Hàng chục chương trình tiếng Anh 'kèm' chương trình của Bộ

Bên cạnh chương trình tiếng Anh do Bộ GD-ĐT biên soạn, các trường tiểu học, THCS, THPT còn sử dụng hàng chục giáo trình tiếng Anh khác, với mục đích... để học sinh giao tiếp được.
Hàng chục chương trình tiếng Anh 'kèm' chương trình của Bộ ảnh 1

Tiểu học: Gần chục chương trình đi kèm

Trong vài năm trước đó, việc đưa các giáo trình tiếng Anh vào nhà trường bên cạnh chương trình chính thức diễn ra rầm rộ, tới mức giữa năm 2013 Bộ GD-ĐT đã phải có công văn chấn chỉnh việc sử dụng SGK, tài liệu dạy tiếng Anh tiểu học.

Hiện nay, các sách giáo khoa và tài liệu dạy tiếng Anh tiểu học đã được Bộ GD-ĐT ban hành hoặc thẩm định và cho phép sử dụng gồm:

Sách tiếng Anh 3, tiếng Anh 4, tiếng Anh 5, Tổng chủ biên Hoàng Văn Vân, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, áp dụng trên các địa bàn theo kế hoạch triển khai của Bộ.

Let’s Learn English 1, 2, 3, Chủ biên Nguyễn Quốc Tuấn, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, áp dụng theo hình thức dạy học tự chọn tại các địa bàn đã triển khai từ trước năm học 2010 - 2011.

UK English Programme của Learning Box (trình độ Starters, Movers, …) do VP Box, cơ quan đại diện Phonics Learning Box UK triển khai, áp dụng tại các địa bàn có điều kiện và trên cơ sở tự nguyện của cha mẹ học sinh từ năm học 2008 - 2009.

Các tài liệu thay sách giáo khoa tiếng Anh tiểu học đã được Bộ GD-ĐT cho phép các sở GD-ĐT chỉ đạo  sử dụng dạy thí điểm hoặc tự chọn gồm:

Let’s Go, Nhà Xuất bản Đại học Oxford, áp dụng theo hình thức dạy học tự chọn tại các địa bàn đã triển khai từ trước năm học 2003 - 2004.

Family and Friend, Nhà Xuất bản Đại học Oxford, áp dụng theo hình thức dạy học tự chọn đã triển khai từ năm học 2010-2011 với tự nguyện của cha mẹ học sinh tại một số trường tiểu học của TP.HCM, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đồng Nai, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Thừa Thiên – Huế.

Dyned do Công ty trách nhiệm hữu hạn E&D Việt Nam triển khai, áp dụng theo hình thức dạy thí điểm ở một số trường tiểu học với sự tự nguyện của cha mẹ học sinh tại Hà Nội và TP.HCM từ trước năm học 2010 - 2011.

Next Stop của Macmillian do Công ty cổ phần giáo dục và đào tạo Victoria triển khai, áp dụng theo hình thức dạy thí điểm cho học sinh lớp 1, lớp 2 ở một số trường tiểu học với sự tự nguyện của cha mẹ học sinh tại Hà Nội, Hải Dương từ năm học 2010 - 2011.

BME-KIDs do Công ty cổ phần Công nghệ Bình Minh triển khai, áp dụng theo hình thức dạy thí điểm hỗ trợ cho học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 học tiếng Anh tự chọn ở một số trường tiểu học với sự tự nguyện của cha mẹ học sinh tại Hà Nội từ năm học 2010 - 2011.

THCS, THPT: Không ít hơn

Đối với khối THCS, THPT, tại các trường công lập và ngoài công lập, mỗi tuần, học sinh được học 3 tiết theo sách giáo khoa, đúng quy định của Bộ GD-ĐT nhằm cung cấp kiến thức cơ bản cho học sinh.

Chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT gồm có chương trình tiếng Anh hiện hành và chương trình tiếng Anh theo đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Ngoài tài liệu dạy học chính là bộ SGK Tiếng Anh, Bộ GD-ĐT cho phép giáo viên có thể sử dụng thêm tài liệu tham khảo, bổ sung có chất lượng.

Tuy nhiên, các trường phổ thông, đặc biệt là các trường ở thành phố lớn, còn bố trí thêm thời gian học tiếng Anh theo giáo trình tăng cường riêng của nhà trường. Các chương trình tăng cường này thường có tiết giáo viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy nhằm giúp cho học sinh chủ động lĩnh hội, nâng cao và phát triển kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết và giao tiếp Tiếng Anh.

Giáo trình tiếng Anh tăng cường được nhiều trường áp dụng là: Bộ sách Solutions - do trường Đại học Oxford biên soạn; Chương trình tiếng Anh tăng cường “BEP”; Chương trình Cambridge…

Một số trường trung học quốc tế đưa môn IELTS Preparation vào giảng dạy cho học sinh lớp 10, 11, 12.

Theo Ngân Anh

Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG