Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa khảo sát thực tế, làm việc tại thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong hơn 10 năm qua, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT), hiện nay công tác này vẫn đang được tiếp tục trong đó thành phố đặt ra mục tiêu đến sau năm 2030 sẽ phát triển các loại hình vận tải công cộng khối lớn để giảm xe cá nhân, trong đó có dừng xe máy trong khu vực nội đô.
Để thực hiện chủ trương này, hiện thành phố đang bám sát các quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có Quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 và quy hoạch giao thông vận tải năm 2016. Theo các quy hoạch này, giai đoạn từ 2011 đến 2030 thành phố xây dựng 8 tuyến nhanh - BRT nhưng hiện nay mới làm được 1. Nhưng do mới có 1 tuyến và xây dựng làn đường ưu tiên trên cơ sở lấy 1/3 mặt cắt của trục xuyên tâm Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương có lưu lượng giao thông đông nên các đơn vị vận hành có cố gắng nhưng việc hoạt động, khai thác của tuyến đang có nhiều hạn chế.
Đường ùn tắc, hạ tầng đường sá chưa đáp ứng đúng thiết kế dẫn đến xe buýt nhanh BRT đang gặp khó khăn trong hoạt động. |
Theo ông Tuấn, do lưu lượng giao thông đông và làn đường ưu tiên đang khai thác đúng tiêu chuẩn nên buýt nhanh hoạt động không khác gì buýt thường, vào giờ cao điểm vẫn chạy chậm như các tuyến buýt thông thường. Từ thực tế này nên trong phương án điều chỉnh quy hoạch chung về phát triển giao thông sắp tới, thành phố có kế hoạch sẽ thay thế tuyến buýt BRT bằng tuyến đường sắt đô thị vừa được bổ sung chạy cùng hành trình là Kim Mã - Yên Nghĩa
Với các tuyến đường sắt đô thị, ngoài 1 tuyến đã có quy hoạch, thành phố đề xuất xây dựng thêm 4 tuyến, nâng tổng số tuyến đường sắt đô thị của thành phố lên 14, tổng chiều dài 550 km. Ngoài ra, thành phố cũng đề xuất xây dựng 3 tuyến tàu một ray monorail để đi đến các khu vực địa hình khó khăn, đồi dốc, theo các hướng được nghiên cứu như: Liên Hà (Đông Anh) - Tân Lập - An Khánh (Hoài Đức) dài khoảng 11 km (tuyến số 1); Mai Dịch - Mỹ Đình - Văn Mỗ - Phúc La, Giáp Bát - Thanh Liệt - Phú Lương, dài khoảng 22 km (tuyến số 2); Nam Hồng (Đông Anh) - Đại Thịnh (Mê Linh) dài khoảng 11 km (tuyến số 3).
Khi nào hạn chế xe cá nhân tại khu trung tâm?
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, để hạn chế xe cá nhân tại khu vực trung tâm, giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường Nghị quyết của HĐND thành phố đặt ra đến năm 2030 vận tải công cộng phải đáp ứng được từ 50 đến 60% nhu cầu của người dân, nhưng hiện nay mới được khoảng 19%. Chỉ còn 6 năm nữa để đạt được mục tiêu trên là rất khó khăn với các sở ngành và thành phố, để thực hiện các giải pháp này ngoài mở rộng mạng lưới, vùng phục vụ của xe buýt, thời gian qua thành phố đang đẩy nhanh thực hiện xây dựng, đưa vào khai thác các dự án vận tải hành khách công cộng khối lớn trong đó có đường sắt đô thị.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) cho biết, tuy vừa đưa vào khai thác hơn 1 năm nhưng hiện mỗi ngày, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận chuyển khoảng 37 nghìn khách với 80% hành khách sử dụng vé tháng, góp phần giảm tải lưu lượng phương tiện giao thông trong giờ cao điểm, làm thay đổi thói quen sử dụng phương tiện công cộng và từng bước xây dựng văn hóa giao thông theo hướng văn minh, hiện đại.
Đoàn khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đi thực tế trên xe buýt. |
Kiến nghị với đoàn giám sát, ông Trường nêu ý kiến, hiện nay đường sắt đô thị vẫn đang được điều chỉnh bởi Luật Đường sắt và các nghị định có liên quan. Cơ chế hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, do đó cần có cơ chế đặc thù, đột phá để phát triển, quản lý, vận hành đường sắt đô thị.
Ông Bùi Hồng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, hiện Transerco đang vận hành 68 tuyến xe buýt, chiếm 54% thị phần lĩnh vực này trên địa bàn thành phố. Mỗi năm, Transerco có 3,3 triệu lượt phương tiện vận chuyển khoảng 150 triệu lượt khách. Riêng tuyến xe buýt BRT, trong 7 năm qua đã thực hiện 853 nghìn lượt xe, vận chuyển 92 triệu lượt khách.
Theo ông Sơn, định hướng của Chính phủ và thành phố Hà Nội là sau năm 2035 sẽ chuyển đổi phương tiện công cộng từ sử dụng động cơ diesel sang động cơ điện. Tuy nhiên nguồn vốn đầu tư cho phương tiện động cơ điện khá lớn, cộng với việc một số phương tiện động cơ diesel vẫn còn sử dụng tốt, chưa thể loại bỏ ngay khiến Transerco gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn khi thực hiện lộ trình chuyển đổi phương tiện sang xe điện.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong cho biết, thông qua buổi khảo sát ngoài nắm bắt thực trạng công tác thực hiện quy hoạch và đảm bảo trật tự, ATGT còn ghi nhận được những vướng mắc, tồn tại của lĩnh vực này trong quá trình phát triển. Từ đó giúp cho Đoàn giám sát và rộng hơn là Quốc hội xem xét xây dựng, sửa đổi luật về giao thông nói chung và giao thông công cộng nói riêng cho phù hợp, sát thực tế.