Tiếng trống, chiêng lịch sử ở Hải Vân Quan

0:00 / 0:00
0:00
Hải Vân Quan sẽ được trùng tu tôn tạo. Ảnh: Nguyễn Thành
Hải Vân Quan sẽ được trùng tu tôn tạo. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Ngày 19/12, ba hồi trống đi kèm những hồi chiêng đã được lãnh đạo tỉnh TT-Huế và TP Đà Nẵng gióng lên trên đỉnh Hải Vân Quan trong mây mù, gió bão bập bùng. Mấy chục năm qua Hải Vân Quan trơ gan cùng tuế nguyệt, hoang phế cùng thời gian cũng chỉ vì lòng người chưa thuận. Nỗi đoạn trường đã qua, Hải Vân Quan rồi đây sẽ được hồi sinh để xứng danh Thiên hạ Đệ nhất hùng quan.

Đà Nẵng đánh trống, Huế cùng gõ chiêng

Gió rít, giật mạnh từng đợt như muốn lật tung phông, bạt vừa được dựng lên dưới chân cổng Hải Vân Quan. Bão số 9 áp sát đất liền, đỉnh đèo bịt bùng trong mưa lớn nhưng lễ khởi công dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan vẫn diễn ra theo đúng lịch đã hẹn giữa hai địa phương.

Sau phần phát biểu ngắn gọn của lãnh đạo ngành văn hóa hai địa phương là nghi thức khởi công dự án trùng tu. Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đánh từng hồi trống, phía bên kia người đồng cấp của tỉnh TT-Huế ông Nguyễn Thanh Bình cũng gióng những hồi chiêng. Tiếng trống, chiêng trên đỉnh Hải Vân Quan vang vọng trong mây mù, gió rít, mưa sa như báo hiệu lòng người đã thuận, Hải Vân Quan hết nỗi đoạn trường. Thêm những cái bắt tay lịch sử của lãnh đạo hai bên giữa mây mù thể hiện quyết tâm bảo tồn, tôn tạo di tích chung trước nguy cơ mai một.

Tiếng trống, chiêng lịch sử ở Hải Vân Quan ảnh 1

Lãnh đạo TP Đà Nẵng đánh trống, lãnh đạo TT-Huế gõ chiêng khởi công dự án trùng tu, tôn tạo Hải Vân Quan. Ảnh: Nguyễn Thành

Vẫn nhớ như in cuộc làm việc đầu tiên cùng những cái “bắt tay lịch sử” của lãnh đạo ngành hai bên hôm 24/4/2017 bàn việc tôn tạo di tích ngay trên đỉnh đèo đúng 10 ngày sau khi Bộ VH-TT&DL có Quyết định 1531 ngày 14/4/2017 công nhận Hải Vân Quan là Di tích cấp Quốc gia. Một biên bản ghi nhớ phối hợp thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan đã được ký kết ngay sau buổi làm việc đó.

Ngày 20/2/2019, sau nhiều thảo luận UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh TT - Huế mới đạt được bản thỏa thuận thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Theo đó, sau khi dự án được phê duyệt, TP Đà Nẵng chịu trách nhiệm chuyển 50% kinh phí cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế theo tiến độ để thực hiện dự án. Cùng với đó, hai bên sẽ chỉ đạo ngành văn hóa, thể thao và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, cơ chế quản lý, duy tu, bảo dưỡng, phát huy giá trị và khai thác dịch vụ du lịch của di tích đảm bảo lợi ích chung. Và rồi đến 19/12 với nhiều nỗ lực cố gắng, dự án đã được khởi công.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Đơn vị được UBND tỉnh TT- Huế giao làm chủ đầu tư dự án), cho biết: UBND tỉnh TT-Huế đã tổ chức hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan là cơ sở quan trọng để các sở, ban ngành, các nhà khoa học nghiên cứu có giải pháp tu bổ, bảo tồn di tích hợp lý nhất trong thời điểm hiện nay, nhằm phát huy hết giá trị về lịch sử, du lịch của di tích.

