Mặc dù hiện không có chuyến bay quốc tế nào đang sử dụng không phận Triều Tiên, tuy nhiên khu vực xung quanh này có tới hàng trăm chuyến bay mỗi ngày.
Thời điểm Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo hôm 29/11, không chỉ có máy bay của hãng Cathay Pacific mà còn có một số chiếc máy bay khác đang hoạt động trong khu vực đó.
Cơ quan Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) và Cơ quan Hàng không dân dụng Liên Hợp Quốc (ICAO) cho biết, họ sẽ áp dụng khu vực cấm bay đối với các chuyến bay thương mại trong và ngoài Triều Tiên nhằm đảm bảo sự an toàn cho các chuyến bay.
Ông Alexandre de Juniac, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cho biết: "ICAO có thể tuyên bố khu vực cấm bay. Chúng tôi đang làm việc với ICAO để có thể bảo vệ các máy bay bay qua khu vực này. ICAO đang cố gắng thực hiện và yêu cầu Triều Tiên áp dụng các quy tắc an toàn".
Một phát ngôn viên IATA cho biết, có một quy định bắt buộc Triều Tiên phải đưa ra thông báo về bất kỳ cuộc thử tên lửa nào, nhưng cho đến nay, họ vẫn chưa thực hiện.
Trong trường hợp không có thông báo như vậy, các hãng hàng không phải thực hiện các đánh giá rủi ro để xem khoảng cách với không phận Triều Tiên như thế nào để đảm bảo không có rủi ro cho hành khách và hãng hàng không.
Mặc dù vậy, ngày 4/12 vừa qua, Cathay Pacific cho biết họ sẽ không thay đổi tuyến đường của mình cho dù Triều Tiên có tiến hành thêm bất cứ các cuộc thử tên lửa nào.
Ông Mark Hoey, Tổng giám đốc hoạt động của Cathay cho hay: "Phi hành đoàn của CX893 báo cáo: Chúng tôi chứng kiến tên lửa của Triều Tiên nổ tung và tan ra từng mảnh gần vị trí của chúng tôi, với khoảng cách một vài trăm dặm”.
Một số hãng hàng không châu Âu đã điều chỉnh các tuyến bay để tránh các cuộc thử nghiệm tên lửa của Bình Nhưỡng trong năm nay.
Lufthansa nói rằng, họ đã thay đổi đường bay, tuy không nêu chi tiết đường bay nào. Air France cũng cho biết, họ đã mở rộng vùng cấm bay quanh Triều Tiên.