Hàn Quốc nói Triều Tiên muốn mua rượu, complê trước khi quay lại đàm phán với Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. (Ảnh: KNCA)
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. (Ảnh: KNCA)
TPO - Triều Tiên muốn được dỡ bỏ các biện pháp cấm xuất khẩu kim loại, nhập khẩu xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu và xa xỉ trước khi tái khởi động đàm phán về phi hạt nhân với Mỹ, các nghị sĩ Hàn Quốc hôm nay cho biết.

Bình Nhưỡng muốn nới lỏng hạn chế xuất khẩu hàng xa xỉ để nước này có thể nhập khẩu rượu và quần áo, các nghị sĩ Hàn Quốc cho biết sau cuộc họp với ông Park Jie-won, giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia (NIS).

Cuộc họp diễn ra 1 tuần sau khi hai miền nối lại các đường dây nóng mà Triều Tiên ngắt từ 1 năm trước, là gợi ý đầu tiên của Triều Tiên sau nhiều tháng cho thấy nước này muốn quay lại đối thoại.

“Đặt ra điều kiện tiên quyết để nối lại đối thoại, Triều Tiên cho rằng Mỹ nên cho phép xuất khẩu khoáng sản và nhập khẩu xăng dầu và hàng hoá thiết yếu”, ông Ha Tae-keung, thành viên Uỷ ban tình báo quốc hội Hàn Quốc dẫn lời ông Park cho biết.

“Tôi hỏi những hàng thiết yếu nào họ muốn nhất, họ nói rằng họ cần cả rượu mạnh cao cấp và complê, không chỉ để phục vụ lãnh đạo mà cả giới thượng lưu ở Bình Nhưỡng”, ông Ha nói.

Báo chí Triều Tiên không nêu yêu cầu gì để nối lại đối thoại.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc áp hàng loạt biện pháp trừng phạt Triều Tiên vì chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Triều Tiên thực hiện 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006 và thử các loại tên lửa có thể tấn công Mỹ.

Mỹ, Nhật và Hàn Quốc cũng áp các biện pháp trừng phạt riêng với Triều Tiên.

Kim Byung-kee, một nghị sĩ Hàn Quốc khác, nói rằng Triều Tiên có vẻ “tích tụ bất mãn” với Mỹ vì Washington không nhượng bộ dù Bình Nhưỡng đã trì tạm hoãn thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.

“Mỹ nên đưa họ quay lại bàn đối thoại bằng cách điều chỉnh một số biện pháp trừng phạt”, ông Kim dẫn lời ông Park.

Các nghị sĩ Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên đang cần khoảng 1 triệu tấn gạo ngay cả khi phải dùng đến kho dự trự quốc gia, vì nền kinh tế đã bị tàn phá vì đại dịch COVID-19 và thiên tai.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc tuần trước nói rằng kinh tế Triều Tiên trong năm ngoái đã suy giảm mạnh nhất trong vòng 23 năm qua.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG