Hai cha con lính đảo ăn Tết ở Trường Sa

Đón Xuân năm nay, ở Trường Sa có một trường hợp khá đặc biệt, đó là thiếu úy Bùi Trọng Luật. Gia đình anh chỉ có 2 người đàn ông, nhưng cả hai đều cùng ăn Tết ở đảo, xa nhà.

10 năm theo nghiệp lính, đi đảo 7 lần, 6 năm ăn tết ở Trường Sa

Ở đảo không khí tết chỉ gói gọn trong 3 ngày đầu năm để nhường chỗ cho bộ đội tập trung làm nhiệm vụ.

Mùng 4 tết, thiếu úy Bùi Trọng Luật, một trong những chiến sĩ bơi lặn rất giỏi và có tài đánh bắt cá, lại ra biển đánh cá để cải thiện bữa ăn cho anh em đồng đội.

Hai cha con lính đảo ăn Tết ở Trường Sa ảnh 1

Thiếu úy Bùi Trọng Luật

Anh Luật sinh năm 1983 là cán bộ thông tin ở đảo Đá Lớn (điểm B). Trong khoảng chục năm theo nghiệp nhà binh, anh có thâm niên đi đảo đến 7 năm và đón tết 6 lần ở Trường Sa.

“Mấy lần đầu cũng buồn buồn nhưng rồi cũng quen nên thấy bình thường”, thiếu úy Luật tâm sự.

Theo thiếu úy Luật, ngày xuân ngày tết, nhiều khi anh cũng muốn về sum họp bên gia đình nhưng do nhiệm vụ công tác nên phải ở lại đảo ăn tết cùng anh em đồng đội.

"Đây là con đường mà mình đã chọn nên phải theo và cảm thấy bình thường", anh Luật bộc bạch.

Là người ở xã Nam Hà (Tiền Hải, Thái Bình), có cha là bộ đội Hải quân nên ngay từ nhỏ, Luật luôn mơ ước được khoác lên mình màu áo trắng của người lính biển. Năm 2004, anh xin gia nhập lực lượng Hải quân để theo nghiệp bố.

Thiếu úy Luật là người con duy nhất của trung tá Bùi Xuân Lệ, Chính trị viên đảo Sơn Ca. Gia đình có hai cha con thì cả hai cùng đi đảo. Mẹ, vợ và đứa con gái vừa tròn 2 tuổi của anh Luật ở nhà, nương tựa lẫn nhau.

Nhiều năm chưa đón tết chung

Nhiều năm nay, gia đình 5 người của anh Luật chưa có dịp đoàn tụ bên nhau để đón năm mới. Có năm bố ở nhà thì con ở đảo và ngược lại. Còn năm nay chỉ có mẹ - con, bà - cháu ăn tết cùng nhau. "Mình nghĩ cũng thấy buồn nhưng biết làm sao được, chỉ còn cách thường xuyên điện thoại về nhà động viên mọi người”, anh Luật chia sẻ.

Ở hai đảo khác nhau nhưng hai cha con anh vẫn thường xuyên liên lạc bằng điện thoại để tâm sự và chia sẻ công việc. Có những việc gì chưa làm tốt thì anh Luật điện nhờ bố chỉ bảo thêm.

“Tối giao thừa vừa rồi mình điện thoại chúc tết bố. Lúc đó ông đang đi chúc tết các chiến sĩ trực ở vọng gác. Dù không công tác cùng đơn vị nhưng được làm nhiệm vụ cùng cha mình nên tôi cảm thấy rất tự hào”, anh Luật nói.

Còn trung tá Bùi Xuân Lệ kể: Khi chưa có điện thoại, hai cha con vẫn thường viết thư trao đổi động viên nhau cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bây giờ thì liên lạc bằng điện thoại, bố động viên con và con động viên bố giữ gìn sức khỏe để công tác tốt.

“Tôi cũng thường xuyên điện thoại về nhà động viên mấy mẹ con bà cháu ở nhà cố gắng bảo ban, chăm sóc nhau để bố con chúng tôi yên tâm làm nhiệm vụ. Tết nhất cả nhà phải tổ chức sao cho ấm cúng, vui vẻ để tạo không khí xuân trong gia đình”, trung tá Lệ tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Huyền, vợ anh Luật cho biết ở nhà cũng chuẩn bị bánh mứt các thứ rồi trang trí nhà cửa, mua sắm hoa kiểng… cho ra cái không khí xuân. Nhưng do không có bố và chồng ở nhà nên tết cũng không vui như mọi năm. Bé Phương Linh bây giờ biết đi, biết nói rồi, cứ ai hỏi bố đâu thì bé bảo là bố đi đảo Trường Sa.

Hôm gia đình nhận được ảnh của anh Luật do báo Thanh Niên gởi tặng, bé Phương Linh cứ nhìn vào ảnh, bảo: "Bố Luật! Bố Luật!" khiến cả nhà hết sức cảm động.

“Đó là con đường mà anh Luật đã chọn, là người vợ tôi luôn cố gắng giúp đỡ động viên chồng làm tốt công việc của mình. Ngày nào vợ chồng tôi cũng điện thoại động viên nhau”, chị Huyền tâm sự.

Theo Chí Nhân

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.