Hai anh em ở đội bóng lừng danh bươn chải kiếm sống

Hai anh em ở đội bóng lừng danh bươn chải kiếm sống
TP - Đội bóng rổ tỉnh Sóc Trăng bốn lần vô địch quốc gia (năm 2001, 2003, 2005, 2006), nhiều vận động viên được chọn vào đội tuyển tham dự SEA Games 22 và SEA Games 23. Đầu tháng 1 này, PV Tiền Phong đi tìm các vận động viên ấy dọc theo vỉa hè TP Sóc Trăng.

> 'Thân cò' mưu sinh trong giá rét
> 'Làng' bán sức giữa Thủ đô
> Nghề đội phế thải

Kết cục buồn

Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai ở phường 3 (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) có tiệm sửa xe Sáng bé tí, nghèo nàn, của vận động viên bóng rổ lừng danh một thời Quách Văn Sáng.

Anh Sáng ngừng bàn tay nhem nhuốc dầu mỡ, buồn bã tâm sự: “Giờ đã gần hết buổi sáng mà chỉ vá được một cái vỏ xe mười mấy ngàn đồng, buổi chiều cũng chẳng bao nhiêu. Ngày nào may mắn lắm được một trăm, trăm rưỡi ngàn đồng, chưa trừ chi phí nguyên liệu”.

Anh kể, cuộc sống hai vợ chồng và đứa con rất vất vả. Vợ là nhân viên phụ trách thiết bị trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, lương tháng chỉ trên dưới 2 triệu đồng. Riêng tiền gửi đứa con 5 tuổi, học mẫu giáo bán trú mỗi tháng đã tốn 900 ngàn đồng.

Vợ của anh Sáng, chị Lý Thị Hồng Nga ngậm ngùi góp chuyện: “Hai vợ chồng làm không dám nghỉ tay mà đôi khi còn thiếu ăn, phải nhờ cha mẹ hai bên trợ giúp”.

Tiệm sửa xe kiêm nơi ở của gia đình anh Sáng, nhưng không phải tài sản của gia đình anh, mà là của người bác vợ cho ở đậu nhà rồi cho mượn luôn đồ nghề sửa xe để kiếm sống.

Căn nhà bề ngang nhỉnh hơn 3 mét, sâu vô một khúc toen hoẻn, phía ngoài là phòng khách và để luôn đồ nghề sửa xe, có mấy cái ghế cóc, phía trong có cái giường và góc bếp.

Cựu VĐV bóng rổ Quách Văn Đức trong quán cà phê vắng khách
Cựu VĐV bóng rổ Quách Văn Đức trong quán cà phê vắng khách.

Em ruột anh Sáng là anh Quách Văn Đức, cũng là vận động viên của đội tuyển bóng rổ lừng danh Sóc Trăng một thời, nay hoàn cảnh tương tự anh trai.

Sau khi góp phần đưa về cho tỉnh nhà mấy tấm huy chương vàng vô địch quốc gia, cuộc sống nghèo khổ quá, chạy vạy đủ đường, nay bán cà phê bên đường Hùng Vương, phường 6 (TP Sóc Trăng).

Anh Đức ngừng tay pha cà phê, kể chuyện loay hoay tìm nghề kiếm sống từ học điện cơ đến thợ bạc nhưng chẳng nghề nào đứng được.

Trong khi đó, anh còn phải nuôi vợ và hai con, hiện đứa lớn học lớp ba, đứa nhỏ học mẫu giáo. Bởi vậy, cha mẹ vợ nhường lại cho vợ chồng anh cái quán cà phê nhỏ bé, kiếm tiền đắp đổi qua ngày.

Khi vắng khách, anh Đức ngồi tâm sự: “Đằng sau những tấm huy chương là cả quá trình khổ luyện. Để đạt được những tấm huy chương ấy cùng đồng đội, tôi phải mất gần 5 năm miệt mài rèn luyện. Thế nhưng sau bao năm cống hiến cho thể thao tỉnh nhà, tôi gần như bước vào đời với hai bàn tay trắng, bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Cũng may được gia đình bên vợ giúp đỡ, hai vợ chồng mới mở quán cà phê này, nếu không thì không biết thế nào nữa”.

Thời vang bóng

Anh Sáng lấy chị Nga năm 2005, lúc anh còn trên đỉnh cao vinh quang, cuộc sống nhiều màu hồng. Anh Sáng nói, lúc đó, hai anh em tràn trề hy vọng làm vận động viên bóng rổ giành được nhiều huy chương vàng, sẽ được đổi đời.

