Yên bình Lô Lô Chải
Đến với Lô Lô Chải, chúng tôi phải đi một quãng đường đèo dài và đầy thử thách trên cao nguyên đá Đồng Văn với một bên là dãy núi đá tai mèo dựng đứng và một bên là bờ vực dẫn xuống thung lũng sâu thăm thẳm. Tới gần Cột cờ Lũng Cú, chúng tôi rẽ trái và đi dọc theo con đường đất quanh co chừng 1,5 km là tới làng Lô Lô Chải, nơi sinh sống của hơn 100 gia đình người Mông lẫn người Lô Lô nhiều thập kỷ nay.
Đường đến làng Sảo Há |
Ngay từ đầu làng, bạn đã có thể nhìn thấy những ngôi nhà trình tường đặc trưng của cao nguyên đá Hà Giang. Các mái nhà lợp ngói máng nằm san sát nhau tạo nên khung cảnh bình dị, yên ả. Dọc theo con đường làng, người dân nơi đây trồng rất nhiều hoa cải, hoa đào nên ngôi làng luôn rực rỡ các màu hoa.
Là bản làng nằm ở sát điểm cực Bắc của Tổ quốc, Lô Lô Chải đang ngày càng phát triển. Trước đây người dân chủ yếu làm nương rẫy, nhưng điều kiện đất đai khắc nghiệt của cao nguyên đá, họ cũng chỉ đủ ăn. Từ vị trí đắc địa nơi điểm cực Bắc, người dân nơi đây đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng và trở nên khá giả. Ở bất cứ vị trí nào tại Lô Lô Chải, bạn cũng có thể ngắm nhìn cột cờ Lũng Cú ở trên đỉnh núi Long Sơn xa xa giữa mây trời.
Rừng nguyên sinh bao bọc làng Sảo Há |
Với ưu điểm của nhà trình tường (mùa đông ấm, mùa hạ mát), người dân Lô Lô Chải đã thiết kế và sửa sang lại các ngôi nhà của mình thành những homestay xinh xắn, tiện nghi cho du khách đến khám phá và trải nghiệm văn hóa cộng đồng của người Lô Lô. Hiện nay, Lô Lô Chải còn khoảng 37 nhà trình tường và hầu hết đã được cải tạo trở thành homestay rất hút khách.
Trung bình mỗi tháng, Lô Lô Chải đón khoảng 1.000 du khách đến lưu trú và tham quan. Đặc biệt vào dịp cuối năm trùng với mùa hoa tam giác mạch, các homestay luôn trong tình trạng “cháy phòng”.
Một địa danh sống ảo bạn không nên bỏ lỡ khi tới Lô Lô Chải là quán Café Cực Bắc. Còn gì tuyệt vời hơn khi bạn có thể thưởng thức cà phê ở nơi địa đầu của Tổ quốc. Nằm ở giữa làng, quán cà phê Cực Bắc là một ngôi nhà trình tường với bàn ghế gỗ đơn sơ, nhạc nhẹ du dương, mọi người có thể ra vào thoải mái, có thể nán lại uống cà phê, nước ngọt hoặc chỉ vào tham quan.
Được biết, quán này do một du khách Nhật Bản có tên Yasushi Ogura gây dựng. Trong những ngày đến Việt Nam và lưu trú ở Lũng Cú, ông đã phải lòng thiên nhiên và con người nơi đây nên dành tâm huyết phát triển một mô hình cà phê ngay tại bản làng nơi địa đầu cực Bắc. Mọi cơ sở vật chất như bàn ghế, đồ đạc cho đến cách pha chế đồ uống, giao tiếp với khách hàng đều được ông chỉ dẫn tận tình cho người dân Lô Lô Chải.
Làng địa ngục “3 không”
Nằm cách trung tâm huyện Đồng Văn (Hà Giang) khoảng 20km, làng Sảo Há (thuộc thôn Khó Chơ, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn) được gọi là “làng địa ngục” vì nó được chọn làm bối cảnh cho bộ phim Việt ăn khách “Tết ở làng địa ngục” công chiếu hồi cuối năm 2023.
“Tết ở làng địa ngục" là một bộ phim truyền hình kinh dị được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên. Nội dung bộ phim xoay quanh ngôi làng biệt lập nằm sâu trong rừng và là nơi trú ẩn của một băng cướp khét tiếng trong vùng, giết hại rất nhiều người dân trong làng.
Hàng rào đá ở làng Sảo Há |
Làng Sảo Há nằm giữa khu rừng già Vần Chải là nơi sinh sống của bà con dân tộc Mông. Theo tiếng Mông, Sảo Há có nghĩa là "thung lũng trên cao". Ngôi làng này nằm ở độ cao khoảng 2.000m so với mực nước biển và chỉ có hơn 20 hộ dân sinh sống. Đường đến ngôi làng này hiểm trở hơn nhiều so với làng Lô Lô Chải vì đường nhỏ và lên cao dần với nhiều khúc cua “tay áo”. Vốn được bao bọc bởi rừng thiêng, ngôi làng ở Cực Bắc của Tổ quốc vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ, phảng phất chút ma mị.
Ngôi làng này còn hấp dẫn du khách bởi một tích xưa liên quan đến Hang Phỉ. Khoảng năm 1957 - 1958, Vàng Vạn Ly là thủ lĩnh nhóm thổ phỉ khét tiếng, chống phá chính quyền. Khi thất bại, Vàng Vạn Ly cùng các con trốn vào một hang núi thuộc địa phận xã Vần Chải.
Núi rộng, làng hẹp, lại không có điện, nước sinh hoạt và sóng điện thoại, ngôi làng này còn được gọi là “làng 3 không”. Nằm ở trên cao, làng Sảo Há khá biệt lập với cuộc sống sôi động bên ngoài.