Theo số liệu từ Cục thống kê vận tải, trong năm 2016, 12 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ đã “đuổi” 46.000 hành khách ra khỏi máy bay vì lý do overbooking. Điều này cho thấy 99% trong số này đem lại lợi nhuận nhiều hơn là rủi ro cho các hãng hàng không. Các hãng hàng không luôn kiếm được nhiều hơn khoản tiền đền bù của khách hàng. Theo quy định được đưa ra vào năm 2011, chi phí để trả cho mỗi hành khách tình nguyện bán lại vé tối đa chỉ là 1.350 USD/hành khách. Nếu khách chấp nhận những phiếu quà tặng để đi chuyến sau, điều đó cũng đồng nghĩa hãng có thêm doanh thu.
Bộ Giao thông vận tải Mỹ đã phát động một cuộc điều tra về vụ việc đáng tiếc xảy ra với bác sỹ David Dao. Thống đốc bang New Jersey Chris Christie đã kêu gọi phải có các quy định mới để hạn chế tình trạng overbooking trên các chuyến bay. Giám đốc điều hành của United Airlines, ông Oscar Munoz đã đưa gửi lời xin lỗi bác sỹ David Dao và cam kết không ai có thể bị ngược đãi theo cách này nữa.
Trường hợp hy hữu
Thực tế, với chính sách overbooking, việc không cho phép hành khách lên máy bay do hết chỗ thường xuyên diễn ra. Hầu hết các hãng hàng không giải quyết ổn thỏa với hành khách ngay tại cửa lên máy bay. Vụ hành khách đã yên vị trên máy bay mà bị kéo lê xuống như trường hợp của ông David Dao là hy hữu.
Thông thường, việc lựa chọn được dựa trên một số yếu tố nhưng những hành khách thường xuyên bay, hành khách trả mức phí cao được ưu tiên hơn.
Theo quy định của hãng United Airlines (UA), những người khuyết tật hoặc trẻ em được ưu tiên. Hãng American Airlines dựa trên thứ tự check-in (làm thủ tục), đồng thời xem xét trường hợp khẩn cấp, giá vé và khách hàng trung thành. Delta Air Lines cũng dựa trên thứ tự check-in và khách hàng trung thành, cũng như chỗ của hành khách trong cabin. Hãng ưu tiên người khuyết tật, trẻ em hay người trong quân đội. JetBlue Airways quảng cáo rằng hãng không bán vé quá chỗ, nhưng vẫn đưa quyền này vào hợp đồng.
Bộ Giao thông Mỹ có văn bản hướng dẫn chi tiết về các hình thức bồi thường, tùy từng trường hợp mà mức bồi thường có thể tăng gấp đôi hoặc cao nhất là gấp 4 lần giá vé gốc. Mức bồi thường cao nhất là 1.350 USD.
Ở vụ việc của bác sỹ David Dao, UA đưa ra mức đề nghị bồi thường 400 USD, một phòng khách sạn và chuyến bay vào chiều hôm sau. Khi không ai đồng ý, hãng tiếp tục nâng lên 800 USD cũng không ai tự nguyện. Do đó, quản lý chuyến bay chọn ngẫu nhiên hành khách phải xuống. Cuối cùng, một cặp đôi trong 4 người bị chọn tự nguyện rời máy bay; Người thứ ba là vợ hành khách bị lôi kéo cũng đồng ý. Còn lại, hành khách thứ tư là ông David Dao (69 tuổi) không chấp nhận vì có hẹn với bệnh nhân vào sáng hôm sau. Do đó ông bị nhân viên cưỡng ép, lôi kéo khiến ông đập đầu vào thành ghế và bị kéo lết ra khỏi máy bay.
Theo tờ Dailymail , gia đình ông David Dao có thể sẽ thắng kiện vì trường hợp của ông không phải là do overbooking (hành khách trả tiền mua vé của hãng) mà để nhường cho nhân viên hãng kịp chuyến bay tới.