TT-Huế và Đà Nẵng tuy là hai nhưng mà như một, cùng quyết tâm nỗ lực triển khai công tác trùng tu di tích một cách chuẩn mực với chất lượng cao nhất. Việc cùng nhau trùng tu, tôn tạo Hải Vân Quan có thể coi là sản phẩm của tình đoàn kết giữa 2 địa phương trong việc bảo tồn phát huy giá trị di sản của cha ông để lại. Hi vọng trong thời gian không xa Hải Vân Quan sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, tự hào của con dân xứ Thuận Quảng xưa và Huế - Đà Nẵng ngày nay”, ông Trung nói.

Hải Vân Quan trường tồn

Theo phương án trùng tu Hải Vân Quan và Thiên hạ Đệ nhất hùng quan sẽ được tháo dỡ toàn bộ các lô cốt phía trên đến nền gốc tích thời Nguyễn. Cửa Hải Vân Quan, cửa Thiên hạ Đệ nhất hùng quan sẽ được tu bổ theo các dấu tích nguyên gốc. Hệ thống tường thành nhà Nguyễn cũng được phục hồi bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ học và dấu vết trên tường hông Hải Vân Quan và Thiên hạ Đệ nhất hùng quan.

Tiếng trống, chiêng lịch sử ở Hải Vân Quan ảnh 2

Công nhân tháo dỡ những viên đá, gạch đầu tiên sau lễ khởi công. Ảnh: Nguyễn Thành

Cùng đó, phục hồi tuyến bậc cấp từ Hải Vân Quan xuống phía Đà Nẵng theo dấu vết khảo cổ bằng đá, phục hồi tuyến đường Thiên Lý từ Thiên hạ Đệ nhất hùng quan đi tỉnh TT-Huế bằng đá xếp truyền thống…

Ông Trung cho biết: Để thực hiện dự án, Đà Nẵng và TT-Huế đã tạo lập một hình mẫu tiêu biểu về việc phối hợp trong công tác bảo tồn, khôi phục di sản bắt đầu từ việc sưu tập dữ liệu nghiên cứu khoa học, khảo cổ, hội thảo, lập dự án, thiết kế triển khai thi công giám sát. Áp dụng một số công nghệ tiên tiến như công nghệ 3D, xây dựng ngân hàng dữ liệu số về Hải Vân Quan đầy đủ và chuẩn mực. Những công nghệ này không chỉ góp phần lan tỏa giá trị di sản mà còn góp phần đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan trong thời gian trùng tu. Đặc biệt, khách đến tham quan được trải nghiệm không gian ảo 360 độ về Hải Vân Quan và Thiên hạ Đệ nhất hùng quan bằng nhiều ngôn ngữ. Du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển đến điện thoại những thông tin cơ bản về Hải Vân Quan. “Cùng với trùng tu, tôn tạo, Hải Vân Quan sẽ trường tồn, phát huy giá trị trong hệ thống cơ sở dữ liệu được lưu trữ”, ông Trung cho biết.

NSND Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở VH&TT Đà Nẵng, người có nhiều trăn trở, gắn bó với những thăng trầm của di tích Hải Vân Quan trong hành trình tìm tiếng nói chung để bảo tồn di tích xúc động nhớ về cái bắt tay “lịch sử” của hơn 4 năm về trước lúc ông còn đương chức với người đồng cấp của TT-Huế.

Ông Hùng chia sẻ: Vì nhiều lý do, di tích Hải Vân Quan thời gian dài có nguy cơ trở thành phế tích trong nỗi xót xa của những người làm công tác văn hóa. Những năm qua, lãnh đạo hai địa phương, nhất là ngành văn hóa đã thể hiện trách nhiệm với tiền nhân, với lịch sử cùng nhau làm hồ sơ để xin xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đồng thời, tiến hành khảo cổ tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia để chuẩn bị chu đáo cho dự án.

"Quan trọng không phải sau này phát triển du lịch thu về bao nhiêu tiền mà là giữ gìn danh thắng, di tích này trường tồn để phát huy, lan tỏa điểm đến, giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử của cha ông. Phục vụ tham quan du lịch ở Hải Vân Quan không nên đặt nặng về kinh tế, nếu có thu cũng chỉ để tu bổ, tôn tạo di tích”, NSND Huỳnh Hùng nói.

Dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan với tổng mức đầu tư 42 tỷ đồng, mỗi địa phương đóng góp một nửa, trở thành dấu mốc đánh dấu cho những gì Hải Vân Quan đã chờ đợi ròng rã mấy chục năm qua.

MỚI - NÓNG