Trồng mới gần 400.000 cây xanh năm 2018
Ngày 6/11, Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản; phát triển và quản lý đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai.
Ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản trong 10 tháng đầu năm 2018, UBND thành phố đã chỉ đạo thẩm định các dự án, thiết kế dự toán của công trình, tạo điều kiện cho các dự án triển khai đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ thực hiện được nhanh hơn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và vốn ngoài ngân sách Nhà nước.
Công tác quản lý, duy trì và trồng mới cây xanh, phát triển công viên, vườn hoa, thảm cỏ được quan tâm đầu tư. Trong 10 tháng năm 2018, toàn thành phố đã trồng được hơn 387.100 cây xanh. Trong đó, cấp thành phố trồng được 389.680 cây (chưa bao gồm 13.738 cây cảnh); cấp huyện trồng được 37.836 cây bóng mát (chưa bao gồm 47.194 cây ăn quả); xã hội hóa trồng được 679 cây bóng mát. Tính lũy kế từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã trồng được 927.800 cây xanh, đạt 92,7% mục tiêu Chương trình 1 triệu cây xanh.
Tính đến 12/10/2018 đã cắt tỉa được 33.699 cây/264 tuyến phố, 15 công viên, vườn hoa và 3 khu đô thị.
Cơ chế đặc thù cải tạo chung cư cũ
Tại Hội nghị, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị với Bộ Xây dựng một số vấn đề tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai tại thành phố. Cụ thể, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho phép thành phố chủ động phê duyệt dự toán nghiên cứu lập quy hoạch đối với các đồ án quy hoạch đặc thù có yếu tố tư vấn nước ngoài theo quy định; việc thanh quyết toán sẽ được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn lập quy hoạch.
Phân cấp cho thành phố tự xem xét, quyết định điều chỉnh dự án xây dựng nhà ờ thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; điều chỉnh cơ cấu diện tích sàn xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đối với các dự án xây dựng nhà ờ trên 500 căn.
Thành phố cũng kiến nghị Bộ Xây dựng thống nhất chủ trương và phối hợp với thành phố đề xuất với Trung ương cho phép thành phố nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù phù hợp với thực tế Thủ đô nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các quy định liên quan đến chính sách cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp trên địa bàn. Đảm bảo tính khả thi của các dự án, hài hòa lợi ích của Nhà nước - người dân - nhà đầu tư; Kiến nghị phân cấp cho thành phố cấp phép xây dựng tất cả các công trình do thành phố quyết định chủ trương đầu tư.