Giá trâu, bò, hải sản vẫn gấp rưỡi ngày thường
Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, quầy hàng bán thực phẩm đã hoạt động sôi động trở lại sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán. Các bà nội trợ đã thở phào nhẹ nhõm vì những thực phẩm bình dân như rau, củ, trái cây, thịt, cá thông thường đã về gần với mức giá bình thường.
Bà Nguyễn Thị Nga (phố Trung Kính, quận Cầu Giấy) cho biết: “Tôi thấy giá các loại thực phẩm phục vụ bữa ăn bình dân vẫn cao hơn bình thường chút ít nhưng chấp nhận được. Chẳng hạn, thịt lợn sấn các loại đang có giá giao động 85.000 - 90.000 đồng/kg, trong khi giá bình thường là 80.000- 85.000 đồng/kg; ngao có giá 20.000 đồng/kg, đắt hơn ngày thường 2.000 đồng/kg; cá trắm trắng trên 3kg/con có giá 80.000 đồng/kg, giá ngày thường khoảng 75.000 đồng/kg; cá chép có giá 75.000 đồng/kg, giá ngày thường khoảng 70.000 đồng/kg. Các loại rau xanh thì gần như không có sự biến động về giá”.
Chị Trần Thị Hà Anh (khu tập thể Học viện Tài chính, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Cứ nghĩ sau Tết giá các loại rau củ quả, trái cây, thực phẩm sẽ đắt nên tôi đã mang khá nhiều đồ từ quê lên. Nhưng hôm nay đi chợ mới thấy rau xanh là một trong những thứ cần dùng nhiều nhất để ăn lẩu giá vẫn như ngày thường. Thậm chí, nếu đi chợ muộn còn được mua rất rẻ vì người bán hàng kiêng đi chợ đầu năm phải mang hàng ế về nhà”.
Tuy nhiên, toàn cảnh thị trường thực phẩm tươi sống vẫn chưa được lòng các bà nội trợ vì một số mặt hàng giá cao vút khiến người mua ngao ngán. Bà Vi Thị Ngát (phố Hào Nam, quận Đống Đa) chia sẻ: “Nhà tôi dự định làm một trong hai món lẩu. Một là lẩu hải sản, hai là lẩu riêu cua bắp bò và làm thêm một vài món hải sản nhưng khi đi chợ kiểm tra giá cả nguyên liệu làm hai món lẩu này đều rất “chát”.
Thịt thăn bò thì giá tới 340.000 đồng/kg; bắp bò 320.000 đồng/kg đắt hơn ngày thường tới 70.000 đồng/kg. Giá hải sản cũng đắt không kém: tôm chân trắng loại 30 con/kg 320.000 đồng/kg trong khi giá ngày thường là 250.000 đồng/kg; tôm sú loại 28 - 30 con/kg giá 400.000 - 420.000 đồng/kg, đắt hơn ngày thường gần 100.000 đồng/kg; ngao hoa cũng tăng từ 80.000 đồng/kg lên 130.000 - 140.000 đồng/kg; sò huyết thì giá cao gấp đôi lên tới 80.000 đồng/kg; cua, ghẹ cũng có giá cao hơn bình thường từ 50.000 - 70.000 đồng/kg”. Nguyên nhân tăng giá chủ yếu được các tiểu thương giải thích là do nguồn hàng cung ứng về các chợ sau Tết còn khan hiếm. Với những mặt hàng giá đang cao này phải đợi qua Rằm tháng Giêng, nguồn cung ổn định thì giá cả sẽ trở lại bình thường.
Hải sản ở siêu thị bị chê
Hoàn toàn khác với sự “vống” giá quá mức một số mặt hàng hải sản, thịt trâu, bò… ở chợ truyền thống, giá những mặt hàng này tại các siêu thị khá ổn định nhưng người tiêu dùng lại chê. Bà Vi Thị Ngát cho biết: “Tôi biết giá hải sản, hay các loại thịt trong siêu thị đều khá ổn định nhưng đó đều là đồ đông lạnh, ăn sẽ không cho cảm giác tươi ngon”.
Ghi nhận của chúng tôi tại các siêu thị, cửa hàng tự chọn trong những ngày đầu năm cho thấy, các loại thủy hải sản đông lạnh, đồ nguội hầu như không có sự biến động về giá. Chẳng hạn như tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op, thịt bò các loại có giá giao động từ 150.000 - 280.000 đồng/kg, thịt gà ta khoảng 87.000 đồng/kg, cá trắm đen có giá 120.000 đồng/kg và các mặt hàng bình ổn vẫn niêm yết ở giá tốt hơn so với thị trường. Thậm chí, có siêu thị giảm giá từ 10 - 20% cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Ngoài ra, còn có chương trình lì xì may mắn đầu năm cho khách hàng.
Các chuyên gia dinh dưỡng khi được hỏi đều cho rằng, thực phẩm tại siêu thị có hạn sử dụng khá rõ ràng. Trong thời hạn sử dụng, giá trị dinh dưỡng của các loại thực phẩm này không hề thua kém ở chợ. Với thói quen ăn tươi, người tiêu dùng rất dễ bị mua đắt trong những ngày này. Vì vậy, người tiêu dùng cần lựa chọn kênh mua sắm thông minh nhằm tránh tình trạng bị “chặt chém”, mất tiền vô lý ngay trong những ngày đầu năm này.
Chị Lê Thị Oanh (phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội) phàn nàn: “Phần lớn giá cả các loại thực phẩm đều đã khá ổn định nhưng những món “sang” một chút mà người dân hay dùng để ăn, đãi bạn bè ngày đầu năm thì tăng giá cao. Trong khi đó, đây mới là mặt hàng ngốn tiền nhiều nhất, đầu năm đã bị lạm chi cảm giác rất khó chịu”.
Post by Báo Tiền Phong.