Hai người lính, 4 thập kỷ oan sai đòi bồi thường

Ông Trần Ngọc Chinh, người bị bắt giam oan 34 tháng vì tội giết người
Ông Trần Ngọc Chinh, người bị bắt giam oan 34 tháng vì tội giết người
TP - Hai anh em, hai người lính trở về từ chiến tranh vẫn lành lặn nhưng bị bắt oan, khiến một  người chết trong trại giam vì bệnh tật, người ra tù thành tàn tật và vợ con họ ở ngoài phải nhẫn nhục sống qua ngày. Cụ ông còn sống đến nay mong nhận được bồi thường trước khi nhắm mắt.

Nhận tội vì bị đánh

“Họ đánh nhiều quá, bạn tù bảo em tôi bị đánh cho đứt ruột rồi nên tôi sợ không nhận sẽ bị đánh chết. Nghĩ thế nên tôi nhận tội, không chắc cũng bị đánh chết nốt. Lúc thực nghiệm hiện trường, công an bảo tôi diễn lại cảnh giết người nhưng tôi nói không giết thưa cán bộ nên một ông quát lên tống cha nó về trại. Về rồi, họ cho vào ngách nhỏ chỉ đủ ngồi xổm, trước mặt chỉ có một lỗ to bằng quả trứng ngỗng để ngày 2 lần họ cho ăn, đút vào củ sắn. Đắng ngắt nhưng vẫn phải cố nuốt”, ông Trần Ngọc Chinh (SN 1941, ở Sông Lô, Vĩnh Phúc) kể lại.

Ông Chinh cho hay, ông nhập ngũ năm 1964, là chiến sĩ đặc công trong kháng chiến chống Mỹ. Rời quân ngũ, ông sống tại quê nhà nhưng ngày 3/3/1980, ông bị công an đọc lệnh khởi tố, bắt giam khi đang trồng lạc ngoài đồng để điều tra hành vi giết ông Chu Văn Quản. Ngoài ra, Ty công an (cơ quan điều tra) Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc, Phú Thọ) cũng bắt các ông Trần Trung Thám (SN 1948, em ruột ông Chinh), Khổng Văn Đệ (SN 1924, ở cùng thôn) và Nguyễn Đình Ký.

Sau đó, các cơ quan tố tụng xác định ông Ký phạm tội một mình, đánh ngất rồi siết cổ ông Quản đến chết vì mâu thuẫn đất đai nên năm 1983 bị phạt án tù chung thân. Những người còn lại nhận quyết định đình cứu, được trả tự do năm 1982 nhưng lúc đó, ông Thám đã tử vong trong trại giam, công an thông báo chết do bệnh kiết lỵ. Sau hàng chục năm kêu oan, 3 gia đình này được Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc xin lỗi công khai năm 2019. Những người dân cùng thôn cho hay, trước đó, họ vẫn nghĩ các ông hết hạn tù nên được thả, không biết những người này bị oan.

Nhớ lại những ngày tháng bị giam, ông Chinh cho rằng, chỉ có thể dùng từ kinh hoàng. Theo ông, ban đầu khi bị bắt, Ty công an Vĩnh Phú xác định ông là tội phạm nên cho một cán bộ tên Sơn đóng giả phạm nhân, ở chung phòng và người này cho ông ăn uống ngon lành nhằm vận động nhận tội. “Tôi có tội đâu mà nhận. Sau có 2 ông gọi lên, bảo bố và vợ tôi viết thư khuyên nhận tội để sớm trở về gia đình. Tôi nhìn thấy không phải chữ bố mình nên vò nát, họ thấy và tát cho vài cái. Tôi sẵn ghế gỗ liền cầm đánh trả và từ đây, tôi bắt đầu bị nhục hình”, ông Chinh nói.

Năm nay đã gần 80 nhưng ông Chinh khẳng định nhớ như in những lần bị đánh đập, hành hạ, treo lên xà lim trong tù hoặc bị cùm 24/24 h. Ông nói: “Sợ nhất là những anh công an mới ra trường, kém xa tuổi mình nhưng cứ chỉ mặt chửi nhìn mày khôi ngô vậy sao lại giết người? Hỏi xong là giày đen đá vào mạn sườn nhưng tôi không dám tránh, đỡ. Đỡ họ lại bảo chống đối sẽ bị đánh tiếp. Mình kêu gì họ lại bảo mày bị bắt oan chắc?”.

Ði ăn xin để nuôi con

Hiện tại, ông Chinh đang sống cùng vợ trong căn nhà cấp 4 đã cũ. Người đàn ông vẫn khâm phục vợ vì trong 34 tháng chồng ở tù đã “một mình nuôi 5 con nhỏ, 2 bố mẹ già và còn tiếp tế cho tôi lúc củ khoai, lúc bánh sắn. Bánh sắn ấy đưa vào trại đến ngày thứ ba sẽ chảy nhớt, tôi không dám bỏ, lau vào áo cho hết nhớt rồi ăn. Ấy vậy mà trong 3 năm ở tù, tôi gần như không giặt quần áo, vì làm gì có nước. Vợ tôi ở ngoài vay từng bữa ăn, người yến gạo, người cân sắn… đến 10 năm sau ra tù tôi mới trả hết nợ”.

Bà Trần Thị Thắm (SN 1943, vợ ông Thám) khóc khi nhớ lại những ngày chồng bị bắt oan: “Muốn chết lắm nhưng không chết được mới phải sống”. Bà Thắm vốn là thanh niên xung phong trong khi ông Trần Trung Thám là bộ đội, tham gia chống Mỹ 10 năm. Ông bà kết hôn sau ngày giải phóng và đến năm 1980, họ có 3 con, lớn nhất 5 tuổi và nhỏ nhất mới 5 tháng.

