Không giới thiệu dự án khác cho chủ đầu tư có danh sách theo dõi
UBND TP Hà Nội vừa ban hành công văn về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại và chung cư tái định cư trên địa bàn.
Văn bản do Phó Chủ tịch UBNd TP Nguyễn Thế Hùng nêu rõ đối với các chung cư thương mại chưa thành lập Ban quản trị, không có kinh phí bảo trì..., UBND các quận, huyện phải kiểm tra, đôn đốc xử lý.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng yêu cầu các địa phương xây dựng phương án và tổ chức thực hiện đối với các chung cư chưa đủ điều kiện để tổ chức hội nghị nhà chung cư (có thể do chưa đủ hộ dân, số người tham dự không đạt tỷ lệ...). Những nội dung này cần phải báo cáo Sở Xây dựng để cơ quan này kiểm tra, hướng dẫn.
Lãnh đạo thành phố cũng nêu rõ, Sở Tài nguyên & Môi trường không được đề xuất giới thiệu địa điểm cho các nhà đầu tư có tên trong danh sách theo dõi nói trên.
Theo UBND thành phố, các chủ đầu tư phải thực hiện phần trách nhiệm đã được pháp luật quy định và các nội dung trên phải hoàn thành trong quý III.
Tranh chấp chung cư tràn lan
Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình trạng cư dân khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản, Bộ Xây dựng chỉ ra có hơn 215 đơn khiếu nại, trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án. Nhiều trong số này tập trung chủ yếu các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM...
Tranh chấp liên quan đến phần diện tích sở hữu chung, riêng; tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; tranh chấp liên quan đến kinh phí quản lý, vận hành; tranh chấp liên quan đến chất lượng công trình; tranh chấp liên quan đến tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu; các tranh chấp liên quan đến Hợp đồng mua bán căn hộ; tranh chấp về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và một số tranh chấp khác trong quá trình quản lý sử dụng, vận hành... là những vấn đề tranh chấp gay gắt thời gian qua.
Tại Hà Nội những ngày gần đây, cư dân tại dự án chung cư The Pride (quận Hà Đông, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư vô cùng bức xúc và căng băng rôn phản đối chủ đầu tư về hàng loạt bất cập, sai phạm. Trong đó phải kể đến là việc tiền phí bảo trì khoảng 60 - 70 tỷ đồng của gần 2.000 hộ dân sống ở đây bị chủ đầu tư Hải Phát "om" hơn 3 năm nay.
Điều đáng nói Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát không bị cư dân phản ánh tại dự án The Pride, mà tại dự án chung cư HHB Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng) nhiều cư dân ở đây cũng tỏ ra bức xúc vì chủ đầu tư không công khai minh bạch quỹ bảo trì, không có nhà sinh hoạt cộng đồng, nhiều hạng mục của công trình chất lượng kém....
Điều đáng nói, tại Hà Nội hiện nay không chỉ các dự án đã đưa dân vào ở mới xảy ra tranh chấp mà những dự án đang trong quá trình hoàn thiện chuẩn bị bàn giao cho khách hàng cũng xảy tra tranh chấp, gây bức xúc cho hàng trăm khách hàng.
Điển hình là tại dự án chung cư Anland Complex thuộc Khu đô thị Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội), do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư, hàng trăm khách hàng từ nhiều ngày qua đã phải đội nắng, thức đêm để phản đối việc chủ đầu tư này quảng cáo một đằng, bán nhà một kiểu.
Cụ thể, theo phản ánh của người mua nhà vào thời điểm này khi gần đến thời hạn bàn giao nhà, rất nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án này phát hiện rất nhiều hạng mục, thiết bị không đúng như cam kết trong hợp đồng mua bán. Đặc biệt, họ còn phát hiện phía chủ đầu tư tự ý thay đổi và sử dụng vật liệu rẻ tiền không đảm bảo chất lượng. Trong khi phía chủ đầu tư đưa ra những thông tin lý giải không thỏa đáng.