Hàng loạt tổ chức phi chính phủ nước ngoài phản đối Trung Quốc

 Các nhà nghiên cứu phân tích và cung cấp thông tin về tình hình biển Đông hiện nay cho đại diện nhiều NGO tại Việt Nam. Ảnh: Trúc Quỳnh
Các nhà nghiên cứu phân tích và cung cấp thông tin về tình hình biển Đông hiện nay cho đại diện nhiều NGO tại Việt Nam. Ảnh: Trúc Quỳnh
TP - Ít nhất 18 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) đã ký vào bản tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển Việt Nam, đồng thời đề nghị Liên Hợp Quốc và ASEAN tìm giải pháp cho các vấn đề biển Đông.

Ngày 13/5, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) tổ chức buổi chia sẻ thông tin cho các NGO về việc chính quyền Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu trong vùng biển Việt Nam.

Yêu cầu chấm dứt hành động thù địch

Tuyên bố mà các NGO ký vào có đoạn: “Chúng tôi kêu gọi các bên ngay lập tức chấm dứt hành động thù địch ở biển Đông và thực hiện theo quy chế giải quyết xung đột do Liên Hợp Quốc (LHQ) làm trung gian, sử dụng biện pháp hòa bình thay vì vũ lực và xung đột ở khu vực; dựa trên các tài liệu luật pháp có hiệu lực về cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế và tôn trọng đường biên giới trên biển của các nước liên quan”.

Tuyên bố cũng kêu gọi Ban Thư ký ASEAN và LHQ đưa ra tuyên bố yêu cầu “chấm dứt thù địch ở biển Đông trước khi tình hình leo thang thành chiến tranh, đồng thời cử đội chuyên gia đến hiện trường để tìm hiểu sự việc và đưa ra đề xuất để ASEAN và LHQ giải quyết tranh chấp; cung cấp thông tin chính xác cho người dân trong khu vực và các vấn đề liên quan”.

Ủy ban Điều phối viện trợ nhân dân (Paccom) thuộc VUFO cho biết, sẽ có thêm nhiều NGO ký vào bản tuyên bố vì một số đại diện mới lấy văn bản về nghiên cứu.

Tổ chức phi chính phủ Amis France tuyên bố: “Chúng tôi kiên quyết kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế…, đề nghị Trung Quốc ngay lập tức rút khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam, do những hành động sai trái của họ gây ra”.

Phát biểu tại buổi chia sẻ, đại diện của tổ chức Emis France (Những người bạn Pháp - tổ chức nhân đạo gồm các thành viên người Pháp và người Pháp gốc Việt yêu nước) cho biết, giám đốc tổ chức này sáng qua ra tuyên bố bày tỏ quan tâm tình hình, đề nghị Trung Quốc rút ngay giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam và kêu gọi các tổ chức quốc tế cùng lên tiếng thúc giục Trung Quốc ngừng ngay các hành động khiêu khích.

Bà Kim Young Shin, Phó Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Việt - Hàn, nói rằng, bà rất chia sẻ với Việt Nam trong hoàn cảnh này. Bà Kim gợi ý Việt Nam nên thành lập một trang web riêng bằng nhiều thứ tiếng để tập hợp ý kiến ủng hộ và phổ biến thông tin, nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng quốc tế hiểu lập trường của Việt Nam.

Trung Quốc cố tình lừa dối cả thế giới

Tham dự buổi chia sẻ, các học giả đưa ra những căn cứ xác đáng, rõ ràng dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và bằng chứng lịch sử để khẳng định nhà cầm quyền Trung Quốc cố tình đánh tráo khái niệm. Hệ thống báo đài của chính quyền Bắc Kinh liên tục tuyên truyền những lập luận xảo ngôn, lừa dối công luận về việc nước này đưa trái phép giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Luật sư Lê Thanh Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư AIC, khẳng định, chính quyền Trung Quốc cố tình đánh tráo khái niệm khi nói rằng, vị trí mà họ lắp đặt giàn khoan dầu 981 chỉ cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý, trong khi cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Chưa nói đến việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo này của Việt Nam năm 1974, luật sư Sơn nói rằng, theo Công ước LHQ về Luật Biển, những hòn đảo không thích hợp cho con người sinh sống thì không được xác lập vùng đặc quyền kinh tế riêng.

