Hai thi sĩ mù xứ Nẫu

Hai thi sĩ mù xứ Nẫu
TP - Hai số phận kỳ lạ của 2 thi sĩ mù xứ Nẫu (tên gọi khác chỉ vùng đất Bình Định, Phú Yên đã đi vào ca dao tục ngữ từ lâu). Một người mới 2 tuổi đã mù mắt, mù chữ. Một bị mù khi đang ngồi trên ghế giảng đường đại học. Họ sáng tác hàng trăm bài thơ, cùng nhiều tài lẻ.
Anh Hòa giúp vợ đóng gói chè Thái Nguyên
Anh Hòa giúp vợ đóng gói chè Thái Nguyên.

Họ là thi sĩ mù Huỳnh Duy Siêng (71 tuổi, xã Hòa An) và Lê Đình Hòa (50 tuổi, phường Phú Lâm, cùng ở TP Tuy Hòa, Phú Yên)

Tiếng thơ - “Tiếng khóc của thằng …tôi”

Lão Siêng ở cuối thôn Đông Phước (Hòa An), trong căn phòng nhỏ hơn chục mét vuông nằm sát bên mé nhà của người em trai. Gần chục năm nay, cả gia đình từ bỏ phố thị ồn ào để về miền quê tĩnh lặng. Lão Siêng cẩn thận lấy ra cuốn sách nhàu cũ đủ các loại tiểu thuyết của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… và những tập vở ô ly.

Phần lớn bài thơ trong vở được chép bằng nét bút của người bạn là nhà thơ Nguyễn Châu Liêng (Phú Yên). Một số bài chỉ kịp viết tên, rồi gạch bỏ.

Thi sĩ Siêng bảo: Tôi “soạn” thơ trong đầu, nhẩm đi nhẩm lại cho nhớ, rồi gọi bạn đến chép giùm. Nhiều bài đang chép bị quên lửng mất nên đành chịu.

Ông Siêng có một số bài thơ được đưa vào SGK dạy học cho học sinh trước năm 1975. Như bài thơ “Về quê nội”, “Mưa” trong Quốc văn toàn thư (lớp Nhì), “Mặt trời trung thu” (ký bút danh Trà Bẩy) trong sách Việt ngữ tân thư (lớp Nhì) và “Em tôi” trong Việt ngữ tân thư (lớp Ba). “Về quê nội” là bài thơ đầu tiên của ông được in trong SGK. Những bài đăng SGK được nhuận bút rất cao. Ông Siêng kể, riêng nhuận bút bài thơ này ông đủ mua một đôi giầy xịn thời đó.

Về quê nội

Sung sướng quá tôi trở về quê cũ

Nhìn cánh đồng thẳng tắp lúa mênh mông

Tình quê hương thơm ngát đắm say lòng

Khoai bắp đậu uốn mình suông cánh gió

Về quê nội tôi thấy lòng gắn bó

Tình yêu thương rộng trải hết tâm hồn…

Ở tuổi thất thập, lão Siêng trông còn khá mạnh khỏe. “Bài thơ đầu tiên ông viết là gì ?”. “Làm sao nhớ được, tôi làm nhiều lắm, có lúc một ngày đến cả vài ba bài lận”- lão nói - “Cảm xúc đến đâu, làm đến đó.

Chỉ nhớ nhất những bài được SGK của chính quyền cũ thời trước đưa vào cho trẻ em học như “Quê nội”, “Quê hương tôi”, và cả trên báo Tiền Phong với bài “Tìm quên ta” cách đây vài chục năm rồi. Lão chầm chậm đọc: “Vần thơ đo nỗi nhớ/ Hoàng hôn tím quanh nhà/ Đêm nay bình hết rượu/ Làm sao tìm quên ta”.

Gần 30 tuổi, lão Siêng mới “tập tành” làm thơ. Người thường làm thơ đã khó, với lão lại càng khó hơn. Lão bị mù khi mới hơn 2 tuổi sau khi mắc thủy đậu.

“Đến giờ tôi cũng chẳng nhớ những gì mình kịp nhìn thấy khi còn sáng mắt”, lão kể. Bỏ chiếc kính râm, hai đôi mắt nhắm tịt của lão như cố hấp háy thoát ra khỏi ngục tối. Khiếm thị, cậu bé Siêng không thể đến trường. Mù chữ. Nhưng ham nghe đọc sách. 4-5 tuổi, Siêng theo mấy đám bạn chăn trâu, đưa tiền cho bạn nhờ mua sách rồi đem ra đồng đọc cho mình nghe.

