Hãng Lenta tối ngày 11/10 dẫn website chính thức của nhóm hacker có tên “KiberBerkut” cho biết, tài liệu tuyệt mật do Uỷ ban điều tra vụ MH17 gửi Bộ Quốc phòng Ukraine. Đại tá Igor Zorin, người đứng đầu lực lượng phòng không của Ukraine, sau đó đã ký sao lưu tài liệu ký.
Tài liệu ghi nhận việc “phân tích mẫu vật liên quan tới mảnh vỡ bị biến dạng thu nhận được từ hiện trường, chứng minh đây là mảnh đầu đạn tên lửa đất đối không 9M38 thuộc hệ thống phòng không chống máy bay Buk hoặc Buk-M1”.
Hacker cũng khẳng định, tài liệu trên được lấy trong “mạng nội bộ của Bộ Quốc phòng Ukraine”, và nội dung của tài liệu đề cập đến công tác điều tra của Ủy ban điều tra đặc biệt, trong đó hàm ý về "mối liên quan của quân đội Ukraine" và sự cố chiếc máy bay mang số hiệu MH17 bị bắn hạ.
Tài liệu đề ngày 7/8/2014. Theo tuyên bố của "KiberBerkut", tài liệu chứng minh "mối quan hệ đặc biệt" giữa Ủy ban điều tra và Bộ Quốc phòng Ukraine.
Đến thời điểm hiện tại, giới chức Kiev chưa đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan tới tài liệu do nhóm hacker “KiberBerkut” cung cấp.
Máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị rơi tại vùng Donetsk ở miền đông Ukraine hôm 17/7, làm 298 người thiệt mạng, trong đó có 193 người Hà Lan. Khi bị rơi, máy bay đang thực hiện hành trình từ Amsterdam về Kuala Lumpur.
Trước đó, tối ngày 9/9, giới truyền thông Ukraine đã đăng tải thông tin tình báo Ukraine phát hiện ra "các dấu tích của tên lửa Buk trước sự chứng kiến của chuyên gia quốc tế tại hiện trường vụ tai nạn máy bay MH 17".
Lãnh đạo Cơ quan An ninh quốc gia Ukraine, ông Valentin Nalyvaychenko cho biết: "Chúng tôi có thể khẳng định, Ukraine sẽ làm tròn trách nhiệm của mình trong quá trình điều tra và xác định nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn.
Chúng tôi sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm và bồi thường cho thân nhân các nạn nhân gặp nạn trên chiếc MH 17. Có thể, chính binh sĩ Nga đã sử dụng tổ hợp Buk-M gây ra thảm kịch trên...", ông Nalyvaychenko tuyên bố.
Tài liệu được cho là lấy từ "mạng nội bộ Bộ Quốc phòng Ukraine" do nhóm hacker cung cấp.
Ngay sau tuyên bố trên, đại diện Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga đã khẳng định định, tuyên bố của ông Valentin Nalyvaychenko ám chỉ máy bay MH 17 bị bắn hạ bởi tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M (phiên bản nâng cấp) là "dư thừa và không cần thiết".
Sau tuyên bố của ông V. Nalyvaychenko, đại diện phía Nga tuyên bố, quân đội nước này đang sở hữu các tổ hợp tên lửa Buk-M1-2 và Buk-M2, nhưng không sở hữu phiên bản Buk-M. Trong khi đó, quân đội Ukraine lại đang sở hữu tổ hợp Buk phiên bản này.
"Trong tuyên bố của mình, V. Nalyvaychenko dường như ám chỉ về tổ hợp Buk-M. Tuy nhiên, cần phải biết rằng, tổ hợp Buk-M do một doanh nghiệp quốc phòng thuộc Ukroboronprom (Ukraine) phát triển và nâng cấp", đại diện Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga tuyên bố.