Hai chuyến thăm Trường Sa của nhiếp ảnh gia Nick Út

TP - Năm 1974, nhiếp ảnh gia Nick Út đã được chính quyền Việt Nam Cộng hòa mời tham gia chuyến thăm quần đảo Trường Sa của Việt Nam cùng với các nhà báo quốc tế có mặt ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Năm 2024, đúng 50 năm sau, nhiếp ảnh gia Nick Út được tham gia chuyến đi thăm quân và dân quần đảo Trường Sa theo lời mời của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng hơn 70 kiều bào đến từ 22 quốc gia trên thế giới.

Hai chuyến đi

Năm 1974, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tổ chức chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho các nhà báo quốc tế đang tác nghiệp tại Sài Gòn. Nhiếp ảnh gia Nick Út lúc đó đang làm việc cho hãng tin AP của Mỹ được mời tham gia chuyến đi này. Lúc đó Nick Út đã là nhiếp ảnh gia nổi tiếng vì bức ảnh “Cô gái Napalm” của anh đã đoạt giải thưởng báo chí uy tín Pulitzer năm 1973 khi anh chụp ảnh cô bé Kim Phúc 9 tuổi ở Trảng Bàng, Tây Ninh bị dính bom napalm bỏng rộp khắp người, chạy từ trong làng ra ngoài đường kêu cứu.

Sự ra đời bức ảnh này đã được nhiếp ảnh gia Nick Út kể lại và đăng trên báo Tiền Phong. Bức ảnh đã được đăng tải trên nhiều tờ báo hàng đầu thế giới và gây chấn động dư luận về sự tàn ác của cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam và làm dấy lên làn sóng phản đối cuộc chiến này ngay trong lòng nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới. Bức ảnh đã đoạt giải báo chí thế giới Pulitzer năm 1973 và mới đây được Đại học Columbia của Mỹ xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

Hai chuyến thăm Trường Sa của nhiếp ảnh gia Nick Út ảnh 1

Nhiếp ảnh gia Nick Út tại quần đảo Trường Sa năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhiếp ảnh gia Nick Út chia sẻ: “Năm 1974, đoàn báo chí quốc tế được đưa đi thăm một số đảo như đảo Nam Yết, đảo Trường Sa… Lúc đó, những đảo này rất hoang sơ, cây cối thưa thớt, hầu như chưa có trang thiết bị hiện đại”.

Sau hơn 40 năm làm việc cho hãng tin AP, Nick Út đã nghỉ hưu và hiện anh đang cộng tác với trang tin ảnh Getty Images. Ở tuổi ngoài 70, Nick Út vẫn làm việc hăng say với nhiều hợp đồng chụp ảnh cho các hãng tin quốc tế. Nick Út chia sẻ: “Tháng 4/2024, khi tôi đang thực hiện một dự án ảnh ở TPHCM thì nhận được lời mời của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, về việc tham gia hải trình thăm Trường Sa cùng hơn 70 kiều bào đến từ 22 quốc gia trên thế giới. Tôi mừng quá và quyết định ở lại thêm một tuần nữa để tham gia chuyến đi lịch sử này”.

Hình ảnh đảo Gạc Ma của Việt Nam được thế giới biết đến

Đây là chuyến trở lại Trường Sa của Nick Út sau đúng 50 năm. Anh nhận thấy quần đảo Trường Sa của ta hiện giờ rất phát triển, có máy phát điện năng lượng mặt trời, các đảo xanh mướt cây cối, có các hộ dân sinh sống, tự trồng cây, nuôi gà vịt…

Ấn tượng nhất trong chuyến đi này với Nick Út là lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam khi tàu đi qua đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, trong đó đảo Gạc Ma đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988.

Nick Út chia sẻ: “Tại lễ tưởng niệm, các kiều bào đều xúc động, nhiều người đã không nén được những giọt nước mắt và mọi người đều cảm phục tinh thần anh dũng, bất khuất của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chúng tôi rất căm phẫn khi nhìn thấy đảo Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm và xây dựng thành những tòa nhà cao tầng sừng sững giữa biển khơi”.

Hai chuyến thăm Trường Sa của nhiếp ảnh gia Nick Út ảnh 2

Đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và xây dựng bề thế Ảnh: Nick Út.

Đây là chuyến trở lại Trường Sa của Nick Út sau đúng 50 năm. Anh nhận thấy quần đảo Trường Sa của ta hiện giờ rất phát triển, có máy phát điện năng lượng mặt trời, các đảo đều xanh mướt cây cối, có các hộ dân sinh sống, tự trồng cây, nuôi gà. vịt…

Nick Út đã chụp nhiều bức ảnh về đảo Gạc Ma (tên tiếng Anh là Jonhson reef) và gửi về Getty Images, nơi anh cộng tác kể từ khi nghỉ hưu khỏi hãng tin AP, và chú thích rõ, đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam và bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988 tới giờ.

Phóng viên ảnh kỳ cựu cho biết Getty Images chuyên cung cấp ảnh cho nhiều hãng thông tấn, báo chí quốc tế như CNN. Nhiều bức ảnh chụp đảo Gạc Ma của anh đã được một số hãng tin quốc tế sử dụng. Nick Út đã gửi cho tôi một số bức ảnh chụp đảo Gạc Ma. Tôi biết các hãng tin quốc tế như AP, Getty Images nơi anh làm việc và cộng tác rất khắt khe trong vấn đề bản quyền ảnh nên hỏi anh xem phải ghi tên nguồn ảnh như thế nào, anh nói: “Tiền Phong với tôi là người nhà, tôi dành tặng các bức ảnh chụp Trường Sa này của tôi cho Tiền Phong”.