Trường Sa - thơ và tình

Nguyễn Lê Na (áo đỏ) ở đảo Nam Yết. Ảnh: Trường Phong
Nguyễn Lê Na (áo đỏ) ở đảo Nam Yết. Ảnh: Trường Phong
TP - Đã có hàng nghìn bài thơ, bài báo, bài văn và các tác phẩm âm nhạc về Trường Sa, nhưng chỉ cần một lần chạm vào sóng nước, đặt chân đến quần đảo này, ai cũng có được những cảm xúc rất riêng, và những bài thơ lại tiếp tục ra đời ở Trường Sa.

Em trai lính đảo

Sinh năm 1991, Nguyễn Lê Na (Vinh, Nghệ An) là một trong những thành viên trẻ nhất tham gia Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2013 đi thăm quần đảo Trường Sa tháng 5/2013. Đến bây giờ, trong trí nhớ của Lê Na vẫn còn vẹn nguyên những hình ảnh về Trường Sa, từ những người lính kiên cường, tươi trẻ đến những ngọn phong ba, những chùm hoa bàng vuông vươn mình dưới mặt trời. Và Na không thể quên bài thơ mà cô viết ở Trường Sa, có tên “Em trai lính đảo”, được trao giải nhì cuộc thi viết trong hành trình thăm Trường Sa. “Đó là bài thơ đầu tiên mình viết theo đúng nghĩa một bài thơ”, Lê Na nói.

Trường Sa - thơ và tình ảnh 1

Phạm Triều Nghi (ngoài cùng bên phải) trên hải đăng đảo Nam Yết. Ảnh: Trường Phong

“Lúc biểu diễn văn nghệ trên đảo Sơn Ca, mình có ngồi chung với một vài chiến sĩ ít tuổi hơn mình. Một lúc, có bạn quay sang nói nhỏ: “Chị trông giống người yêu của em ở quê”, Lê Na kể. Lời chào hỏi độc đáo khiến Na giật mình.

Trong câu chuyện của hai chị em sau đó, có bóng dáng của nhà cửa, phố xá, gia đình và cả hình ảnh người yêu. “Em có nhớ và muốn về thăm nhà, thăm người yêu không”, Na hỏi. Chàng trai trẻ đáp “Bình thường ạ”, kèm theo lời giải thích “Có phải ai cũng có may mắn và niềm tự hào làm lính Trường Sa đâu”.

Đặt câu hỏi tương tự với vài chiến sĩ trẻ khác, câu trả lời Na nhận được cũng là những cái lắc đầu với lý do “Ra đảo hơi buồn, nhưng có ý nghĩa và tự hào”. Na đã hình dung được mình phải viết một cái gì đó để nói lên cảm xúc đang dâng trào. “Có lẽ là sự thương yêu, cảm phục”, Na nói, “Mình viết nhanh lắm, chỉ khoảng một buổi chiều là xong dù tàu lắc lư vì sóng”. Không có bàn, Lê Na ngồi trên giường để gõ:

Em nói rằng nhớ nhà quá chị ơi

Nhưng hỏi yêu đảo không

Chẳng đắn đo gật đầu em nói “Có!

Đất liền bình yên, gia đình em ở đó

Nhưng Tổ quốc cần, em chẳng ngại hy sinh”

Em lại bảo: “Tình yêu bé nhỏ lắm chị ơi

Thân làm trai em muốn dâng cuộc đời cho đảo

Lòng quyết không lay, chí càng không nản

Nguyện với mình

Tình yêu lớn em dành cho Tổ quốc, quê hương!

Tình yêu từ đảo Sinh Tồn

Dọc hành trình đi thăm 10 điểm đảo tại quần đảo Trường Sa và 2 nhà giàn DK (Vũng Tàu) nhiều tác phẩm thơ, văn được sáng tác. Có những bài thơ viết xong chỉ trong 15 phút, nhưng cũng có những bài thơ ấp ủ trong suốt cả hành trình, thậm chí, có cả những tác phẩm ra đời trong cơn say sóng.

