Hà Nội tiếp tục duy trì 23 chốt cửa ngõ, quản lý người ra vào Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội tiếp tục duy trì 23 chốt cửa ngõ, quản lý người ra vào Thủ đô
TPO - Dù dự kiến nới lỏng nhiều hoạt động sau ngày 21/9, nhưng thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ, quản lý người ra, vào Thủ đô.

Chiều 19/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn chủ trì họp Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội.

Tại cuộc họp, đại diện quận Long Biên cho biết, liên quan đến ổ dịch tại Tổ 4, phường Việt Hưng, tính từ 18/9 đã ghi nhận tổng số 12 trường hợp F0. Đến nay, quận đã cho rà soát lại toàn bộ các khu vực có các trường hợp liên quan đến F0, tiến hành khoanh vùng, phun khử khuẩn; lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho khoảng hơn 4.000 người tại khu vực này và dự kiến ngày 20/9 sẽ có kết quả.

Đại diện lãnh đạo quận Thanh Xuân báo cáo tình hình khu vực ổ dịch tại ngõ 328 – 330 Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung) đã được kiểm soát. Hiện, quận đang tiếp tục lấy mẫu 2-3 ngày/lần đối với hơn 100 người già, người có bệnh lý không di chuyển cách ly tập trung được; đồng thời, tiến hành phun khử khuẩn, mời các chuyên gia dịch tễ về đánh giá độ an toàn... Quận đang xây dựng kế hoạch, dự kiến báo cáo thành phố để ngày 28/9 đón hơn 1.000 dân đang cách ly tập trung tại Thạch Thất về.

Kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, đến ngày 15/9, trên 93% người trên 18 tuổi ở thành phố đã tiêm mũi 1vắc xin COVID-19; gần 70% toàn dân số thành phố đã được tiêm vắc xin.

Qua chiến dịch thần tốc vừa qua, thành phố đã xét nghiệm diện rộng trên 4 triệu người để bóc tách F0 khỏi cộng đồng và tỷ lệ ca mắc ngoài cộng đồng đã giảm xuống còn 10%. Sau đó, thành phố đã điều chỉnh xét nghiệm theo hướng có trọng điểm, đúng đối tượng, khu vực nguy cơ.

Ông Tuấn cho biết, từ các mốc thời gian của từng loại vắc xin, thành phố sẽ tiếp tục triển khai, đảm bảo sẽ tiêm vắc xin mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên hoàn thành dự kiến trong tháng 11/2021. Đây là điều kiện quan trọng để thực hiện "mục tiêu kép".

Cũng theo ông Tuấn, theo định hướng chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, dự kiến sau 21/9 sẽ không chia 3 phân vùng phòng, chống dịch như hiện tại nữa. Nơi nguy cơ rất cao, có ca F0 sẽ trở thành điểm đỏ. Điểm đỏ phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Khu vực xuất hiện F0 và các gia đình lân cận thì phải phong tỏa, cách ly y tế. Khu vực lân cận là vùng vàng, còn lại là xanh. "Việc thực hiện theo tinh thần không có đỏ là tốt nhất, có thì phải thu hẹp tối đa", ông Tuấn nói.

Phó Chủ tịch thành phố cho rằng, kinh nghiệm thực tế cho thấy việc nới lỏng phải đi kèm với phải kiểm soát chặt chẽ. Thành phố sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ, dự kiến báo cáo Thủ tướng để làm việc với các tỉnh thành lân cận để phối hợp quản lý người ra vào Thủ đô.

Ông Tuấn cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng các phương án phòng, chống dịch sau ngày 21/9 theo hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Trong đó, các địa phương cần chú trọng triển khai việc quét mã QR.

Cùng với đó, các quận, huyện cần chú trọng các phương án bảo đảm phòng chống dịch cho các phương tiện đường bộ, đường hàng không về thành phố; với các trường học được trưng dụng làm nơi cách ly phải tiến hành các biện pháp phòng dịch theo quy định để sẵn sàng đón học sinh quay trở lại học tập.

Sau ngày 21/9, thành phố dự kiến sẽ cơ bản cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại với các điều kiện cụ thể để đảm bảo an toàn, vì thế việc chủ động các phương án phòng, chống dịch cần được triển khai. Tuy nhiên, tại các khu vực điểm đỏ không được xây dựng, hoặc đang triển khai xây dựng mà có F0 thì cũng phải dừng.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.