Hải Vân Quan 'khoác áo mới' ngày đầu đón khách sau hơn 2 năm đóng cửa
TPO - Ngày 1/8, sau hơn 2 năm đóng cửa để thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi, di tích Hải Vân Quan chính mở cửa phục vụ du khách miễn phí. Hàng trăm du khách trong và ngoài nước đã về đây để vãn cảnh, tham quan di tích và check-in trên đỉnh đèo Hải Vân.
Hải Vân Quan được mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" được xây dựng trên đỉnh đèo Hải Vân ở độ cao 490 m so với mặt nước biển, nơi giáp vai giữa hai ngọn Hải Vân Sơn (phía đông) và Bà Sơn (phía tây), thuộc dãy núi Bạch Mã - Hải Vân. Di tích thuộc địa phận của thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Hải Vân Quan cách trung tâm Huế khoảng 90 km về phía Nam, cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 28 km về phía Bắc.
Hình ảnh Hải Vân Quan trước và sau 2 năm thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia này.
Được mệnh danh là Thiên hạ đệ nhất hùng quan, di tích Hải Vân Quan được xây dựng vào năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng. Đây là nơi có vị trí chiến lược, quân sự vô cùng quan trọng dưới triều Nguyễn. Vì nằm giữa ranh giới hai địa phương nên có thời gian dài di tích này lâm cảnh "cha chung không ai khóc", xuống cấp nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ đổ sụp. Tháng 4/2017, lãnh đạo ngành văn hóa Đà Nẵng và Huế đã bắt tay nhau trùng tu, sau khi Hải Vân quan được công nhận là di tích cấp quốc gia. Tháng 12/2021, dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan chính thức được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư do hai địa phương cùng đóng góp.
Thiên hạ đệ nhất hùng quan được tu bổ phần trên dựa trên các hình ảnh tư liệu về Hải Vân Quan. Trước khi tiến hành thực hiện việc tu bổ, phục dựng một đợt khảo cổ đã được tiến hành ở khu vực Hải Vân Quan và có nhiều phát hiện thú vị.
Đơn vị thi công thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia Hải Vân Quan là Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Phân viện miền Trung đã dùng đá mồ côi để việc xây dựng tường thành để đảm bảo mỹ quan và đúng với nguyên gốc của di tích. Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia Hải Vân Quan có thể coi là sản phẩm của tình đoàn kết giữa 2 địa phương trong việc cùng chung tay bảo tồn phát huy giá trị di sản của di tích.
Khách tham quan Hải Vân Quan trong ngày đầu tiên mở cửa miễn phí sau hơn 2 năm di tích đóng cửa để phục vụ quá trình tu bổ, tôn tạo và phục dựng. Hệ thống cửa Hải Vân quan đã được tu bổ theo các dấu tích nguyên gốc triều Nguyễn, thời vua Minh Mạng năm 1826, thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối, cổng đá Thanh, tường phía trên xây gạch vồ...
Trong ngày đầu mở cửa đón khách tham quan miễn phí, Hải Vân Quan đã đón hàng trăm lượt du khách tham quan, thưởng lãm công trình di tích nằm trên đỉnh đèo Hải Vân hùng vĩ.
Du khách trong và ngoài nước thích thú check-in ở Hải Vân Quan trong ngày đầu mở cửa đón khách trở lại.
Nhà trú sở và nhà vũ khố ba gian được phục hồi theo dấu tích khảo cổ và ảnh tư liệu. Nhà xây tường gạch vâu ban, trụ gỗ có đế đá, mái ngói.
Nhà trú sở và nhà vũ khố - nơi làm việc, nghỉ ngơi của binh lính thời xưa, sẽ là nơi khách ghé đến đầu tiên.
Bên trong nhà trú sở là các chú giải bằng tiếng Việt và tiếng Anh về di tích Hải Vân Quan để khách tìm hiểu, trước khi tham quan toàn bộ công trình.
Nữ du khách thả dáng bên tường đá bên trong Hải Vân Quan.
Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP Đà Nẵng cho biết hai địa phương xác định Hải Vân Quan là di sản quốc gia nên đã phối hợp để thực hiện dự án để đưa vào tham quan phục vụ du khách và phát huy giá trị lịch sử của công trình.
Di tích Hải Vân Quan nhìn về phía nam, bao quát được toàn bộ thành phố và vịnh Đà Nẵng. Từ năm 1945 đến 1975, nhiều hạng mục công trình quân sự được xây dựng thêm ở Hải Vân quan để quân lính trấn giữ con đường huyết mạch bắc nam. Trên đỉnh của hai cổng Hải Vân Quan và "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" được xây thêm những hệ thống pháo đài công sự để quan sát và đặt súng ống, xung quanh có nhiều lô cốt. Sau trùng tu, các pháo đài công sự trên đỉnh hai cổng đã được hạ giải, còn lại 5 lô cốt được tu bổ, chống xuống cấp để giữ lại dấu tích lịch sử.
Ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - cho biết di tích Hải Vân Quan sẽ mở cửa miễn phí cho đến khi hai địa phương thống nhất việc xây dựng bảng giá vé phù hợp. Hiện, Hải Vân Quan vẫn còn thiếu hạ tầng để phục vụ du lịch, hai địa phương sẽ cố gắng khắc phục những điểm còn thiếu sót để phục vụ du khách được tốt hơn.