Lúa đắng
Xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ, Bình Định) là một trong những địa phương đang chịu trận ghê gớm nhất từ nắng nóng. Nắng hạn trúng mùa lúa đang trổ đòng nên cứ ngày một héo quắt lại, bông lúa đen sì, người dân đành cắt cho bò ăn.
Bà Thân Thị Cúc nhọc nhằn ôm từng ôm lúa non mang về. Nhà có 3 sào lúa thì mất trắng hơn 1 sào. Đất cằn ít được mùa, mấy năm trước còn được 2 tạ/sào, đủ cho 6 miệng ăn. Mấy hôm nay cả nhà thay phiên nhau trực ở ngoài ruộng để tìm nước. Cũng như nhiều hộ khác bà Cúc đầu tư một máy bơm nước, khoan sâu xuống tìm nước. “Không biết có được hạt lúa nào chứ hôm trước mới cháy cái máy bơm hết cả nửa triệu bạc rồi”, bà Cúc thở dài.
Cạnh đó, ruộng nhà ông Sỏi, bà Lan cũng đã cắt hết cho bò. Diện tích lúa còn lại cũng đang cố gồng mình trên mảnh ruộng khô khốc.
Ông Hồ Văn Long, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tài thống kê, cả xã có khoảng 1.600 ha đất canh tác, trong đó 519 ha lúa nhưng chỉ 354 ha sản xuất vụ hè thu. Hiện, khoảng 150 ha bị khô cháy, 80 ha mất trắng, 70 ha diện tích đất không sản xuất được. 760 ha mỳ cũng đang quay quắt vì nắng hạn. “Dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Từ đầu năm tới giờ nắng hạn liên tục mà chẳng có mưa. Cứ đà này thì dễ mất hết cả lúa lẫn màu”, ông Long nói.
Nhiều lần trong các cuộc họp, dân la làng, cán bộ cũng sốt ruột. Chỉ kịp nghe cấp trên thông báo đồng ý cho xây 4 ao chống hạn (6 triệu đồng/ao), xã phải vay ngân sách từ hợp tác xã để làm ngay. 4 ao tưới được cho 30ha. Ngoài ra người dân cũng tự đào thêm vài chục ao để cứu lúa.
Đỏ mắt tìm nước
Giữa trưa nắng như đổ lửa, nông dân vẫn đổ ra đồng. Người xách ống nước, máy nước lùng khắp ruộng tìm khoan mạch nước. Người cuốc xẻng đào những giao thông hào, đào giếng chống hạn. Nghe đâu có nước mọi người lại nhốn nháo chạy tới, trầy trật kiếm từng giọt nước để cứu từng cây lúa đang quay quắt khát.
Ông Đặng Thanh Liên (59 tuổi, thôn Mỹ Hội 3, xã Mỹ Tài) hì hụi một mình đào kênh dẫn nước. Phía sau lưng ông, rãnh đào dài ngoằn ngoèo như những giao thông hào. Cái hốc nơi ông đang đứng sâu gần 2m, lút cả đầu người nhưng vẫn chưa rỉ ra giọt nước nào. Nhà 6 người, có ba sào rưỡi ruộng nhưng đã cắt gần hai sào cho bò. “Mấy năm trước làm đủ 3 vụ thì được khoảng hơn 5 tạ xem như đủ ăn. Nhưng năm nay thì không biết có được hạt thóc nào không?!”, ông nói như khóc.
Ông Đặng Đình Thúc, chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Mỹ Hội 3, nhìn cái ao chống hạn thở dài, ngao ngán. “Cứ 5 tiếng đợi thì bơm được nửa tiếng. Mỗi lần bơm được 3 khối nước chẳng thấm vào đâu”. Ao rộng khoảng hơn 20m2, sâu 3,5m, được đào để phục vụ nước cho 57 hộ dân. Nhưng cả tuần nay mới bơm được cho 10 hộ, còn 47 hộ nữa. Cũng chia nhau tưới thấm chứ nước đâu ra mà chống hạn” - ông nói. Mấy năm trước còn được cơn mưa tiểu mãn (cuối tháng 5 dương lịch) nhưng năm nay thì không có hẳn. Các xã lân cận như Mỹ Quang, Mỹ Hiệp còn được chút mưa, còn Mỹ Tài không được giọt nào.
Nhiều người sẵn ruộng thuê máy cẩu về đào giếng, chắt nước bán cho dân. Cả đám người vây quanh cái giếng do nhà anh Đặng Văn Long bỏ tiền tự thuê máy xúc đào. Hai sào đất này trước là mảnh ruộng để không, nay anh Long đào ao tìm nước cứu ruộng nhà mình và bán nước cho các hộ xung quanh với giá 15.000 đồng/ giờ. Nếu tìm trúng mạch, khả năng ao cung cấp nước cho 4ha.
Ruộng khô, người khát
Tại xã Mỹ Chánh (Phù Mỹ), người dân vẫn phải rồng rắn đi gánh nước sinh hoạt. Theo ông Trần Văn Sang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, khoảng 70% giếng nước trong xã bị nhiễm phèn, mặn nên người dân phải đi qua xã lân cận mua nước. Nước khan hiếm khiến giá nước tăng gấp rưỡi, cuộc sống người dân bị đảo lộn. HTX Điện - nước Mỹ Chánh – đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nước cho toàn xã, hiện có 3 máy nhưng chỉ 1 máy hoạt động, 1 máy bơm thử và 1 máy bị cháy. Hàng ngàn hộ đang không có nước sinh hoạt.
Theo Sở NN&PTNT Bình Định, toàn tỉnh có 7.682 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Có 4.628 ha lúa hè thu ảnh hưởng nắng hạn, trong đó Phù Mỹ 2.114 ha, ngoài ra các huyện khác như Hoài Ân, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, Tuy Phước… Trong 7 ngày tới, nếu tiếp tục nắng nóng, không mưa sẽ có khoảng 10.000 ha lúa bị khô hạn. Tại huyện Phù Mỹ, hiện, các hồ chứa nước chỉ đạt 27,3% thiết kế (12/43,92 triệu m3). Nếu từ nay đến cuối vụ không có mưa hoặc mưa rải rác, sẽ có khoảng 1.100 ha lúa và hơn 1.000 ha cây trồng cạn bị thiếu nước, khả năng giảm năng suất từ 70% trở lên.