Hà Nội: Tiện ích cho người đi bộ thành nơi đỗ xe, tập kết rác

0:00 / 0:00
0:00
TP - Kể từ khi được cải tạo, đưa vào sử dụng đến nay, các tuyến đường dành riêng cho xe đạp, người đi bộ tại Hà Nội đều vắng vẻ, ít người đi lại và sử dụng sai mục đích.

Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, nhiều tuyến phố cho xe đạp, người đi bộ của Hà Nội xuất hiện tình trạng “ngập” rác thải gây ô nhiễm, ảnh hưởng không chỉ tới đời sống của các hộ dân tại đây mà còn cả người qua lại, gây mất mỹ quan thành phố.

Hà Nội: Tiện ích cho người đi bộ thành nơi đỗ xe, tập kết rác ảnh 1

Nhiều ô tô đỗ trong làn đường dành riêng cho người đi bộ, phía ngoài các cơ quan hành chính trên phố Huỳnh Thúc Kháng

Tại tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng (quận Ba Đình) và phố Thái Hà (quận Đống Đa), lực lượng chức năng đã lập hàng rào ngăn chặn các phương tiện vào khu vực dành riêng cho người đi bộ.

Tuy nhiên, sau 4 năm đưa vào sử dụng, những tuyến đường dành riêng cho người đi bộ rơi vào cảnh hoang tàn, nhếch nhác. Thậm chí có chỗ còn trở thành nơi tập kết rác, phế thải, vật liệu xây dựng, khiến không ít người dân tập thể dục đi ngang qua đây cảm thấy khó chịu khi mùi rác cứ phảng phất.

Ông Văn Minh, (Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Từ khi đi vào hoạt động, tuyến đường đi bộ trở thành nơi tập kết rác thải của khu vực, những nhà mặt đường như gia đình tôi bị ảnh hưởng lớn do rác thải thường xuyên bốc mùi hôi thối và không phát huy được công năng ban đầu”.

Chung số phận, tuyến đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ ven sông Tô Lịch mới đi vào sử dụng từ ngày 1/2/2024, đến nay cũng rơi vào cảnh ảm đạm, vắng bóng người dân, trái với kỳ vọng ban đầu của dự án. Tuyến đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ chiều rộng 4m và chiều dài 2,3km dọc sông Tô Lịch (đoạn từ Ngã Tư Sở tới Cầu Giấy).

Dự án được tiến hành nhằm nâng cao việc sử dụng các phương tiện vận tải công cộng của người dân Hà Nội. Dọc tuyến đường được lắp đặt 6 trạm xe đạp công cộng để kết nối với các bến xe buýt, đường sắt đô thị.

Mặc dù là tuyến đường ưu tiên cho xe đạp, nằm song song với tuyến đường Láng rất đông đúc nhưng đường dành cho xe đạp và người đi bộ rất ít người đi. Nhiều người đi xe đạp vẫn lựa chọn đi trên tuyến đường Láng như trước thay vì đi vào đường ưu tiên.

Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải nhận định, các tuyến đường cho xe đạp, người đi bộ hiện nay còn quá ít tiện ích dẫn đến việc hoạt động không hiệu quả.

“Chúng ta cần có trách nhiệm làm đường đi bộ hấp dẫn hơn như tích hợp nhiều điểm chờ xe buýt, lắp đặt thêm máy bán nước tự động, cũng như trang trí đường đi bộ, đặc biệt là phải luôn giữ sạch sẽ, tránh để tình trạng rác thải bủa vây tại đây”, TS Nguyễn Xuân Thủy nói, đồng thời cho rằng, lực lượng chức năng cần xử phạt mạnh tay đối với những trường hợp cá nhân, tổ chức biến đường đi bộ thành nơi đỗ xe, tập kết rác...

MỚI - NÓNG