Hai bệnh nhân viêm phổi cấp từ Vũ Hán đến Việt Nam: Bộ Y tế nâng mức cảnh báo

TP - Trước tình hình diễn biến phức tạp của các trường hợp viêm phổi cấp do chủng virus mới corona (nCoV) tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, chiều 15/1, Bộ Y tế có cuộc họp khẩn tìm cách phòng, chống dịch này xâm nhập vào Việt Nam..

3 kế hoạch ứng phó

“Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp (quốc tịch Trung Quốc, cư trú tại thành phố Vũ Hán nhập cảnh vào Việt Nam) có biểu hiện sốt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng qua máy đo thân nhiệt từ xa và đã được cách ly, theo dõi chặt chẽ”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông báo tại cuộc họp. Trong đó, một bệnh nhân sinh năm 1997, sốt cao từ ngày 13/1. Các nhân viên nhanh chóng đưa bệnh nhân này đi cách ly, theo dõi chặt chẽ tại Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh nhân thứ hai sinh năm 2016, sốt nhẹ khoảng 37,5 độ C.

Hai bệnh nhân viêm phổi cấp từ Vũ Hán đến Việt Nam: Bộ Y tế nâng mức cảnh báo ảnh 1 Bộ Y tế tổ chức họp khẩn phòng chống dịch do virus corona mới Ảnh: T.Hà

Hiện, thân nhiệt của cả 2 bệnh nhân đã trở lại bình thường, tiếp tục được theo dõi chặt chẽ tại Đà Nẵng. Các mẫu bệnh phẩm đã được lấy gửi về Viện Pasteur Nha trang để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; lập danh sách những người tiếp xúc gần để theo dõi sức khỏe; Bộ Y tế đã tổ chức Đoàn công tác làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Đà Nẵng để tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Sáng nay (16/1) Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đi kiểm tra Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư ở Hà Nội về công tác chuẩn bị thu dung, khám chữa bệnh cho người mắc viêm phổi do virus corona mới. Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới gây ra nhưng nguy cơ dịch bệnh này lây truyền vào nước ta là hoàn toàn có thể do sự giao lưu thương mại, đi lại của người dân 2 nước là rất lớn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán tới đây.

Do đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương có các cửa khẩu lớn, giáp với Trung Quốc trong tháng 1 và 2. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh xâm nhập và sẵn sàng điều trị, quản lý tốt các trường hợp bệnh ngay khi phát hiện.

Phát biểu tại buổi họp khẩn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết, Bộ đã có kế hoạch, phương án ứng phó với dịch bệnh. Trong đó đưa ra ba tình huống về dịch bệnh này tại Việt Nam và lên kế hoạch ứng phó với từng tình huống.

Tình huống thứ nhất, khi chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Việt Nam sẽ phát hiện sớm trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân về Việt Nam từ vùng có dịch bệnh để cách ly, theo dõi.

Tình huống thứ hai, khi đã xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam, các cơ quan chuyên môn sẽ khẩn trương khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.

Tình huống thứ ba, khi dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng, các cơ quan chuyên môn được giao đảm trách nhiệm vụ sẽ khẩn trương đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời và dập dịch.

Hiện tất cả các cửa khẩu đã tăng cường công tác giám sát hành khách đến từ vùng có dịch, chuẩn bị các kế hoạch ứng phó, phòng cách ly tạm thời, các trang thiết bị thiết yếu phòng, chống dịch.

Đáng chú ý, để chủ động ứng phó với dịch bệnh, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng của Bộ Y tế tại Cục Y tế dự phòng và 4 Viện Vệ sinh dịch tễ Pasteur.

Ðủ năng lực chẩn đoán coronavirus mới

Về năng lực chẩn đoán virus corona mới của Việt Nam, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, cho biết, Viện đã xây dựng được phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, có phòng an toàn sinh học cấp 3 đối phó với virus mới này để tránh lây sang cán bộ y tế. “Viện đã thành lập nhóm chuyên gia sẵn sàng để thực hiện xét nghiệm nếu có bệnh nhân.