“Hồi hơn 10 tuổi, tôi bắt đầu nghe đọc về các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tự lực văn đoàn, Nguyễn Du… Tôi tự tưởng tượng ra thế giới của mình trong văn chương. Khó nhất vẫn là cảm nhận màu sắc, sáng tối”.

Khả năng cảm nhận, liên tưởng như chất xúc tác mạnh mẽ dẫn chàng trai trẻ Duy Siêng “xuất khẩu thành thơ”. Tất cả hỉ, nộ, ái, ố, đều được gửi gắm trong thơ; lúc buồn, cô đơn, khi tràn trề hy vọng.

Nhưng nhiều nhất vẫn là nhóm đề tài thân phận, tự trách giận mình để thêm nghị lực phấn đấu, vượt qua nghịch cảnh:“Tiếng mưa hay tiếng khóc/ Tiếng khóc của thằng tôi/Mang kiếp nghèo lăn lóc/ Buồn như lá khô rơi… Chiều nay ra ngõ vắng/Lần bước một mình tôi/Ngác ngơ tìm ánh nắng/Mong sưởi ấm cuộc đời” (Ngày không nắng).

Bơi vượt đỉnh lũ

Chuyện lão Siêng hay bơi qua sông đào khoai sắn cho các bạn thơ không còn xa lạ. Từ nhỏ, biết mình khiếm thị, Siêng nhờ cha dẫn ra biển tập bơi. Tất cả phương hướng, vị trí đều được xác định bằng kinh nghiệm.

Dạo 7 tuổi, có lần Siêng theo bạn đến trường nghe lén thầy cô giảng bài ngoài lớp học. Lúc về trời mưa gió, cả vùng thấp trũng bị cô lập. Siêng sợ không dám về nhà. Gần nửa ngày tìm con, cuối cùng mẹ Siêng tìm được cậu bé khi đang ôm chặt mình vào cây tre giữa dòng nước lênh láng. Từ đó, Siêng quyết định học bơi.

Tác giả trò chuyện với thi sĩ mù Huỳnh Duy Siêng
Tác giả trò chuyện với thi sĩ mù Huỳnh Duy Siêng .

Nhiều nhà thơ trong nhóm Thơ Hương Trăng do lão Siêng góp sức gầy dựng (từ những năm 1990, sau đó giải thể) gặp nhau vẫn kể câu chuyện lão Siêng dẫn đầu cả nhóm bơi vượt đỉnh lũ như kỳ tích.

Số là năm 1993, khi nhóm Thơ Hương Trăng sinh hoat tại nhà một nhà thơ tên Hoàng trong nhóm. Bất ngờ, tối đó giông tố ngút trời, cả Tuy Hòa mưa như trút nước, con sông Chùa (xã Bình Ngọc, Tuy Hòa) bị lũ dữ cô lập. Cả nhóm thơ không thể về nhà bằng đường bộ.

“Mọi người hoảng loạn. Bất ngờ ông Siêng lớn tiếng nói chỉ có con đường qua sông là an toàn, kịp thời nhất. Rồi ông phóng mình xuống dòng nước cuộn chảy, bơi qua sông đến vài chục mét. Mọi người đi theo và thoát nạn”, nhà thơ Liêng kể.

“Có lẽ tại tôi không thấy gì nên không biết sợ. Lúc tới bờ nghe mọi người kể mới biết nước lớn và chảy mạnh”, lão Siêng cười nói.

Mê chất thơ giàu cảm xúc, khâm phục nghị lực của Nguyễn Duy Siêng, cánh văn thơ nghệ sĩ xứ Nẫu kết thân thành thi hữu với lão, nhiều không kể xuể. Bạn bè đọc sách cho cậu bé Siêng hồi nhỏ, giờ hầu hết đều mê thơ.

Nhà thơ Lê Khánh Nam (nguyên Chánh văn phòng UBND thị xã Tuy Hòa cũ) hay Nguyễn Hanh (tiến sĩ toán học giảng dạy ở ĐH Cần Thơ) là những người trong số đó.

Thi sĩ mù lấy vợ bằng thơ

Căn nhà nhỏ bên góc chợ Phú Lâm (TP Tuy Hòa) là nơi vợ chồng thi sĩ Lê Đình Hòa hàng ngày bán chè thương hiệu Thái Nguyên cho khách thập phương.

Nhà thơ mù Lê Đình Hòa
Nhà thơ mù Lê Đình Hòa.