Bản thân đảo Tri Tôn chỉ là bãi đá ngầm, ngay cả khi thủy triều xuống đến mức thấp nhất, bãi đá ngầm này cũng không nổi lên, vì thế không đủ điều kiện cho con người sinh sống. Do đó, căn cứ xác định vị trí giàn khoan dầu của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý. Luật sư Sơn nói rằng, Trung Quốc “từ chỗ đánh tráo khái niệm để liên kết các đảo vào nhau nhằm thiết lập vùng đặc quyền, rồi cho báo chí tuyên truyền sai sự thật. Họ biến vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp để từng bước hiện thực hóa “đường lưỡi bò” phi lý”.

Tham dự buổi chia sẻ thông tin, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Bộ Công an, cũng cho rằng, chính quyền Trung Quốc đang lừa gạt người dân nước họ và cộng đồng quốc tế. “Đến bây giờ mà nhiều người dân Trung Quốc vẫn nghĩ rằng, quân đội Việt Nam tấn công Trung Quốc năm 1979, và quân Trung Quốc chỉ đáp trả để phòng vệ”, ông Cương nói về sự nguy hiểm của cỗ máy tuyên truyền Trung Quốc.

Ông Cương khẳng định, vùng biển mà Trung Quốc đặt giàn khoan 981 trái phép không phải vùng biển tranh chấp như một số báo chí nước ngoài gọi. “Đây là nhà của chúng tôi. Họ vào nhà chúng tôi để phá hoại thì không thể gọi là tranh chấp”, ông Cương phát biểu.

Ông Cương cho biết, Trung Quốc năm nào cũng có hành động gây hấn với Việt Nam, từ việc cắt cáp tàu đến xua đuổi, tấn công ngư dân Việt Nam đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là sự xâm lăng pháp lý khi thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên hai quần đảo của Việt Nam.

Sức mạnh mềm của Việt Nam

Nhà nghiên cứu biển Đông Nguyễn Vũ Tùng cho rằng, hành vi của Trung Quốc lần này đi ngược lại với suy nghĩ thông thường, đi ngược lại với chính những gì họ đã cam kết với tư cách thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ và đối tác của ASEAN. Lý giải nguyên nhân, ông Tùng cho rằng, chính tư tưởng nước lớn đã khiến nhiều lãnh đạo Trung Quốc bị “mờ mắt”.

Trả lời những quan ngại về nguy cơ tình hình leo thang thành xung đột quân sự và về tương quan lực lượng, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, GDP và vũ khí là sức mạnh cứng mà Trung Quốc hơn hẳn Việt Nam. Tuy nhiên, họ thiếu sức mạnh mềm mà Việt Nam đã hun đúc qua hàng nghìn năm chống xâm lược.

Ông Cương khẳng định: “Việt Nam không bao giờ kích động chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc, không bao giờ liên kết với nước nào chống Trung Quốc”, mà luôn hòa hiếu, bao dung. Nhưng nếu có xung đột xảy ra, Việt Nam không lo sợ vì “trong cuộc chiến này, Việt Nam có hai điều Trung Quốc không có. Đó chính là pháp lý và đạo lý”, ông Cương nói.

Theo luật sư Lê Thanh Sơn, Việt Nam vẫn chưa sử dụng hết các công cụ đấu tranh ngoại giao. Mức cao nhất mà Việt Nam đấu tranh mới chỉ ở ASEAN, với phát biểu thẳng thắn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar vừa qua. Ông Sơn cho rằng, Việt Nam có thể gửi công hàm chính thức phản đối lên Tổng thư ký LHQ, đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết.

MỚI - NÓNG