Trước tình hình trên, sáng 16/8, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã có công điện, văn bản chỉ đạo và tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với bão.
Nhiều địa phương đã có lệnh cấm biển và sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm. Theo đó, Quảng Ninh cấm biển từ 6h ngày 16/8, sơ tán dân hoàn thành trước 12h ngày 16/8. Hải Phòng cấm biển từ 12h ngày 16/8, sơ tán dân hoàn thành trước 12h cùng ngày.
Tại Thái Bình, lệnh cấm biển có hiệu lực từ 12h ngày 15/8, sơ tán dân hoàn thành trước 14h ngày 16/8. Còn Nam Định cấm biển từ 5h ngày 16/8, sơ tán dân hoàn thành trước 13h ngày 16/8.Ninh Bình cấm biển từ 16h ngày 16/8, sơ tán dân hoàn thành trước 16h ngày 16/8.
Đến sáng nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho trên 36.300 phương tiện/gần 137.800 người biết thông tin về bão để chủ động phòng tránh.
Tuy nhiên, đến nay, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An vẫn 2.081 phương tiện/ 9.444 người (hoạt động ven bờ đi về trong ngày) trong vùng nguy hiểm. Về lồng bè nuôi trồng thủy sản, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có 13.420 lồng bè, lều, chòi canh/17.036 người. Trong đó, đã vận động tuyên truyền 1.448 người ở Nam Định, Thái Bình vào bờ tránh bão, số còn lại đã biết thông tin và cam kết sẽ vào bờ trước khi bão đổ bộ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng sớm nay (16/8), bão số 4 đã vượt qua bán đảo Lôi Châu và đi vào phía Đông vịnh Bắc bộ. Lúc 8 giờ sáng nay, bão cách Móng Cái 180km, cách Nam Định 230km, cách Vinh 370km, với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Dự báo, từ nửa đêm nay đến trưa mai (17/8), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Khoảng 7 giờ ngày 17/8, tâm bão nằm ngay trên đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hóa, với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250-350mm/đợt), trọng tâm mưa rất to tập trung ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Đáng lưu ý, riêng Hòa Bình, Thanh Hóa có khả năng mưa đặc biệt to (400-500mm/đợt), Hà Nội có thể mưa 200-300 mm.
Trước nguy cơ trên, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên đã có công điện khẩn, yêu cầu các địa phương Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa sẵn sàng phương án chống ngập úng vùng trũng thấp, đô thị. Đảm bảo an toàn cho cư dân, đặc biệt là những khu vực vừa xảy ra ngập lụt kéo dài như Chương Mỹ (Hà Nội).
Từ ngày 16-18/8, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long từ 2-4m; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 3-6m.
Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An.
Ngập úng tại các vùng trũng, thấp tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và tại các đô thị thuộc tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Phủ Lý, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An.