Bị mù, anh Hòa tháo vát giúp vợ đóng gói chè, thu tiền. Lúc vui anh lại đọc thơ tặng khách. “Cuộc đời tôi nhờ thơ mà thêm nghị lực và cũng vì thơ mà có vợ”.

Nghe chồng khoe, trong nhà, chị Trần Thị Hạnh (hay gọi Hạnh Vân) tỏ ra… bối rối. Kém anh Hòa 1 tuổi, nhưng chị Vân nhìn trẻ hơn nhiều, đượm nét đẹp dịu dàng của người con gái xứ chè Thái Nguyên.

Chị Hạnh đột nhiên quyết định lấy thi sĩ mù xứ Nẫu từng làm râm ran giới thơ Phú Yên, như cổ tích. Chị Hạnh bảo: Mê thơ rồi mê luôn ảnh, chứ ai ngờ trước được nhân duyên.

Lớn lên như bao người bình thường, năm 1983, anh Hòa bước vào giảng đường ĐH Quy Nhơn. Khát vọng trở thành thầy giáo khoa Văn đổ sập khi đôi mắt anh dần mờ rồi tối hẳn sau cơn đau khớp, thần kinh.

Hơn năm trời chạy chữa khắp các bệnh viện, tây y rồi đông y, bệnh đau thấp khớp khỏi nhưng đôi mắt của chàng sinh viên năm 2 mờ dần. Vài tháng sau, anh nhận bệnh án: mắt mù hẳn. Bỏ học, đời anh như vực thẳm.

Trong lúc bế tắc, anh thử làm vài câu thơ cho khuây khỏa. Bạn bè đọc thấy hay nên động viên. Mỗi lần viết thơ, anh bẻ gập tờ giấy theo từng dòng để đánh dấu, ngắt đoạn, rồi cứ thế hình dung qua nét viết.

Làm khá nhiều thơ, nhưng đến bài “Nhớ Bùi Giáng”, viết năm 2001, trong lần vào khám mắt ở Sài Gòn, cái tên Lê Đình Hòa mới được sự chú ý.

Cũng nhờ tác phẩm này, anh được xét giải “Tình thơ” của Hội Văn học nghệ thuật TPHCM). Rồi tạp chí Tài hoa trẻ tìm đến và viết về thi sĩ mù Lê Đình Hòa.

Bài viết trên Tài hoa trẻ về anh Hòa đăng năm 2003, nhưng mãi đến năm 2005, duyên số thế nào, cuốn tạp chí đến tay chị Vân (quê Đại Từ, Thái Nguyên), đang là giáo viên mầm non ở huyện Ba Bể (Bắc Kạn).

Khâm phục, cảm thương số phận thi sĩ mù, chị Hoa chủ động viết thư làm quen. “Lúc đó tôi nhận được nhiều thư lắm. Thư chia sẻ, động viên, thư của thi hữu… nhưng riêng thư của Vân thì chỉ cần nhận đã gây được ấn tượng ngay. Vì thư không phải bằng giấy viết mà bằng một cuộn băng cassette”, anh Hòa kể.

Vội vàng mở ra nghe. Sau một bài hát của Trịnh Công Sơn, anh Hòa bỗng thấy chất giọng người con gái nhẹ nhàng đang tâm sự cùng mình.

Từ đó, hai người thư qua, thư lại. Ban đầu chỉ là những lời giới thiệu, làm thân, rồi cứ thế bày tỏ cảm xúc rất thật, rất riêng. Mỗi lần nhận thư từ phương Bắc, anh Hòa như thăng hoa cảm xúc, gửi thơ “thay lời muốn nói”.

Từ những bài thơ “Nhớ” ngụ ý xa xôi “Con sóng nhớ vùi đầu vào bờ cát”, đến bài “Thương về miền phương Bắc”, “Thương miền hoa phượng”, “Thương người gửi áo” và “Cõi Hạnh”.

Xiêu lòng trước “cõi lòng”của thi sĩ mù, đầu hè năm 2005, chị Hạnh bắt xe từ Bắc Kạn vào Phú Yên để gặp gỡ. Vài tháng sau chuyến đi, 2 người làm đám cưới giản dị trong gia đình anh Hòa.

“Buổi gặp đó, tôi càng thấy hai người tâm đầu ý hợp. Mình từng có một đời chồng nhưng cuộc sống không như ý muốn. Anh Hòa có những nỗi niềm riêng, nhưng cả hai cùng san sẻ”, chị Hạnh nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.