Bà Thắm kể lại: “Công an nhờ Huyện đội đánh giấy gọi chồng tôi đi tái ngũ, tôi cũng vận động ông ấy đi. Sáng ra, tôi nấu bát gạo cho 2 đứa lớn ăn cơm còn vợ chồng ăn khoai. Xong, ông ấy đi chia tay anh em, hàng xóm để tái ngũ. Vài tuần sau, chúng tôi mới nghe mọi người kể lại, khi ông lên huyện đội đã bị công an đọc lệnh bắt, cho thẳng vào trại giam”.

Những ngày sau đó, bà Thắm cho biết, đã chịu đựng những khổ cực kinh hoàng, phải đi ăn xin để nuôi con. “Đứa lớn mới 5 tuổi không bế được đứa nhỏ. Bố mẹ già không trông giúp được. Không thể đi làm, tôi phải xin mọi người từng củ khoai, củ sắn để nuôi con. Có hôm phải lên tận nhà máy Việt Trì xin quần áo, công nhân ai cũng thương nên có người cho quần áo lành, cầm bộ quần áo ấy tôi rơi nước mắt”, bà Thắm nói.

Tuy thế, người phụ nữ khẳng định trong hàng chục năm luôn viết đơn kêu oan cho chồng nhưng không nhận hồi âm. Ông Trần Ngọc Chinh cũng vậy, ông nói: “Suốt hàng chục năm tôi kêu oan, người ta cứ nhận rồi chuyển đơn và không ai trả lời. Tôi uất ức lắm, anh em tôi đi bộ đội sao trên mũ, đánh Mỹ hàng chục năm, lúc ấy những cậu điều tra chỉ là trẻ con. Vậy họ bắt anh em tôi về tội giết người, lúc thả ra cũng không nói rõ là oan, khiến tôi phải chịu điều tiếng. Tôi cũng không nhận được chế độ của bộ đội”.

Gian nan đòi bồi thường

Đến nay, ông Trần Ngọc Chinh đã gửi đơn yêu cầu Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường cho ông 12,8 tỷ đồng gồm tiền thu nhập bị mất do ở tù, thiệt hại tinh thần, sức khỏe… của ông và người thân. Theo ông, tại buổi xin lỗi công khai vào tháng 10/2019, đại diện viện kiểm sát đã nói sẽ tiếp tục làm thủ tục bồi thường cho gia đình các nạn nhân nhưng từ đó hoàn toàn “im ắng, không liên lạc gì”, dù gia đình  yêu cầu trả lời nhiều lần. Vì vậy, gia đình ông làm đơn yêu cầu bồi thường gửi TAND tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông Chinh nói thêm, sau hàng chục năm cùng con cháu đi gõ cửa kêu oan khắp nơi, giờ đây ông đã già yếu, sức khỏe đã giảm sút rất nhiều. “Trầm trọng nhất là khi tôi bị đánh đập trong trại giam, 1 mắt đã bị mù tịt, 1 mắt thị lực chỉ còn 2/10. Đối với việc bồi thường oan sai, tôi mong các cơ quan giải quyết sớm, tốt nhất là khi tôi còn sống chứ vòng vo mãi chán lắm. Nếu tôi không còn, sẽ phải ủy quyền cho con cháu tiếp tục đòi”.

Anh Trần Văn Mạnh (con trai ông Trần Trung Thám) cho biết, gia đình đã yêu cầu Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường 25 tỷ đồng, vì những thiệt hại về tính mạng, tinh thần cũng như nỗi oan khuất họ gánh chịu. “Vất vả lắm, trước kia tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ đá trách nhiệm cho nhau, không bên nào chịu xin lỗi, bồi thường. Đến nay, mỗi lần làm đơn, Viện KSND Vĩnh Phúc lại trả lời hồ sơ thiếu này, thiếu nọ. Hai gia đình tiếp tục ngược xuôi xin xác nhận, nộp đơn nhiều lần mới được thông báo đủ giấy tờ để thụ lý”, anh Mạnh nói.

Được biết, gia đình ông Khổng Văn Đệ , người thứ ba bị bắt oan trong vụ việc cũng đã có đơn yêu cầu bồi thường oan sai. Đánh giá việc này, luật sư Nguyễn Thái Hưng (đại diện gia đình ông Chinh) cho rằng, quá trình yêu cầu bồi thường chắc chắn sẽ rất khó khăn, bởi không thể có hóa đơn, chứng từ chứng minh thiệt hại… “Gia đình ông Chinh đã khởi kiện VKSND tỉnh Vĩnh Phúc ra tòa án  nhưng sau nhiều lần bổ sung giấy tờ, tòa trả lại đơn kiện, cho viện kiểm sát thỏa thuận bồi thường”, luật sư Hưng nói. 

Hai người lính, 4 thập kỷ oan sai đòi bồi thường ảnh 1  Bà Trần Thị Thắm cho biết đã gửi đơn kêu oan cho chồng từ năm 1980 nhưng năm 2019 mới được hồi âm
Hai người lính, 4 thập kỷ oan sai đòi bồi thường ảnh 2 Quyết định đình cứu vụ án ban hành năm 1982

Lãnh đạo VKSND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sau khi nghiên cứu hồ sơ, áp dụng luật để tính toán, cơ quan này sẽ có buổi làm việc với các gia đình bị oan để thỏa thuận, thống nhất mức tiền bồi thường theo đúng quy định của Nhà nước. Trường hợp không thống nhất được, các gia đình có quyền khởi kiện vụ việc ra tòa án. “Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết trách nhiệm, đạo lý nhưng mức bồi thường phải phù hợp, tương xứng theo quy định của pháp luật”, vị này khẳng định.

MỚI - NÓNG