Do thời tiết mưa dầm kéo dài, những ngày này, hàng chục lò sấy cà phê tại xã Thuận An (huyện Đắk Mil, Đắk Nông) hoạt động hết công suất để bảo quản nông sản. Khói đen và mùi hôi bao trùm các khu vực đông dân. Khói bụi còn bủa vây trên tuyến Quốc lộ 14, ảnh hưởng đến lưu thông của các phương tiện. “Mỗi lần đi qua xã Thuận An, tôi phải di chuyển chậm vì bị khói bụi che khuất tầm nhìn, nguy cơ bị tai nạn giao thông rất lớn”, anh Đặng Văn Dương (SN 1985, trú tại Đắk Lắk, một tài xế xe đường dài) cho biết.
Đầu năm nay, công an huyện Đắk Mil bất ngờ kiểm tra, phát hiện cơ sở thu mua nông sản Lợi Hoa (ở xã Đắk Lao, do ông Lê Lợi làm chủ), chế biến 2 lò sấy cà phê tươi, xả khói bụi trực tiếp ra môi trường. Ngoài ra, chủ cơ sở này không cung cấp được kế hoạch bảo vệ môi trường đối với 2 lò sấy trên. Kết quả, các thông số được phân tích, có thông số bụi TSP(a,b) vượt 3,116 lần so với mức giới hạn cho phép được quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT. Với hành vi này, UBND tỉnh Đắk Nông đã xử phạt ông Lợi 52 triệu đồng.
Thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Đắk Mil, Đắk Nông, toàn huyện hiện có khoảng 350 lò sấy đang hoạt động, tập trung chủ yếu tại các xã Đắk Sắk với 91 lò, Đức Mạnh 88 lò, Thuận An 80 lò, Đắk Lao 45 lò, Đức Minh 30 lò…
Liên quan đến lò sấy cà phê xả thải khói, bụi ở khu đông dân, cuối 2020, UBND huyện Krông Pắk, Đắk Lắk đã xử phạt Cty TNHH Phúc Hạnh (xã Ea Kênh) với số tiền 1,5 triệu đồng. Cơ quan chức năng ra điều kiện, nếu không khắc phục được thực trạng gây ô nhiễm khói, bụi, Cty phải xây dựng lộ trình di dời lò sấy nông sản đến vị trí phù hợp, hoặc chấm dứt hoạt động.
Theo phản ánh của người dân, dù Cty này đã khắc phục được một phần ô nhiễm khói bụi, nhưng mỗi lần vận hành các lò sấy cà phê, mùi khó chịu vẫn bủa vây khu dân cư. Theo trưởng phòng TN&MT huyện Krông Pắk Đặng Minh Đức, để đảm bảo môi trường trong lành cho người dân, về lâu dài, sở này đang xin chủ trương làm khu công nghiệp rộng 75ha để đưa tất cả các cơ sở phơi sấy cà phê vào đây hoạt động.
Một lãnh đạo Sở TN&MT Đắk Nông cho biết, việc xử lý các lò sấy cà phê vi phạm thuộc thẩm quyền UBND các huyện. “Chúng tôi thường xuyên có văn bản đề nghị UBND các huyện kiểm tra, yêu cầu người dân không gây ô nhiễm khói bụi đối với khu vực xung quanh. Các lò sấy cà phê chủ yếu tự phát của các hộ dân và chủ các đại lý, dù đã nhắc nhở nhiều nhưng người dân vẫn tái phạm”, vị này cho hay.