Sinh ra và lớn lên ở xã Thới An Hội (Kế Sách, Sóc Trăng), Sáng là con thứ ba, Đức là con thứ tư trong gia đình có 6 anh em. Thuở nhỏ, hai anh đã đam mê thể thao. Cả hai anh cao to, khỏe mạnh và trong các môn thể thao thì bóng rổ là niềm đam mê lớn nhất. Gia đình anh nghèo, quanh năm sống nhờ vào ruộng lúa.

Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Xuyến, kể: “Làm ruộng đủ ăn đủ mặc là may lắm, chứ không dư giả. Lúc nhỏ, hai anh em nó thường trốn nhà đi chơi thể thao”.

Anh Tiếp Ri Đa Ni - đồng nghiệp cũ trong đội bóng rổ Sóc Trăng của anh Sáng và anh Đức, đang làm huấn luyện viên môn bóng rổ trẻ (năng khiếu) TP Cần Thơ, cho biết: “Các vận động viên cùng thời tôi phần lớn đã giải nghệ, bươn chải cuộc sống vất vả. Tôi may mắn được tiếp tục niềm đam mê của mình khi làm việc tại TP Cần Thơ. Nhưng đồng lương hiện tại không đủ để nuôi gia đình nên hằng ngày phải kiếm chỗ dạy thêm bên ngoài”.

háng 8-1996, hai anh được Sở TD-TT tỉnh Sóc Trăng chọn vào đội năng khiếu nhờ có chiều cao lý tưởng và tố chất bẩm sinh của một vận động viên bóng rổ.

Cả gia đình vui mừng, còn hai anh bây giờ nhớ lại, còn bồi hồi với cảm xúc lúc đó, thấy cơ hội để thay đổi cuộc đời, từ đây sẽ không còn sống trong cảnh nghèo khổ nữa, cố gắng phấn đấu để trở thành một vận động viên có danh có tiếng cả nước.

Được tuyển vào đội năng khiếu, hai anh miệt mài tập luyện, quyết chí sớm lên tuyển. Chế độ lương rất thấp, một người một tháng chỉ được 1.050.000 đồng, không đủ để đảm bảo cuộc sống cho bản thân.

Nhưng với niềm đam mê và hy vọng, hai anh em nghĩ rằng tiền chưa quan trọng nhất, mà làm sao để sớm khẳng định được mình.

Cuối tuần hai anh em đạp xe từ trung tâm huấn luyện của tỉnh về quê thăm nhà một lần với quãng đường trên 30 km. “Đạp xe tới huyện, cha lấy ghe ra chở về nhà do đường khó đi, phải qua sông”, anh Đức kể.

Vượt qua mọi thiếu thốn nhọc nhằn, năm 1998, hai anh đã được ban huấn luyện đưa lên đội 1 để thi đấu cùng đàn anh và không lâu sau, khẳng định được giá trị của mình trong đội bóng.

Niềm vui và hạnh phúc dồn dập đến với hai anh em khi cùng đồng đội vượt qua đối thủ những điểm số nghẹt thở, ở những thời điểm quyết định. Cả đội ôm nhau ăn mừng với niềm vui khó tả những lần giành chức vô địch.

Nhưng lương vẫn không đủ sống. Anh Sáng nhớ lại: “Lương thấp quá, chúng tôi lại còn phải thuê nhà trọ để ở”.

Niềm đam mê bóng rổ của hai anh em, từ khi có con, lại trở thành sự nghiệt ngã bởi vô hình trung nó làm cho gia đình trở nên khó khăn hơn trong cuộc sống.

Năm 2010, anh Sáng bắt đầu phải học nghề sửa xe máy với một người quen để kiếm thêm tiền. Sau đó, một người bác thương tình cho anh ở đậu căn nhà bé kiêm tiệm sửa xe và cho mượn luôn đồ nghề sửa xe.

Anh Sáng nghẹn ngào: “Tôi không có đồng vốn trong tay, vợ con lo chưa xong lấy tiền đâu mà thuê mặt bằng, mua đồ nghề mở tiệm, may có người bác vợ tốt bụng”. Cũng từ đó, nghề sửa xe máy gắn vào đời anh Sáng, chính thức kết thúc thời vang bóng cùng đội bóng rổ lừng danh của tỉnh Sóc Trăng.

Cuộc sống của gia đình anh Đức có vẻ dễ thở hơn anh Sáng, nhưng anh Đức buồn bã nói: “Day dứt nhất là chúng tôi không giúp đỡ gì được cho cha mẹ ở nhà, thỉnh thoảng vài ba tháng chở vợ con về nhà thăm một lần. Hầu hết đồng đội cũ của chúng tôi ngày trước, nay sống cũng rất khó khăn”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG