Hàng loạt trẻ “mổ mà không sáng” ở BV Mắt là do ... ngẫu nhiên

Một trong những bệnh nhi biến chứng sau mổ mắt ở BV Mắt TPHCM.
Một trong những bệnh nhi biến chứng sau mổ mắt ở BV Mắt TPHCM.
TPO - “Việc đục giác mạc theo hội đồng chuyên môn có thể là trường hợp ngẫu nhiên trong một số quá trình điều trị trong suốt thời gian dài. Đây cũng là lần đầu tiên bệnh viện (BV) Mắt gặp phải trường hợp này” – bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM thông tin với báo Tiền Phong ngày hôm qua 27/9.

Theo báo cáo của BV Mắt với Phòng nghiệp vụ Y Sở Y tế TPHCM, ngày 5/12/2016, khoa Nhi BV mắt đã phẫu 18 bệnh nhi, trong đó có 8 bệnh nhi đục thủy tinh thể bẩm sinh, trong đó có 2 bệnh nhi có chỉ định phẫu thuật hai mắt cùng một lúc. Ngày 6/12, khoa Nhi BV Mắt lại tiếp tục phẫu thuật cho 13 bệnh nhi, trong đó có 3 bệnh nhi đục thủy tinh thể bẩm sinh, 1 đục tinh thể do bị chấn thương.

Như vậy trong hai ngày 5 và 6, khoa Nhi BV Mắt đã phẫu thuật 25 ca, có 11 ca bị đục thủy tinh thể bẩm sinh. Sau mổ, 8 bệnh nhi có tình trạng đục giác mạc, được theo dõi và chăm sóc, kết quả là 4/8 ca hồi phục tốt, có cải thiện thị lực sau khi điều chỉnh bằng kính. Còn lại 4 ca tiếp tục theo dõi, đến ngày 19/9, 2 bệnh nhi tiếp tục cải thiện, một bệnh nhi không liên lạc được, một bệnh nhi được người nhà chuyển sang Singapore điều trị. Hiện, trường hợp chuyển sang Singapore cũng có tiến triển.

Khi có sự cố như vậy, Sở Y tế đã hai lần làm việc với BV Mắt. Một lần là BV Mắt mở hội đồng tại chỗ để xem lại các trường hợp này để đánh giá lại; một lần là bên phía chuyên môn của Sở Y tế được thành lập. Cả hai có một báo cáo tiến trình dựa vào các tài liệu lâm sàng cũng như trên hồ sơ bệnh nhân tại BV khẳng định: Các bệnh nhi không bị nhiễm trùng trong hay sau phẫu thuật.

Căn cứ vào các báo cáo của BV Mắt và các hồ sơ bệnh án cũng không có bằng chứng nhiễm độc tại mắt do các yếu tố ngoại lai. Ví dụ như phòng mổ, dụng cụ hay các hóa chất đưa vào. Việc phẫu thuật cùng ngày có 4 bệnh nhi bị đục giác mạc, sau khi có triệu chứng phù giác mạc, bệnh viện và những phẫu thuật viên đã tiến hành làm các thủ thuật sau đó như tiến hành điều trị cao nhãn áp, điều trị phù nề giác mạc, xử lý cắt pha lê, thuốc…

“Việc đục giác mạc theo hội đồng chuyên môn có thể là trường hợp ngẫu nhiên trong một số quá trình điều trị trong suốt thời gian dài. Đây cũng là lần đầu tiên BV Mắt gặp phải trường hợp này” – bà Mai thông tin.

Sau cuộc họp của hội đồng chuyên môn, Sở Y tế TPHCM kết luận không có hiện tượng nhiễm trùng hàng loạt; các trường hợp nêu trên là biến chứng ngẫu nhiên trong quá trình phẫu thuật. Những vấn đề BV Mắt cần rút kinh nghiệm là hồ sơ bệnh án phải được ghi chép đầy đủ, chính xác, ngày nhập viện xuất viện; Y lệnh cần ghi rõ thời gian dùng thuốc theo dõi chăm sóc bệnh.

Đặc biệt trong nội dung phiếu cam kết phẫu thuật (vì đây là phẫu thuật có khá năng gây tai biến, nhất là cho những bệnh nhi bị đục tinh thể cả hai mắt thì khả năng diễn tiến mù rất cao), BS cũng phải tư vấn thật kỹ cho người nhà bệnh nhân, để bệnh nhân có sự cân nhắc, chọn lựa thật kỹ làm hay không làm. Và nếu làm thì có thể xảy ra khả năng không có tiến triển tốt. Do đó phiếu cam kết kỹ thuật phải nêu rõ để người nhà hiểu và cam kết, để về sau này, hai bên được tư vấn kỹ rồi, chọn lựa kỹ rồi mà vẫn có sự cố xảy ra thì chúng ta cũng phải có sự chấp nhận.

Theo bà Mai, diễn tiến này vẫn có khả năng bị mù. Nếu có can thiệp phẫu thuật, nếu hên thì có thể cải thiện, nhưng nếu không may thì vẫn có thể bị mù.

MỚI - NÓNG