực hiện chỉ đạo trên, Sở Y tế TPHCM và các bệnh viện đã tiến hành các thủ tục mua sắm. Tuy nhiên, do tháng 11/2013 mới có kết quả mua sắm trực tiếp theo kết quả đấu thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy nên trong thời gian từ tháng 7-11, các đơn vị đã phải mua bổ sung thuốc theo hợp đồng cũ để không thiếu thuốc phục vụ khám chữa bệnh… Tương tự, đến tháng 12/2013, UBND TPHCM tiếp tục có văn bản cho phép các cơ sở y tế công lập ký phụ lục hợp đồng để mua thuốc sử dụng đến hết tháng 3/2014 trong khi chờ kết quả đấu thầu tập trung.
Việc mua thuốc trực tiếp do chậm đấu thầu khiến số tiền thuốc chênh lệch khoảng 80 tỷ đồng.
Năm 2016, Sở Y tế TPHCM có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng xem xét thanh toán chênh lệch tiền thuốc nêu trên đã bị từ chối với lý do “Không có cơ sở xem xét, giải quyết…”. Đến thời điểm hiện tại, số tiền chênh lệch giá thuốc chưa được xử lý còn khoảng 50 tỷ đồng.
Đối với những vi phạm phát hiện trong quá trình thanh tra, Thanh tra TPHCM đề nghị Sở Y tế và các sở, ngành, bệnh viện (Bệnh viện Nhi đồng 1; Nhân dân Gia định; Ung Bướu; Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn và Công ty TNHH Trung tâm Y khoa Phước An) liên quan tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại.