"Hải quân xác định tổng số lần thất bại và chu kỳ thất bại của Hệ thống Săn Thuỷ lôi Từ xa (RMS) cho thấy nó không đạt được yêu cầu thiết kế đối với hệ thống", CNN dẫn lời Thurraya Kent, nữ phát ngôn viên Hải quân Mỹ, nói.
RMS được phát triển để phục vụ tàu chiến ven biển mới của hải quân Mỹ. Nhưng theo Bloomberg, Văn phòng Đánh giá và Thử nghiệm Hoạt động của Bộ Quốc phòng nước này thất bại 24 lần trong các bài thử nghiệm từ hồi tháng 9/2014.
Frank Kendall, thứ trưởng phụ trách mua bán quốc phòng của Lầu Năm Góc, vừa chỉ định xét lại chương trình này vào đầu năm 2016.
Thiết bị săn thuỷ lôi không người điều khiển do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo, được cho là thiết bị chủ chốt của các tàu tác chiến ven biển của hải quân. Theo lý thuyết, thiết bị RMS được triển khai từ tàu tác chiến ven biển trang bị hệ thống định vị vật thể bằng xôna nó sẽ sử dụng để tìm thuỷ lôi. Khi hoạt động tại vùng biển có khả năng chứa thuỷ lôi, nó sẽ nhận diện, truyền thông tin về vị trí tới con tàu để có thể tránh hoặc phá huỷ bom.
Tuy nhiên, chương trình này bị nhiều nhà lập pháp chỉ trích sau một loạt thất bại trong thử nghiệm, theo báo cáo thường niên năm 2014 của văn phòng. Thiết bị tiếp tục gặp vấn đề khi thử nghiệm năm 2015, theo văn bản từ lãnh đạo văn phòng gửi hôm 3/8 tới Kendall.
Lầu Năm Góc đã chi khoảng 700 triệu USD cho việc nghiên cứu chế tạo, và chương trình ban đầu dự kiến chỉ mất 8 năm để phát triển nhưng đã kéo dài 16 năm.
Lockheed Martin cho biết tập đoàn tiếp tục làm việc với hải quân về "biện pháp săn thuỷ lôi tân tiến nhất dành cho đội tàu Mỹ này. "Chúng tôi ủng hộ toàn diện đội xét duyệt độc lập của hải quân khi họ đến cơ sở của chúng tôi hồi tháng 10 và bày tỏ hướng phát triển rõ ràng tiếp theo cho RMS. Chúng tôi tin RMS là hệ thống hoàn thiện nhất nhằm nhận diện và phá huỷ thủy lôi trong những điều kiện thách thức mà không phải đặt thuỷ thủ hay các tàu đắt giá vào tình trạng rủi ro ở bãi thuỷ lôi", Joe Dougherty, phát ngôn viên tập đoàn, cho biết.