Thiếu kết nối chương trình tiếng Anh

Học sinh Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1, TP.HCM) trong giờ học tiếng Anh. Đây là một trong những trường tiểu học tại TP.HCM thực hiện chương trình thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3 theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học sinh Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1, TP.HCM) trong giờ học tiếng Anh. Đây là một trong những trường tiểu học tại TP.HCM thực hiện chương trình thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3 theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, từ nhiều năm nay nhiều địa phương đã mở các lớp tiếng Anh thí điểm cho học sinh tiểu học bắt đầu từ lớp 3. Sẽ không vấn đề gì nếu có sự tiếp nối mạch lạc, đồng bộ trong chương trình học khi các học sinh này bước vào THCS hay THPT.

Triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, từ nhiều năm nay nhiều địa phương đã mở các lớp tiếng Anh thí điểm cho học sinh tiểu học bắt đầu từ lớp 3. Sẽ không vấn đề gì nếu có sự tiếp nối mạch lạc, đồng bộ trong chương trình học khi các học sinh này bước vào THCS hay THPT.

Không chỉ là lãng phí

Cả phụ huynh lẫn nhà quản lý giáo dục tại TP.HCM lúng túng khi nhiều học sinh tham gia chương trình này ở bậc tiểu học trong suốt 3 năm không thể học tiếp chương trình tiếng Anh thí điểm khi lên THCS. Lý do không phải quận nào mở chương trình ở bậc tiểu học đều tiếp tục triển khai ở bậc THCS.

Thế là những học sinh này buộc phải lựa chọn 2 con đường: học các lớp tiếng Anh tăng cường nếu đạt sau một kỳ kiểm tra hoặc theo học chương trình lớp 6 bình thường - nghĩa là bắt đầu lại theo kiểu “What’s this? - It’s a book”.

Nhiều tỉnh lãng phí mua sắm thiết bị

 Năm 2014 thanh tra Bộ GD-ĐT đã  thanh tra tại 6 địa phương: Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Nguyên, Hậu Giang, Sóc Trăng về việc thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Kết quả thanh tra đã cho thấy, khi có kinh phí, các địa phương đều mua sắm thiết bị nhưng ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng lãng phí. Mua thiết bị hiện đại, nhiều tính năng, đắt tiền nhưng không trang bị phần mềm dạy học tiếng Anh. Bên cạnh đó, công tác tập huấn, sử dụng thiết bị chưa kỹ nên giáo viên chưa khai thác hết tính năng của thiết bị. Một số địa phương ngân sách mua thiết bị rất lớn nhưng vốn đối ứng để nâng cấp cơ sở vật chất yếu nên cách âm các phòng học không đảm bảo, ẩm thấp, thiết bị xuống cấp, nhanh hỏng... 

Tuệ Nguyễn

Chương trình tiếng Anh tăng cường ở TP.HCM bắt đầu từ năm học 1998 - 1999 đến nay cũng lúng túng về chương trình học, giáo trình ở các cấp học.

Sau khi hoàn thành chương trình bậc tiểu học, dù có thể theo tiếp ở lớp 6 nhưng để đảm bảo chương trình của Bộ GD-ĐT nên học sinh vẫn phải học mỗi tuần 3 tiết theo sách tiếng Anh của Bộ hệ 7 năm, bắt đầu từ những kiến thức đơn giản như “How are you?”, “I’m fine, thank you” bên cạnh 5 tiết tiếng Anh tăng cường theo giáo trình riêng.

Đến khi vào THPT, các trường thực hiện chương trình tăng cường càng ít đi và do có kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nên nếu học sinh nào theo học tăng cường tiếng Anh 9 năm nhưng không trúng tuyển được vào các trường THPT có chương trình này đành phải học chương trình bình thường của Bộ, với bộ sách giáo khoa đã tồn tại hơn 10 năm nay, lại phải quay về nhai lại các kiến thức, kỹ năng đã học. Thử hỏi có điều gì làm các em chán học hơn thế?

Đây không chỉ là một sự lãng phí to lớn. Đây là sự thiếu trách nhiệm với học sinh; với trí óc non nớt của mình, các em không hiểu vì sao phải làm cái điều phi lý ấy (nhất là các em lớp 6 phải học song song cả sách cũ lẫn sách mới). Từ đó thói quen làm theo hình thức bất kể tính hợp lý sẽ dần hình thành ở các em.

Bắt đầu vào năm học mới, đã thấy tin về nhiều cuộc hội thảo chẳng hạn “giảng dạy tiếng Anh theo định hướng chuẩn quốc tế TOEFL Primary” rồi các chương trình quảng cáo lấy các chứng chỉ tiếng Anh Starters, Movers, Flyers...

Cho các em làm quen với các loại bài thi quốc tế như vậy cũng tốt nhưng thực tế các em sẽ vẫn phải làm bài thi theo kiểu cũ với sách giáo khoa cũ - tất cả tạo ra sự hoang mang lúng túng ở ngay cả phụ huynh chứ không riêng gì học sinh. Chẳng lạ gì, năm học 2013 - 2014, trên bình diện cả nước, chưa tới 16% học sinh lớp 12 đăng ký chọn môn tiếng Anh để thi tốt nghiệp.

Những điều cần thay đổi

Tất cả những điều này là do Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 không được biên soạn theo đúng thực tế VN và việc triển khai không đồng bộ, chỉ mạnh ở những khâu nào có thể xã hội hóa mà trong nhiều trường hợp thực chất là thương mại hóa. Vậy là tiền ngân sách cứ thoải mái rót vào những khâu như mua sắm máy móc để trùm mền, bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn châu Âu khá xa lạ, tốn tiền mà khi kiểm tra vẫn ít người đạt.