Với Phạm Triều Nghi, sinh viên ĐHQG TPHCM, bài thơ sáng tác trên chuyến tàu ra thăm Trường Sa không chỉ là kỷ niệm về quần đảo thiêng liêng, mà còn là dấu mốc tình yêu của Nghi. Cũng như nhiều thành viên của hành trình, Triều Nghi giao lưu, nói chuyện nhiều với các chiến sĩ trẻ. Nữ sinh quê Long An mang theo các giàn trồng rau mầm để tặng chiến sĩ ngoài đảo. Đến đảo nào, Triều Nghi cũng tranh thủ thăm vườn rau trên đảo, phổ biến kỹ thuật trồng rau.

Bước ngoặt đến với Triều Nghi khi đến đảo Sinh Tồn. Ít ai biết, trong số những chiến sĩ ra đón đoàn, có một người để ý đến Triều Nghi. Lúc Nghi cùng một em nhỏ đi vòng quanh đảo, tình cờ anh lính này cũng đi theo. “Mình đi qua, anh ấy chạy vào trong luôn. Sau, mình mới biết, anh ấy làm thế để gây chú ý”, Nghi cười nói và nhớ lại lúc cả đoàn rời đảo, do thủy triều thấp, các chiến sĩ phải lội xuống biển đẩy xuồng cho khách. “Lúc ấy, mình nhìn anh ấy lâu lắm”, Nghi kể.

Về đất liền, qua một người bạn, Triều Nghi kết nối với chàng lính trẻ này trên facebook. Nói chuyện thêm, tìm hiểu và rồi… yêu nhau lúc nào không biết. “Tình yêu nảy sinh sau này, nhưng câu chuyện quen biết với chàng lính trẻ trên đảo Sinh Tồn cùng những trải nghiệm trong cả hành trình đã thôi thúc Triều Nghi viết bài thơ “Thương lắm Trường Sa”: Theo tàu biển chúng tôi đi/ Vượt trăm hải lý ra vì Trường Sa/ Tình người, tình lính đậm đà/ Giữ gìn mảnh đất ngoài xa lâu bền/ Gần thay tình cảm thiêng liêng/Cho dù xa lắm, đất liền – biển khơi! .

Niềm hạnh phúc đến với tình yêu đẹp của đôi bạn trẻ khi Triều Nghi nhận được tin, dịp Tết 2014 cũng là dịp chàng lính trẻ ra quân và trở về đất liền. Những xa cách, những nhớ nhung đã về lại thật gần!

Trường ca của Xuân Bắc

Trường Sa - thơ và tình ảnh 2 Diễn viên Xuân Bắc trong trò chơi Đuổi hình bắt chữ trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: Trường Phong
Tham gia trong Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2013, nghệ sĩ hài Xuân Bắc luôn là người nghĩ ra các trò hấp dẫn và “độc” để mang lại tiếng cười. Anh còn có khả năng sáng tác thơ “nhanh như điện”. Vừa lên tàu HQ 996, với chiếc ipad trên tay, diễn viên hài Xuân Bắc bắt đầu quá trình “ghi nhật ký Trường Sa” bằng thơ. “Gọi là nhật ký cũng được, trường ca về Trường Sa cũng được, hoặc gọi là cái gì cũng được”, diễn viên Xuân Bắc cười. Lên đảo thì thôi, mỗi khi về tàu, có thời gian là Xuân Bắc tranh thủ ôm iPad, cắm đầu làm thơ. Vừa làm, Xuân Bắc vừa lẩm bẩm đọc. Không tìm được từ gieo vần thích hợp, diễn viên hài dùng luôn lối tách từ theo kiểu “bút tre”. Cả mạn tàu thi thoảng vẫn được dịp cười phá lên mỗi khi Xuân Bắc đọc: “Thơ này tôi viết ra/Hơi đặc biệt một tý/Đúng nghĩa là nhật ký/Viết theo kiểu có vần”… Ăn xong, nào đi tắm/ Ồ trông thật khang trang/ Nhà tắm có cửa kín/Mình không sợ lộ hàng/Bathroom ở một phía/Toilet bên cạnh ta/Một tầng - hai chỗ thế/Ở HQ như nhà…
MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.