Tuy nhiên, cái khó là hiện nay chưa có mồi đặc hiệu và chứng dương đặc hiệu để xác định được virus corona mới này cụ thể là gì. Viện đang đợi Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp”, ông Dương cho hay.

Hiện nay, trên thế giới chỉ có WHO và CDC Hoa Kỳ mới có khả năng tìm ra mồi đặc hiệu, chứng dương và các vật liệu di truyền của virus mới. TS Dương thông tin thêm, ngay khi cuộc họp khẩn đang diễn ra, Viện đã nhận đươc trình tự gene đặc hiệu của loại virus mới này do WHO gửi.

Với trình tự gene này, khi Viện nhận mồi đặc hiệu, chứng dương và vật liệu di truyền do WHO gửi thì các nhà khoa học của Viện sẽ nhanh chóng giải mã được loại virus mới này trong vòng 24 giờ. Các quốc gia trên thế giới đều đang đợi thông tin này từ WHO để tiến hành các xét nghiệm sinh học phân tử nhằm tìm ra chính xác loại virus corona mới này là gì để có hướng điều trị tốt nhất.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, không có thuốc đặc trị bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới mà chỉ điều trị triệu chứng như với SARS và MERS, những bệnh do virus họ corona gây ra. Bộ Y tế sẽ ban hành phác đồ điều trị virus corona mới trong hôm nay. Đồng thời, Cục sẽ theo dõi sát thông tin của các nhà chuyên môn từ Trung Quốc và WHO để cập nhật điều trị. Ông Khoa khuyến cáo người dân không quá hoang mang về dịch bệnh, nhưng phải thực hiện những biện pháp phòng chống lây nhiễm.

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM (Bộ Y tế), nhận định: “Sự biến đổi của corona virus không nhiều, kể cả khi lây sang người. Độc lực của virus không cao vì đến nay trường hợp duy nhất tử vong ở Trung Quốc là trên nền bệnh nhân mắc bệnh mạn tính. Nếu có lây truyền từ người sang người thì cũng ở mức hạn chế”.

Khuyến cáo phòng bệnh

Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, khi cần phải tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Mỗi người phải giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những người trở về từ Vũ Hán hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố này trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Một lưu ý quan trọng của Bộ Y tế giúp hạn chế phát tán virus gây bệnh là “cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi”, tốt nhất là bằng khăn vải hay khăn tay để giảm sự phát tán tiết dịch đường hô hấp. Ngoài ra, người dân nên hạn chế tiếp xúc gần với trang trại nuôi động vật, hoặc động vật hoang dã.

MỚI - NÓNG
Thuê 'đất vàng' ở trung tâm TPHCM rồi chiếm giữ, không thanh toán tiền
Thuê 'đất vàng' ở trung tâm TPHCM rồi chiếm giữ, không thanh toán tiền
TPO - Công ty CP Thực phẩm sản xuất và Thương mại Sài Gòn 1, Công ty CP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp II thuê nhà đất của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 1 nhưng viện dẫn lý do gặp khó khăn trong kinh doanh để không nộp tiền thuê nhà và không trả lại nhà, đất, không cam kết thời hạn khắc phục.
Vụ quái xế đâm chết người ở Hà Nội: Nỗi đau của xã hội
Vụ quái xế đâm chết người ở Hà Nội: Nỗi đau của xã hội
TPO - Vụ "quái xế" đâm tử vong một người ở TP. Hà Nội chưa lắng xuống, dư luận tiếp tục xôn xao về việc một nhóm đối tượng có hành vi chặn đường, dùng tuýp sắt đe dọa cướp xe máy của nam thanh niên ở Hà Nội bị bắt giữ. Điều đáng nói phần lớn đối tượng trên đều chưa đủ tuổi trưởng thành.