Cho đến nay, đã 6 năm sau khi đề án được phê duyệt vẫn chưa có sự rạch ròi giữa chương trình tiếng Anh thí điểm (từ lớp 3 đến lớp 12) và chương trình tiếng Anh cũ (từ lớp 6 đến lớp 12). Hiện trong nhà trường có rất nhiều loại lớp tiếng Anh, nhiều chương trình, nhiều tài liệu giảng dạy mà chưa có sự thống nhất để khỏi trùng lắp hay thiếu kết nối.

Một khi chưa thay đổi được chương trình và sách giáo khoa phổ thông thì việc yêu cầu giáo viên phải đạt chuẩn châu Âu liệu có ích lợi gì, giáo viên dự các lớp bồi dưỡng về rồi làm gì với cái chương trình cũ, sách giáo khoa cũ?

Thực tế cho thấy ở nhiều địa phương hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng đổ vào trang bị các phòng dạy ngoại ngữ đắt tiền nhưng hầu như không được sử dụng. Chương trình và sách giáo khoa chưa thay đổi đồng bộ thì làm sao áp dụng trang thiết bị cho có hiệu quả được?

Thiết nghĩ nếu thật sự mong muốn nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh, xin hãy điều chỉnh đề án này lại để phù hợp với thực tế của VN ở thời điểm này cũng như cả chục năm tới.

Việc điều chỉnh đầu tiên là nghiêm cấm bất kỳ hiện tượng lợi dụng cái đề án này để thương mại hóa, kiếm tiền trên ngân sách hay túi tiền của phụ huynh. Điều này đã và đang gây bức xúc trong dư luận. Hãy chấm dứt việc xây các phòng lab rồi bỏ không, rồi tốn tiền vào các loại bảng tương tác mà hiệu quả chẳng biết tới đâu. Hãy dùng tiền đó làm phần mềm và trang web miễn phí cho học sinh tự học và giáo viên tham khảo.

Điều chỉnh đích nhắm tới, có lẽ chưa cần đến các chuẩn châu Âu khi chưa có đầy đủ, hoàn chỉnh chương trình và sách giáo khoa mới; chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm chưa đổi mới, việc thi cử đang như cũ.

Với những nước đang phát triển như VN, kỹ năng đọc hiểu là quan trọng nhất để người lao động sử dụng kỹ năng này và tiếp nhận thông tin kiến thức bằng tiếng Anh đang tràn ngập qua internet nhằm phục vụ cho nghề nghiệp của họ. Kỹ năng này mang tính dài hạn và bao quát hơn nhiều so với chuyện giao tiếp bằng tiếng Anh là điều có thể nhắm đến sau này.

Hiện nay, kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh của học sinh còn nhiều hạn chế mà một trong những lý do cũng bởi sách giáo khoa quá lạc hậu so với sự thay đổi chóng mặt trong nhiều lĩnh vực. Sự tụt hậu của các môn học khác cũng là lý do làm khả năng đọc hiểu càng khó nâng cao.

Cuối cùng, điều dễ làm nhất là Bộ hãy cải tiến việc thi cử đầu ra từ thi cuối năm, cuối cấp đến thi tốt nghiệp phổ thông, tuyển sinh đại học. Thi như thế nào sẽ định hướng việc học theo hướng đó.

Xong thí điểm ở tiểu học, học chương trình khác ở THCS!

Bắt đầu từ năm học 2010 - 2011, TP.HCM thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh lớp 3 (học 3 tiết/tuần) theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 ở 9 trường tiểu học: Đuốc Sống, Hòa Bình (Q.1); Phan Đình Phùng, Trương Quyền (Q.3); Phong Phú, Nguyễn Minh Quang (Q.9); Hồ Văn Cường, Âu Cơ (Q.Tân Phú); Nguyễn Thượng Hiền (Q.Gò Vấp).

Đến năm học 2013 - 2014, có 4 trường THCS: Hai Bà Trưng (Q.3), Minh Đức (Q.1), Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), Trung học Thực hành Sài Gòn (Q.5) thí điểm chương trình tiếng Anh Đề án 2020 ở bậc THCS.

Trên nguyên tắc, học sinh vào lớp 6 sẽ được phân bổ theo địa bàn dân cư hoặc theo tuyến của trường tiểu học. Như vậy, nếu thí điểm bậc tiểu học ở quận nào thì phải triển khai tiếp bậc THCS ở quận đó. Đằng này, ngoài Q.1 và Q.3 theo chương trình từ tiểu học đến THCS, Bộ lại chọn thí điểm ở Q.Bình Thạnh, Q.5 (bậc THCS) thay cho Q.Tân Phú và Q.Gò Vấp (bậc tiểu học).

Vì vậy, trong năm học 2013 - 2014 vừa qua, theo lãnh đạo Phòng Giáo dục Q.Gò Vấp, 40 học sinh đã học chương trình thí điểm ở Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền nếu đủ điều kiện thì vào chương trình tăng cường tiếng Anh, ngược lại phải học lại tiếng Anh bắt đầu từ lớp 6.

Trong khi đó ở Q.Tân Phú, ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng Giáo dục, cho hay để tránh lãng phí cũng như muốn học sinh tiếp tục theo học chương trình khép kín nên quận xin ý kiến để 2 trường THCS Thoại Ngọc Hầu và Hùng Vương triển khai. Khi Bộ tổ chức tập huấn giáo viên, triển khai sách giáo khoa thì phòng đưa giáo viên đi tập huấn nhờ.

Theo Nguyễn Vũ Phan - Bích Thanh
Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG