TPO - Do mưa dầm kéo dài đúng vào dịp thu hoạch chính vụ, hàng loạt lò sấy cà phê ở Đắk Lắk và Đắk Nông tăng công suất hoạt động để sấy khô, bảo quản nông sản. Việc này đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho môi trường xung quanh, cuộc sống của người dân xung quanh.
|
Ngày 8/12, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Cty TNHH Phúc Hạnh (Cty Phúc Hạnh, thôn Tân Mỹ, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) đã chấp hành nộp phạt 1,5 triệu đồng về hành vi không thực hiện theo đề án bảo vệ môi trường như đã đăng ký. |
|
Cũng theo đại diện của Cty Phúc Hạnh, trước mắt công ty đang đàm phán để thuê mặt bằng, hạ tầng của một công ty cà phê có vốn nhà nước, xa khu dân cư. “Nếu cuộc đàm phán này thành công, chúng tôi sẽ đưa toàn bộ hệ thống sấy cà phê ra khỏi khu dân cư này. Phương án lâu dài, chúng tôi mong muốn chính quyền tạo điều kiện cho thuê mặt bằng ở xa khu dân cư, phù hợp quy hoạch để doanh nghiệp di dời toàn bộ nhà máy tới đó được ổn định sản xuất”, Trong ảnh, công nhân Cty đang làm việc. |
|
Theo phản ánh của người dân thôn Tân Mỹ, mặc dù Cty đã có khắc phục, nhưng mùi hôi khó chịu, khói vẫn chưa chấm dứt triệt để. “Cty đã nâng 2 ống khói của lò sấy cà phê lên cao hơn, nhưng vẫn chưa xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm khói bụi. Gia đình tôi vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn từ mùi hôi mỗi lần công ty này hoạt động”, một người dân ở thôn Tân Mỹ cho hay. |
|
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pắk Đặng Minh Đức khẳng định, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, đặc biệt làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. “Huyện đã lên phương án xây dựng khu công nghiệp rộng 75ha để đưa tất cả các cơ sở phơi sấy cà phê vào đây sản xuất”, ông Đức nói và cho biết thêm, đơn vị quan trắc môi trường đã thực hiện quan trắc ở cơ sở chế biến cà phê Phúc Hạnh, kết quả đều không vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. |
|
Thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Mil, Đắk Nông, toàn huyện hiện có khoảng 350 lò sấy đang hoạt động, tập trung chủ yếu tại các xã Đắk Sắk với 91 lò, Đức Mạnh 88 lò, Thuận An 80 lò, Đắk Lao 45 lò, Đức Minh 30 lò… Những địa bàn gần Quốc lộ 14, đã xả khói liên tục, không chỉ làm ảnh hưởng đến khu dân cư mà còn cản trở giao thông. |
|
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, các lò sấy cà phê đều đặt trong khu đông dân cư và được làm thủ công, nên không xử lý được dứt điểm ô nhiễm khói bụi. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm qua, người dân địa phương đã có nhiều phản ánh, kiến nghị với cơ quan chức năng, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trong ảnh, lò sấy cà phê ở xã Thuận An. |
|
Đáng nói hơn, khói bụi còn bủa vây trên tuyến Quốc lộ 14 đã làm ảnh hướng đến lưu thông của các phương tiện. |
|
Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết, xử lý các lò sấy cà phê thuộc thẩm quyền UBND các huyện. “Chúng tôi thường xuyên có văn bản đề nghị UBND các huyện kiểm tra, yêu cầu người dân không gây ô nhiễm khói bụi đối với khu vực xung quanh. Các lò sấy cà phê chủ yếu tự phát của các hộ dân và chủ các đại lý, dù đã nhắc nhở nhiều nhưng người dân vẫn tái phạm”, vị này cho hay. |
|
Những lò sấy cà phê bên Quốc lộ 14 ngày đêm xả khói |
|
Lò sấy đặt ở khu dân cư đoạn qua huyện Đắk Mil |
|
Sáng sớm, nhiều lò sấy cà phê hoạt động bao trùm khói trắng ở một vùng rộng |
|
Một cơ sở sấy cà phê đang hoạt động xả khói |
VŨ LONG