10.000 ha lúa nguy cơ thiếu nước
Từ thời kỳ lúa đẻ nhánh hồi tháng 4/2023, 3 sào lúa vụ Đồng Xuân của gia đình ông Phan Văn Vinh ở xã Cát Văn (Thanh Chương, Nghệ An) đã bị thiếu nước trầm trọng. Phun thuốc cỏ xong mà không có nước để chăm sóc, lá lúa chuyển sang màu đỏ vàng.
Sau khi người dân liên tục kêu cứu, trạm bơm Thanh Văn đã tăng công suất nên số lúa đã gieo được cứu kịp thời. Tuy nhiên, đầu tháng 5, khi cây lúa bắt đầu trổ bông, tình hình hạn hán lại tái diễn. Hồ chứa thuỷ điện Bản Vẽ, Khe Bố và Chi Khê (Nghệ An) dù khát nước, vẫn phải tăng lưu lượng xả nước lần thứ 3 để “cứu” hơn 1.000 ha lúa của 2 huyện Thanh Chương và Đô Lương.
“Hiện các hộ dân trên địa bàn chuẩn bị bước vào sản xuất Hè Thu. Nhiều gia đình bắt đầu gieo mạ nhưng nắng nóng diễn ra gay gắt nên lúc có nước, lúc không. Bà con đang băn khoăn về công tác thủy lợi khi vào chính vụ”, ông Vinh lo lắng.
Nghệ An là một trong những địa phương được đánh giá chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi tình trạng nắng nóng hiện nay. Thống kê của Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện các hồ thủy lợi ở khu vực Bắc bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ có trữ lượng nước đạt trung bình khoảng 40-50% dung tích thiết kế, ở khu vực Trung bộ ở mức từ 50-70% dung tích thiết kế.
Với dung tích như vậy, Cục Thủy lợi dự báo đến cuối tháng 5, ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ về cơ bản đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Còn với các tỉnh Bắc Trung bộ, vào điểm cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài một số vùng có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ảnh hưởng tới 7.500-10.000 ha canh tác. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 2.000-3.000 ha, Nghệ An có khoảng 4.000-5.000 ha, Hà Tĩnh 300 ha; Quảng Bình 100-600 ha; Quảng Trị 1.000 ha; Thừa Thiên - Huế 100 ha.
“Với diễn biến thời tiết còn nhiều thay đổi, tác động của El Nino phải chờ đến cuối tháng 6 mới dự báo được chính xác. Tuy nhiên, trong tháng 7, tháng 8, tình trạng hạn hán, thiếu nước xảy ra cục bộ tại một số khu vực và địa phương. Sang tháng 9, tình trạng này bắt đầu ảnh hưởng rõ hơn”
Ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Thủy lợi
“Các diện tích này cần tăng cường các giải pháp thủy lợi như bơm dã chiến, đắp đập tạm, nạo vét kênh mương, tưới tiết kiệm nước,... đồng thời theo dõi và phối hợp chặt chẽ với các nhà máy thủy điện xả nước để bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất”, Cục Thủy lợi cho hay.
Trong khi đó, ở khu vực Nam Trung bộ, theo Cục Thủy lợi, hiện chỉ còn một số khu vực chưa thu hoạch nên nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất cho đến hết vụ Đông Xuân. Vụ Hè Thu, toàn vùng gieo trồng khoảng 350 nghìn ha cây trồng hằng năm, trong đó có khoảng 3.000-3.500 ha trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn. Ở khu vực Tây Nguyên và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất cùng với thời kỳ mùa mưa nên nguồn nước cơ bản được đảm bảo.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cho biết, Cục đang theo dõi sát tình hình tại các địa phương.
Hạn hán sẽ kéo dài đến năm sau
Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, tình trạng nắng nóng và hạn hán năm nay dự báo có thể tác động tiêu cực đến cây lúa, cây ăn quả và một số cây trồng khác. Hiện tại, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Do ảnh hưởng El Nino, tình trạng hạn hán có thể kéo dài tới năm sau |
Đối với lúa, ông Đức cho biết, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương thực hiện tưới tiết kiệm; và sử dụng các giống chịu hạn và giống ngắn ngày. Căn cứ vào nguồn nước và tình hình hạn hán, kế hoạch sản xuất phải linh động, cùng một vùng, cùng một cánh đồng phải tiết kiệm nước.
Với cây ăn quả, đây là nhóm phục vụ cho xuất khẩu và nội địa quan trọng, chịu ảnh hưởng rất lớn của hạn hán, nắng nóng. Do vậy, với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương cần tạo và trữ nguồn nước ngay từ bây giờ. Với loại cây ra nhiều quả, quả quá sai, quả nhỏ phải tỉa cành để tiết kiệm nước. Đặc biệt, trong giai đoạn hạn hán cũng như những vùng không có nước tưới, đề nghị các địa phương xem xét không để bà còn trồng mới hoặc ghép cải tạo, như vậy sẽ rất rủi ro.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hiện tình hình hạn hán chưa vào đợt cao điểm. Dự báo khoảng tháng 7 đến tháng 10 mới xuất hiện hạn nặng.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, ảnh hưởng của El Nino lần này được dự báo sẽ kéo dài như giai đoạn 2014-2016. Bộ đang tổng hợp đánh giá để đưa ra các giải pháp tổng thể không chỉ trong năm 2023 mà cho cả những năm tiếp theo vì những diễn biến đã có tính chu kỳ ngày càng khắc nghiệt của thời tiết. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tổng thể cho giai đoạn từ năm 2023-2025, tránh tình trạng bị động, chạy theo thời tiết gây ảnh hưởng đến sản xuất.