Hàng hóa tại TPHCM lập đỉnh giá mới

TP - Từ ngày 1/3, nhiều hàng quán tại TPHCM niêm yết giá mới theo hướng tăng lên. Phần lớn các chủ cửa hàng lý giải giá sản phẩm, dịch vụ tăng do tác động của giá xăng dầu và gas tăng cao trong thời gian qua.

Ðồng loạt tăng giá

“Sáng nay đưa con đi ăn sáng để đến trường học, tôi bất ngờ các quán ăn đồng loạt tăng giá từ 2.000-5.000 đồng/phần ăn” - chị Thu Hương (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) nói.

Hàng hóa tại TPHCM lập đỉnh giá mới ảnh 1

Các tiểu thương buộc phải tăng giá sản phẩm do đầu mối cung ứng hàng đều tăng giá. Ảnh: U.P

Anh Trần Bình, một người dân tại quận 3, cho biết các quán ăn vỉa hè đều tăng từ 2.000-3.000 đồng/món như bánh mì, cháo lòng, cơm tấm… Tô bún bò trong hẻm gần cơ quan từ sau Tết đã niêm yết giá mới là 45.000 đồng, nay tiếp tục tăng lên thành 50.000 đồng/tô. Những quán sang hơn thì niêm yết giá mới tăng thêm khoảng 5.000 đồng. “Mặc dù quán nấu ăn bằng điện nhưng chủ vẫn viện cớ gas tăng để nâng giá” - anh Bình nói.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, giá thịt bán sỉ dao động từ 50.000-68.000 đồng/kg tùy loại. Nếu so với mức giá thịt lợn sỉ bình quân 60.000 - 76.000 đồng/kg một tuần sau Tết Nguyên đán thì giá thịt lợn sỉ đã giảm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Dù giá lợn hơi, thịt lợn sỉ đều giảm nhưng giá thịt bán lẻ trên thị trường gần như giữ nguyên. Thịt lợn ba rọi dao động trong khoảng 135.000 - 145.000 đồng/kg tùy chợ; thịt nạc đùi từ 110.000 - 115.000 đồng/kg; nạc vai 130.000 - 140.000 đồng/kg… “Mặc dù giá lợn tại chuồng đang giảm nhưng giá ở chợ lẻ vẫn cao, tiểu thương lý giải do xăng tăng giá” - ông Bảy Thăng, người nuôi lợn ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) nói.

Đối với nhóm mặt hàng rau củ quả tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg tại các chợ dân sinh. Ví dụ, xà lách cuộn có giá 60.000 đồng/kg, trước đó chỉ khoảng 55.000 đồng/kg, bông cải xanh - trắng tăng thêm 5.000 đồng/kg và đứng giá 50.000 đồng/kg, các loại rau họ cải (cải ngọt, cải xanh, cải thảo,...) tăng hơn 3.000 đồng/kg, dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg.

Không nằm ngoài vòng xoáy tăng giá, thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thủy hải sản cũng đua nhau “phi mã”. Điển hình, tôm thẻ loại lớn khoảng 15 con/kg có giá 250.000 đồng/kg, trước đây chỉ ở mức 220.000 đồng/kg; mực lá loại nhỏ tăng từ 30.000-40.000 đồng/kg và dao động ở giá 260.000-280.000 đồng/kg; cá thu và cá bớp cắt khúc tăng thêm 20.000 đồng/kg với giá từ 250.000-270.000 đồng/kg…

Phản ứng domino

“Hôm qua gas lên giá hơn 500.000 đồng/bình 12kg, nay xăng tiếp tục nhảy giá. Tôi vừa nhận được thông báo của đơn vị vận chuyển báo giá sẽ tăng thêm khoảng 5.000 đồng cho mỗi chuyến hàng để bù vào chi phí xăng dầu. Nhà cung cấp nguyên liệu cũng báo giá rau củ, thực phẩm tăng... Trước áp lực của các đầu mối cung ứng, vận tải nên tôi bắt buộc phải tăng giá món ăn vì không còn cách nào khác. Trời mưa, đất chịu, tất cả các khoản tăng giá chỉ có người tiêu dùng chịu khổ” - bà Minh Đoan, chủ quán phở Đoan trên đường Phạm Hùng (quận 8) thở dài, nói.

Chiều 1/3, đại diện một số hệ thống siêu thị trên địa bàn TPHCM cho biết, đã có đơn đề nghị tăng giá từ một số nhà cung ứng hàng khô. Phía siêu thị đang tiến hành đàm phán để giữ mức giá hợp lý nhất, hỗ trợ cho người tiêu dùng.

Nhiều tiểu thương các chợ đầu mối đã nhận được thông báo tăng chi phí vận chuyển. “Mặc dù đã ký hợp đồng từ trước nhưng do tình trạng giá nhiên liệu tăng cao, mình chỉ còn cách chia sẻ” - bà Tâm, chủ quầy thịt heo ở chợ đầu mối Hóc Môn cho hay.

Khoảng một tuần nay, các mặt hàng ghế bố, võng xếp đều tăng giá từ 40.000-70.000 đồng/chiếc, do nguyên liệu, dịch vụ vận chuyển tăng giá. “Mỗi đơn hàng xa đều tăng phí vận chuyển 5.000-10.000 đồng/chuyến. Món gì cũng nhích giá khiến người tiêu dùng rất áp lực. Hàng hóa khó bán hơn trước vì người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu” - bà Nguyễn Lan, chủ tiệm tạp hóa trên đường Nguyễn Thị Căn (quận 12) cho hay.

Đề cập đến tăng giá sản phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TPHCM cho hay, sắp tới doanh nghiệp (DN) trong ngành sẽ điều chỉnh mức giá sản phẩm. Lý do xăng dầu, gas tăng giá kéo theo hàng loạt chi phí khác bị đội lên. Vì vậy, doanh nghiệp buộc tăng giá. Đây là giải pháp không mong muốn nhưng không còn cách nào khác.

MỚI - NÓNG