Hải quân Trung - Nga sắp tập trận chung

Hải quân Trung - Nga trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: China News
Hải quân Trung - Nga trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: China News
TP - Giữa tháng này, hải quân Trung Quốc và Nga sẽ tập trận chung tại Địa Trung Hải lần đầu tiên, Reuters dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Hãng tin Mỹ Bloomberg nhận định, một trong các mục tiêu của Trung Quốc trong cuộc tập trận sắp tới là đáp trả việc Mỹ tăng cường quan hệ với các nước châu Á.

Theo Reuters, Trung Quốc và Nga tập trận chung tại Thái Bình Dương từ năm 2012. Cuộc tập trận tại Địa Trung Hải lần này diễn ra trong bối cảnh Mỹ tăng cường quan hệ với các đồng minh châu Á nhằm đáp trả thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc liên quan các tranh chấp biển đảo ở châu Á-Thái Bình Dương. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho biết, tổng cộng 9 tàu của hai nước sẽ tham gia tập trận, gồm các chiến hạm Trung Quốc đang làm nhiệm vụ tuần tra chống cướp biển tại Somalia. “Những cuộc tập trận này không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào và không gây ảnh hưởng gì tới tình hình khu vực”, ông Cảnh nói. Ông không nêu rõ thời điểm cuộc tập trận gồm cả diễn tập bắn đạn thật.

Trang tin Mỹ Washington Free Baecon cho rằng, từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine, Mátxcơva đã đẩy mạnh nỗ lực xây dựng quan hệ với châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, cũng như hâm nóng quan hệ với các đồng minh cũ thời Xô Viết trước đây.

Trò chơi Chiến tranh Lạnh mới

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến tới Mátxcơva đầu tháng này để dự lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng phát xít. Theo Washington Free Baecon, Trung Quốc ngày càng phô trương sức mạnh quân sự, gây lo lắng cho khu vực và thế giới, dù nước này luôn nói rằng, xây dựng lực lượng vì hòa bình và không đe dọa ai. Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa lên tiếng cáo buộc Trung Quốc “phô trương cơ bắp” nhằm thúc đẩy các yêu sách chủ quyền trên biển.

Bloomberg ngày 2/5 đặt câu hỏi: Trung Quốc làm gì ở Địa Trung Hải? Tại sao Trung Quốc lại tập trận chung với Nga ở một nơi rất xa nhà như vậy? Bloomberg cho rằng, đó là một sự đáp trả mang tính toàn cầu liên quan một cuộc chiến tranh lạnh mới và lợi ích của Trung Quốc là đáp trả các sáng kiến của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, song nó cũng hé lộ một sự đáp trả mang tính khu vực, bắt nguồn từ nhu cầu tăng cường hiện diện của Trung Quốc tại Trung Đông và Bắc Mỹ. Theo Bloomberg, các mục tiêu quân sự và an ninh của Trung Quốc trước hết tập trung vào châu Á-Thái Bình Dương và Bắc Kinh không thể hy vọng cạnh tranh được với Mỹ hay các cường quốc châu Âu tại sân sau của họ. Một cuộc tập trận tại Địa Trung Hải sẽ hữu ích trong việc biểu đạt tầm quan trọng của Trung Quốc, cũng như sự trỗi dậy của nước này.

Tuy nhiên, Bloomberg lưu ý, một đặc trưng của Chiến tranh Lạnh là sự song song tồn tại cạnh tranh chiến lược và hợp tác kinh tế. Trung Quốc có quan hệ kinh tế khăng khít với cả Nhật Bản và Mỹ. Một lý do khiến Trung Quốc có thể cùng Nga tập trận tại Địa Trung Hải là điều đó không ảnh hưởng tới bất cứ đối tác kinh tế nào của Trung Quốc, kể cả Mỹ hay các cường quốc châu Âu. Đó đơn thuần chỉ là chiêu thức của một trò chơi Chiến tranh Lạnh mới. Hạm đội Địa Trung Hải của Trung Quốc đang làm nhiệm vụ cứu hộ, rốt cuộc sẽ cần làm nhiều hơn thế hoặc sẽ trở thành một biểu tượng cho sự yếu đuối của Trung Quốc hơn là một thế lực đang nổi lên, Bloomberg nhận định.

Mỹ bác đề nghị của Trung Quốc về dùng chung đảo nhân tạo ở biển Đông

Ngày 1/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke cho biết, Mỹ bác bỏ đề nghị của Trung Quốc về việc cùng sử dụng các cơ sở trên những đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. “Xây dựng các cơ sở trên các hòn đảo trong vùng đang có tranh chấp sẽ chẳng giúp gì cho hòa bình và ổn định của khu vực… Nếu thực sự có mong muốn làm giảm căng thẳng, Trung Quốc nên ngưng việc xây đảo”, ông Rathke nói.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.