Hàng ngày, người dân bản Bạch Sơn vẫn lội suối đi làm, con em thì lội suối đến trường. Tuy nhiên, khi mưa lớn, nước suối dâng cao, chảy xiết thì 90 hộ dân bị cô lập.
Trước nguy hiểm thường trực, chính quyền địa phương gắn biển báo nguy hiểm để ngăn cấm người dân vượt suối khi lũ về.
Hiện, bản Bạch Sơn có một điểm trường mầm non và tiểu học với 60 học sinh, 2 giáo viên mầm non, 5 giáo viên tiểu học đứng lớp.
Thầy giáo Nguyễn Văn Sơn – Giáo viên tiểu học điểm trường Bạch Sơn, cho biết: "Khi cầu tạm trôi, việc đi lại của giáo viên gặp vô vàn khó khăn. Mỗi khi nước suối dâng cao thì không thể đến điểm trường, ảnh hưởng đến việc dạy và học của thầy trò”.
Ngoài ra, 22 học sinh THCS tại bản Bạch Sơn cũng phải vượt suối mới đến được trường THCS Cam Lâm. Những học sinh khối lớp 8, 9 có thể tự lội suối khi mức nước bình thường, nhưng học sinh khối lớp 6 thì phụ huynh phải cõng con, em vượt qua. Mặc quần áo ướt sũng, các em vẫn chăn chỉ tới trường.
Người Đan Lai, 30 năm mong muốn một cây cầu
Khoảng 30 năm trước, người Đan Lai kéo nhau về xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, lập nên bản Thỉn với 35 hộ dân. Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện Con Cuông khoảng 10 km, thế nhưng, với sự chia cắt của khe suối và núi rừng, bản Thỉn biệt lập với bên ngoài.
Để đi ra được trung tâm huyện, người dân Đan Lai tại bản Thỉn phải vượt qua con suối rộng khoảng 40m. Mùa mưa, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Không có cầu, việc giao thương hạn chế, đời sống người dân luẩn quẩn trong đói nghèo.
Đặc biệt, việc học tập của con em bản Thỉn bị ảnh hưởng. Buổi sáng đến trường, buổi trưa trở về, nước suối dâng cao, nhiều học sinh cố vượt qua để về nhà khiến tính mạng các em luôn cận kề nguy hiểm.
Chị Lữ Thị Minh, trú tại bản Thỉn cho biết: “Nhiều lúc người dân trong bản gặp bệnh tật hay lúc sinh con mà đúng thời điểm nước suối lớn thì rất nguy hiểm. Những trường hợp nặng, nguy cấp thì người dân trong bản phải đóng bè vượt dòng nước lớn chảy xiết. Trong bản chỉ mới có 2 hộ dân là thoát nghèo được thôi”.